Mẹ&Con - Mãi không thấy con đưa thư mời họp phụ huynh cuối năm, chị Mai Hương đành trực tiếp lên trường hỏi thăm Ban Giám Hiệu. Nhưng trước sự ngơ ngác của chị, Ban Giám Hiệu và Giáo viên chủ nhiệm cho biết: Buổi họp tổng kết năm học đã diễn ra từ… 10 ngày trước, và phụ huynh của… con chị có đi họp hẳn hoi!!! Dấu hiệu giúp mẹ nhận biết trẻ đang nói dối Dạy con... nói dối ngày cá tháng tư Trẻ nói dối, cha mẹ nên làm gì?

Vào tuổi teen – trẻ trở nên dễ dàng nói dối

Tá hỏa với những điều Giáo viên chủ nhiệm nói, chị Hương cho biết, từ sau Tết đến giờ không hề thấy cháu đưa sổ liên lạc cho mình. Hỏi, thì cháu bảo là chưa đến kỳ tổng kết. Trong khi đó, Giáo viên chủ nhiệm lại khẳng định sổ liên lạc của cô con gái đang học lớp 9 của chị tháng nào cũng đầy đủ chữ ký. Vài lần, thấy cháu có biểu hiện hay “mơ mộng”, biết cháu có quan hệ “tình cảm” với một bạn trai trong khối, Giáo viên chủ nhiệm gửi thư mời phụ huynh và sau đó cũng có một “phụ huynh” tự xưng là dì của cháu đến trao đổi rất nghiêm túc.

khi-trong-nha-co-nuoi-chu-cuoi

Đến lúc này, khi nghe cô giáo nói, chị mới biết hóa ra nhiều tháng nay, cả nhà trường và gia đình đều bị cô con gái yêu mới chưa đầy 15 tuổi của chị… đánh lừa. Ngỡ ngàng, chị chỉ còn biết thốt lên với Giáo viên chủ nhiệm: “Cô ơi, nó vốn là đứa ngoan lắm. Có bao giờ dám nói dối, dám làm những chuyện qua mặt cả nhà như thế này đâu!”.

Nghiêm trọng hơn trường hợp của chị Mai Hương, gia đình chị Linh cũng đang rối bời vì cậu con trai đang tuổi lớn. “Nó mê game kinh khủng. Gia đình cấm thế nào nó cũng tìm cách qua mặt được. Lúc thì nói dối bảo con đi học thêm, lúc thì bảo con lên trường tăng tiết. Không sao kiểm soát con được nữa. Động trời nhất là mới đây, tôi phát hiện nó cúp học, định mắng thì nó leo lẻo bảo không phải con cúp mà vì cha của cô chủ nhiệm lớp con mất, chúng con đi… đưa đám. Tôi hết hồn gọi điện qua cô chủ nhiệm của nó để chia buồn. Đến chừng đó, cả tôi lẫn cô chủ nhiệm nó mới phát khóc lên khi biết rằng chẳng hề có cái… đám tang nào, đơn giản là nó cúp học để đi chơi game thôi”, chị Linh bức xúc.

Thật ra, không phải đến tuổi teen, trẻ mới bắt đầu biết đến chuyện tìm cách “qua mặt” hay nói dối. Ngay từ bé, nếu không được kịp thời uốn nắn, rất nhiều trẻ cũng đã manh nha những kiểu nói dối như: “Mẹ ơi con đau bụng…” rồi không chịu đi học, trốn vào nhà vệ sinh cả tiếng đồng hồ. Từ những lời nói dối “cỏn con” như vậy, nếu phụ huynh không quan tâm nhắc nhở, thì đến độ tuổi dậy thì của trẻ, cha mẹ sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn.

“Đến tuổi dậy thì, trẻ có nhiều bạn bè và có nhu cầu làm theo ý của mình. Trẻ nhận ra sự ma lanh đôi khi mang lại kết quả “như ý”. Được bạn bè khích lệ (hay khích bác) nên sau đấy trẻ lại càng hay tìm cách qua mặt người lớn hơn”, một chuyên viên tâm lý cho biết. Tuy nhiên, chuyên viên tâm lý cũng cho biết thêm, có trường hợp cá biệt, phụ huynh chính là nguyên nhân để đẩy trẻ đến tình trạng nói dối. “Không ít phụ huynh đặt ra yêu cầu quá cao so với năng lực thực của trẻ. Bị áp lực, quá mệt mỏi và căng thẳng mà không biết nói với ai, trẻ tìm cách nói dối để đối phó tình hình…”. 

Làm gì với những “cô cuội”, “chú cuội” tuổi teen

Để ngăn ngừa những lời nói dối hay cách “qua mặt” của trẻ, điều bắt buộc phải làm là bạn cần định hướng cho trẻ từ những ngày thơ ấu về một cách sống trung thực. Một đôi khi, phụ huynh cũng rơi vào tình thế “không thể không nói dối” trước mặt trẻ. Ví dụ như bạn vốn ghét màu xanh, nhưng khi mở một món quà, thấy trong ấy là chiếc nón màu xanh, bạn thốt lên trước mặt trẻ: “Ôi đẹp quá!”. Trẻ biết ngay là bạn… “nói dối”. Đừng lơ qua chuyện đó! Vì trẻ sẽ hiểu nhầm và nghĩ rằng sự “ma lanh” là điều nên làm. Ngay khi chỉ còn hai mẹ con với nhau, bạn hãy chủ động giải thích với trẻ: Để mua chiếc nón ấy, cô (chú) ấy đã tốn rất nhiều thời gian. Nếu mình bảo là rất ghét màu xanh thì cô (chú) ấy sẽ buồn. Hãy nói rõ cho con biết rằng thỉnh thoảng, có những lúc chúng ta buộc phải nói dối để tránh làm cho người khác buồn. Nhưng con phải luôn ghi nhớ rằng nói dối để làm hại người khác hay vì quyền lợi của mình là không tốt.

Với cách giải thích chủ động như vậy, bạn sẽ giúp trẻ biết được từ sớm: Lời nói dối nào chấp nhận được và lời nói dối nào không được cho phép! Ngoài trường hợp ấy, những lúc phải đối mặt với một tình huống không hay, hãy cố gắng trung thực bằng tất cả khả năng mà bạn có. Bạn sẽ thấy bạn bị “thiệt thòi” đôi chút vào thời điểm ấy vì sự “kém ma lanh” của mình. Nhưng hãy hiểu rằng, phần thưởng cho hành động ấy chính là con bạn khi lớn lên, chúng sẽ trở thành những người trung thực.

khi-trong-nha-co-nuoi-chu-cuoi

Việc kế đến cần làm là đừng bao giờ “ép” trẻ vào tình thế không thể nào không nói dối. “Chồng tôi luôn nổi khùng lên và đánh ngay lập tức nếu biết rằng cháu làm một việc gì đó mà anh ấy không cho phép. Tôi biết, chính vì điều này mà mỗi khi muốn làm những việc đó, cháu luôn tìm cách bịa ra lý do. Mãi rồi thành quen…”, một chị phụ huynh thở dài với chuyên viên tư vấn, giải thích cho hành động nói dối của con mình.

Nếu bạn không muốn trẻ làm chuyện gì đó, hãy ngồi xuống, lắng nghe trẻ, phân tích với trẻ (như phân tích cho một người bạn) giúp trẻ hiểu ra vấn đề. Ví dụ, khi biết rằng trẻ đang… yêu(!), đừng hùng hổ quát lên với trẻ rằng: “Mẹ cấm con chơi với… thằng đó. Nếu mẹ thấy con đi chơi với nó nữa thì mẹ sẽ…”.

Đang tuổi dậy thì, trẻ luôn có khuynh hướng khẳng định mình bằng cách làm ngược lại ý cha mẹ, hoặc làm những gì mà trẻ (và bạn bè trẻ) cho là đúng. Bạn sẽ nhận ra trẻ có 1001 cách qua mặt bạn để tiếp tục đi chơi với anh chàng mà trẻ mến, bất chấp bạn lo lắng thế nào. Thế nhưng, nếu chỉ cần bạn ngồi xuống bên trẻ, thậm chí rủ trẻ đi ăn kem “chỉ có hai mẹ con với nhau”, bạn phân tích và giúp trẻ hiểu vấn đề thì lần sau, bạn sẽ nhận lại được những sẻ chia trung thực và thẳng thắn.

Trẻ đang tuổi lớn!

Hãy luôn ghi nhớ điều đó. Nói như chị Mai Hương, “Tôi không quát con mà chỉ về nói chuyện riêng với con. Gần hai tiếng đồng hồ trò chuyện với nhau, tôi bất ngờ nhận ra rằng có rất nhiều điều về con mà mình chưa biết đến. Tôi nghĩ, chuyện con nói dối có một phần lớn lỗi từ ba mẹ. Nếu mình gần gũi trẻ, chịu khó lắng nghe trẻ và là chỗ dựa tin cậy của trẻ, có khi nào trẻ lại nói dối mình…”. 

Tags:

Bài viết liên quan