Mẹ&Con - Tin vui 'hai vạch' đến lần thứ hai khiến bạn vừa hạnh phúc vừa thấp thoáng một nỗi lo. Lo nhất và… thương nhất là khi bé đầu lòng của bạn vẫn hãy còn khá nhỏ, chỉ mới 1-2 tuổi. Có em đồng nghĩa với việc bé sẽ ít được mẹ chăm chút, quan tâm từng li từng tí như trước. Chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi sắp có em Mẹ ơi, con thương mẹ! Làm gì để sớm có em bé?

Một số bé nhạy cảm thậm chí còn cảm thấy giống như mình bị… giành mất mẹ vậy. Làm thế nào chuẩn bị tâm lý cho con, khiến bé trở thành những người anh, người chị tuyệt vời sau này?

Thời gian

Bạn nên…

Ngay khi biết tin lên “hai vạch”

Bắt đầu tập cho con những kỹ năng “tự lập”. Tùy theo độ tuổi và tính cách của bé mà bạn điều chỉnh mức độ “nặng nhẹ”, “ít nhiều”. Về cơ bản, nên tập cho bé:

+ Ngủ một mình ở phòng riêng thay vì ngủ chung phòng, chung giường với bố mẹ.

+ Có thể tự xúc ăn thay vì chờ bạn đút cho từng muỗng.

+ Có thể tự chơi một mình mà không vòi vĩnh mẹ phải luôn ở cùng.

+ Có thể tự vệ sinh cá nhân (biết cách đi tè, ngồi bô…), nếu bé đủ lớn có thể dạy bé cả cách đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, mang giày dép…

Khi bạn mang thai 3 tháng

Cho con xem những bộ phim hoạt hình, những clip, những câu chuyện có hình ảnh “anh em” hay “chị em”. Thường xuyên nói với trẻ: “Con mà có em bé giống như thế chơi cùng thì thích lắm…”.

Trường hợp bé còn quá nhỏ chưa thể hiểu và hình dung được, bạn có thể cho trẻ chơi búp bê (nếu là bé gái), chơi gấu bông (nếu là bé trai). Bạn hướng dẫn để trẻ hình dung búp bê hay gấu bông giống như một đứa em. Chơi cùng trẻ những trò chơi như dỗ búp bê ngủ, dẫn búp bê cùng đi chơi, đút cho búp bê ăn… Sau này, con bạn sẽ thích nghi với việc có em dễ dàng hơn nhờ quá trình chơi cùng búp bê, gấu bông đó.  

Khi bạn mang thai 4 tháng

Nếu bé đã đủ 18 tháng, nên thử cho bé làm quen với môi trường nhà trẻ. Chọn một nhà trẻ uy tín, chất lượng chăm sóc trẻ tốt, gửi con một buổi ở trường. Hãy biết rằng khi bạn có bé thứ hai, nếu con đã quen với việc đi học nhà trẻ thì sẽ là thuận lợi lớn (vì bé có bạn chơi cùng, có môi trường sinh hoạt, ít cảm thấy cô đơn hay hụt hẫng vì mẹ ít dành thời gian cho…).

Trường hợp con bạn chưa đủ 18 tháng, bạn có thể tìm một người vú em tại nhà để trẻ dần quen với việc có người chăm sóc mới mà không phải mẹ.

Khi bạn mang thai 5 tháng

Bụng bạn lúc này đã đủ “to to”. Bạn có thể trò chuyện với con nhiều hơn, “báo tin” cho con biết mẹ đang có một em bé ở trong bụng. Bạn có thể cho con sờ bụng mẹ, giải thích với con về “em bé” theo cách đơn giản nhất mà bé có thể hiểu.

Khi bạn mang thai 6 tháng

Nếu bé trên 3 tuổi, bạn có thể cho con ngắm nghía những bộ quần áo, những vật dụng của bé sơ sinh. Nói với con rằng đó là vật dụng dành cho em bé. Cho con biết em rất nhỏ và cần sự yêu thương của cả gia đình.

Khi bạn mang thai 7 tháng

Đưa trẻ đi chơi cùng những cặp anh em, chị em khác. Chỉ cho trẻ thấy các bạn “anh em”, “chị em” kia vui vẻ với nhau như thế nào. Nói với trẻ chỉ một thời gian ngắn nữa, con cũng sẽ có em như thế. Sau này em sẽ chơi cùng con.

Khi bạn mang thai 8 tháng

Cho con xem lại những hình ảnh khi con còn bé, là một đứa trẻ sơ sinh, rồi biết lật, biết bò, biết đi… Tiếp tục nói với con nhiều lần rằng mẹ sắp sửa sinh em bé. Em bé cũng giống như con hồi nhỏ. Rồi em bé sẽ lớn lên giống như con và gọi con bằng anh/chị.

Những lúc em đạp trong bụng mẹ, bạn có thể đặt tay con lên bụng cho con cảm nhận, cho con áp tai vào bụng mẹ để thử “nghe” em bé bên trong.

Khi bạn mang thai 9 tháng

Chuẩn bị cho con đầy đủ mọi thứ bé cần trong những ngày bạn ở bệnh viện, đảm bảo rằng bé được quan tâm và không lo lắng với chuyện xa mẹ. Bạn có thể “giả vờ” vắng nhà một ngày trong những ngày này và gọi điện cho con, hỏi han con, sau đó về nhà để bé hiểu rằng mẹ chỉ “đi đâu đó thôi rồi lại về”. 

Cho con biết mẹ sắp vào bệnh viện để… đón em bé ra khỏi bụng. Nói với con là bố mẹ rất yêu thương con và từ nay, khi có em bé, nhà mình sẽ thêm vui…

Có thể mua một vài món đồ chơi mới cho con để chi phối bớt sự lo lắng của bé với việc mẹ vắng nhà.

Nếu con bạn cảm thấy hoang mang, lo lắng, xáo trộn, nhõng nhẽo và “giữ” mẹ nhiều hơn, hãy biết rằng những tâm lý này của bé là hoàn toàn bình thường vì ngay chính người lớn như bạn còn cảm thấy lo lắng cơ mà. Hãy gần gũi con hơn, trò chuyện, trấn an con, liên tục thể hiện rằng bạn luôn rất yêu con…

Việc sợ em sẽ “giành mất mẹ” là một diễn tiến tâm lý có thật ở trẻ. Bạn cần học cách nắm bắt và hành xử hợp lý để tránh làm bé tổn thương khi nhà xuất hiện thành viên mới.

Con lớn của bạn từ 3 tuổi trở lên?

Hãy chuẩn bị tâm lý cho bé kỹ hơn! Nếu bé chỉ mới 1-2 tuổi thì việc có em dường như chẳng ảnh hưởng gì lắm đến trẻ. Nhưng từ 3 tuổi trở lên, trẻ thường khó lòng kiềm chế được cảm giác hụt hẫng khi bố mẹ trở nên quan tâm em nhiều hơn mình, vì em mà có thể mắng mình (giả sử bé làm em đau và bạn la bé chẳng hạn). Cần hết sức thận trọng trong hành xử để giúp con hiểu bạn yêu thương các con như nhau và chẳng gì có thể thay thế tình thương bạn dành cho bé cả.

Tuyệt đối không la mắng, đánh đòn con trong giai đoạn mới đón em bé về!

Đây là giai đoạn khó khăn của bé. Tâm lý ích kỷ, cảm thấy hoang mang vì bố mẹ cứ ở bên em là tâm lý rất dễ hiểu. Bạn nên chấp nhận điều đó một cách thoải mái (đừng đòi hỏi con phải thành một người anh, người chị tuyệt vời ngay tức khắc). Có thể bé sẽ có một số hành động tiêu cực như quấy phá hơn, nhõng nhẽo hơn, bướng bỉnh hơn, không chịu ăn, hay đòi bạn chơi cùng trong khi bạn đang bận rộn, cứ làm ồn trong khi bạn dặn con im lặng, thậm chí là… lén đánh em. Lời khuyên cho bạn là không nên la mắng nặng lời, đánh đòn, phạt trẻ vì những hành động ấy. Việc bạn thiếu kiềm chế, nổi nóng, đánh phạt trẻ sẽ chỉ càng khiến con củng cố “niềm tin” rằng bố mẹ thương em hơn và đã không còn yêu thương con nữa.

Hãy dịu dàng với bé, cố gắng dành thời gian cho con, giữ con ở bên cạnh bạn, cho con cùng ngắm em, cho con chạm tay vào em… Việc đó sẽ khiến trẻ ngày càng bình tâm, hiểu rằng bạn yêu con và luôn muốn con cùng với bạn chăm sóc em bé chứ không hề cho con “ra rìa”.

Lưu ý, tuyệt đối tránh để cho những người thân trong gia đình chọc ghẹo bé theo kiểu: “Mẹ có em rồi, cho con ra rìa rồi!”. Trẻ con rất dễ bị ám ảnh vì những điều như thế.

Một mẹo nhỏ khác cho bạn trong giai đoạn này là hướng trẻ đến những trò chơi mà trẻ thích thú và có thể chơi một mình. Ví dụ bạn có thể cho con một hộp bút màu và bé có thể yên lặng vài chục phút trước khi mang tranh vào khoe với bạn.

Trường hợp sau tất cả những cố gắng của bạn và gia đình, trẻ vẫn có trạng thái stress, trầm cảm, ức chế tâm lý, trở nên trầm lặng ít nói, ngủ không ngon giấc, tè dầm… hãy đưa bé đến các bác sĩ chuyên khoa tâm lý. Các bác sĩ sẽ có những biện pháp hữu hiệu phối hợp cùng bạn để giúp trẻ thoát khỏi các sang chấn tâm lý từ việc có em.

khi-con-sap-tro-thanh-anh-chi

Vài mẹo nhỏ giúp bé thương em!

– Hãy cho trẻ đến bệnh viện thăm bạn và thăm em bé ít nhất một lần sau khi bạn sinh xong. Việc đột ngột mang em bé về nhà có thể khiến trẻ bất ngờ. Nhưng khi được đến bệnh viện, thăm mẹ, thăm em, bé sẽ tự dưng thấy mình “lớn” hơn, quan trọng hơn, từ đó có trách nhiệm với em và gắn bó cùng em hơn. Ngày bạn xuất viện, có thể nhờ người nhà đưa bé đi cùng, cho bé ngồi cạnh bạn trên xe để “trông chừng” em ngủ. Bé sẽ thấy mình có vị trí thật quan trọng và không hề chịu cảm giác “ra rìa”.

– Nếu con bạn đủ lớn, hãy cho trẻ cùng nghĩ với bạn để đặt tên cho em. Trẻ sẽ thấy rất háo hức khi đón một em bé mang cái tên do chính mình đặt về nhà.

– Cho trẻ xem hình những em bé ngộ nghĩnh và hãy đặt những bức hình đó gần với hình của trẻ để trẻ cảm nhận sự thân thiện của em bé và trẻ cũng không có cảm giác bị bỏ rơi.

– Dù bạn bận rộn trong việc chăm sóc đứa nhỏ hơn, nhưng bạn cũng vẫn nên dành thời gian quan tâm đến đứa lớn, có những khoản thời gian riêng tư “chỉ hai mẹ con với nhau” để đọc sách cho trẻ nghe, chơi cùng trẻ hay ôm trẻ ngủ.

– Đặc biệt, bố sẽ đóng vai trò tuyệt vời lúc này để giúp bé cân bằng. Khi mẹ phải ru em ngủ, cho em bú, bé sẽ vẫn thấy thoải mái nếu đang được bố ôm, chơi đồ chơi cùng bố…

Tags:

Bài viết liên quan