Mẹ&Con - Trẻ con có thể cất tiếng khóc vì nhiều thứ. Vì đói, vì lạnh nhưng tiếng khóc trẻ thơ cất lên vì bất lực lại là thứ mà rất ít người có thể ngờ đến. Cha mẹ ly hôn, con ở với ai? Nói với con thế nào khi cha mẹ ly hôn? Tâm lý trẻ khi cha mẹ ly hôn

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một bức thư được cho là của một học sinh tiểu học. Toàn bộ bức thư là tiếng khóc trẻ thơ ai oán, đầy đau khổ, tuyệt vọng và bất lực của một em bé học sinh tiểu học.

Em bé được sinh ra trong một gia đình đầy đủ cả cha mẹ, ông bà song lại không có được hạnh phúc, bình yên như các bạn cùng trang lứa. Hàng ngày, em phải chứng kiển cảnh bạo lực gia đình, tra tấn rất khắc nghiệt trong căn nhà được gọi là mái ấm.

Bản thân mới chỉ là một đứa bé ăn chưa no, lo chưa tới… em không thể thay đổi hoàn cảnh hiện tại dù thật lòng rất muốn. Bất lực, sau nhiều ngày sống trong đau khổ em bé đã trút hết tâm tư qua một bức thư viết cho người bố kính yêu. Bức thư phía dưới khiến hàng ngàn người rơi lệ:

“Bố kính yêu!

Con muốn được nói chuyện với bố, nhưng vì bố bận nên con viết thư cho bố. Con nghĩ rằng con có rất nhiều điều muốn nói với bố nhưng con không thể viết được hết, vì con đang rất đau đầu. Bố ơi, con rất yêu bố mẹ và em Chi, con yêu cả ông bà nội và ông bà ngoại nữa. Con đã cố gắng học giỏi, ngoan và chăm sóc em Chi. Nhưng con không thể cố gắng được nữa vì con rất đau đầu.

Bố ơi! Tất cả mọi chuyện là vì con, nên mẹ mới khổ như vậy. Nếu không vì con thì mẹ đã không phải lấy bố, mẹ đã không khổ như vậy. Con biết rằng không ai muốn con có mặt trên đời này cả, nên con không có được tình yêu từ mọi người. Kể cả bố, bố cũng không yêu con như bố của các bạn.

Khi tiếng khóc trẻ thơ cất lên trong bất lực 5

Bức thư với những lời lẽ đầy ám ảnh của cô bé đang trong độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.  (Ảnh: FB Vũ Nguyễn)

Con ước gì được bố đưa đón đi học hằng ngày, nhìn các bạn được bố đón hết giờ học, con nhớ bố lắm, con chỉ biết khóc thôi. Đêm con không ngủ được vì nghĩ đến mẹ và nhớ bố. Vì con mà mẹ phải khổ, vì con mà ông nội đánh mẹ, đập đầu mẹ vào bờ tường, túm tóc mẹ kéo mặt mẹ ra phía sau, lúc mẹ ngã xuống đất ông vẫn dùng chân đạp vào đầu vào mặt mẹ.

Lúc đấy bà nội nhìn thấy mẹ đau, bà không can ông, bà cũng không đỡ mẹ dậy, bà còn chửi mẹ. Con sợ ông bà lắm bố ạ, nên con không thể về ở cùng ông bà được. Đã nhiều lần mẹ muốn cho ông xe ôm chở con về thăm ông bà, nhưng con sợ. Lần trước bố chở con về quê, bà nội nói chuyện với con ở trong bếp: “Mẹ là con vật, bên ông bà ngoại là 1 lũ rắn độc hút hết máu nhà bà nội”.

Bố ơi! Con mệt quá. Bà nội có thương con không? Bà nội có thương bố không? Thương mẹ không? Sao bà lại quét rác hất vào mặt để mẹ ngồi mẹ khóc, không dám cãi bà?

Con nhớ khi ông nội cầm dao đuổi bà nội và hất mâm cơm ra sân, bà nội khóc, mẹ thương bà mẹ nhảy vào đỡ dao cho bà. Buổi tối khuya bà nội bị ông nội đánh, không cho vào nhà, bà nội phải sang nhà bà Thủy ngủ, gọi điện cho mẹ bảo mẹ đưa tiền về cho bà nội vay và mua thuốc bổ cho bà.

Sáng hôm sau ông xe ôm chở mẹ và con về. Mẹ rút tiền về đưa cho bà nội. Mẹ thương bà lắm. Mẹ còn ôm bà nội khóc ở trong bếp, mẹ còn quỳ xuống xin ông nội cho bà nội vào nhà.

Bố ơi sao nhà mình khổ thế.

Con không muốn sống nữa, bạn nào cũng hỏi bố con đâu? Con thấy mẹ không ngủ được, mẹ uống thuốc xong thì ngủ. Bố ơi. Con xin lỗi bố, con xin lỗi mẹ. Con lấy thuốc của mẹ để uống.

Con không muốn ở nhà nữa!”.

Khi tiếng khóc trẻ thơ cất lên trong bất lực 6

Liệu kết cục của đứa trẻ sẽ ra sao nếu tiếp tục sống trong hoàn cảnh này? (ảnh: FB Vũ Nguyễn)

Mặc dù chưa tìm ra chủ nhân của bức thư là ai, tuy nhiên với những nét chữ và ngôn từ rất thật này, nhiều người hoàn toàn ngã gục trước tiếng khóc trẻ thơ đầy ai oán chất trong lá thư tay.

Từ trước tới nay, có phải chúng ta chỉ quan tâm đến những nhu cầu cơ bản của trẻ em như việc ăn, ngủ, học hành…? Còn việc chăm sóc tinh thần cho trẻ, dường như còn rất nhiều những thờ ơ?

Có phải người lớn chúng ta luôn nghĩ trẻ con không biết gì, chỉ cần biết ăn ngoan, ngủ tốt, học giỏi vậy là xong? Đã bao nhiêu lần bạn gây ra những vết rách trong tâm hồn con trẻ – dù trực tiếp hay gián tiếp nhưng cứ thể lờ đi một cách vô tình hay thậm chí là cố ý?

Khác với những gì người lớn tưởng tượng, thứ mà trẻ em mong muốn nhất đó chính là một mái ấm gia đình đúng nghĩa. Nếu có thể, đừng để tiếng khóc trẻ thơ cất lên vì bật lực, hỡi các bậc phụ huynh!

Tags:

Bài viết liên quan