Mẹ&Con – Khi con dùng nước mắt làm vũ khí, bạn sẽ giải quyết ra sao để chấm dứt tình trạng này?

Chỉ cần ba quát một tiếng vì cái tội ăn cơm cứ nghịch muỗng làm đổ hết ra ngoài, cu Bim (5 tuổi) đã lập tức khóc rống lên như “oan ức” lắm. Những tiếng nức nở: “Ba la Bim… Ba la Bim…” kèm theo nước mắt như mưa có thể làm nhói lòng ai đó chưa từng tiếp xúc nhiều với cậu nhóc. Nhưng với người trong cuộc (ba mẹ) thì chuyện này xảy ra như cơm bữa và quả thật là một nỗi cực hình của cả nhà!

Hơi một chút đã khóc!

Không gì có thể khiến cha mẹ stress và khó chịu hơn trò mè nheo, nhõng nhẽo của con. Chị Phạm Nguyệt Thu (Quận 2) chia sẻ trên một diễn đàn: “Đâu phải chỉ con gái mới có trò đó, hai nhóc sinh đôi nhà mình đều là con trai mà sao nhõng nhẽo quá chừng. Luôn luôn có một cái gì đó khiến hai đứa không hài lòng và thi nhau híc híc, hu hu, nước mắt tuôn như mưa suốt cả ngày. Ví dụ như mình về đến nhà sau một ngày đi làm, đã mệt mỏi lắm rồi vẫn phải túi bụi chuẩn bị cơm nước. Thế mà con nhất định bắt mình phải đưa đi mua kem ngay lúc ấy. Mình bảo lát nữa sẽ mua cho, nó cứ lằng nhằng, nài nỉ, kéo áo mình, được một lát thì bắt đầu chuyển thành trò khóc lóc khi mình cáu lên quát cho một tiếng… Cứ thế, không lúc nào mà trong nhà yên được!”.

Chuyện nhõng nhẽo, mít ướt của trẻ có khi bắt đầu từ những việc rất nhỏ, như đòi mẹ dắt tay, đòi ba bế, không chịu đi học, không muốn ăn cơm, đòi mua đồ chơi… Không được chiều theo là trẻ giở chiêu khóc lóc thảm thiết, cứ như bị hắt hủi, tủi thân lắm vậy. Nhiều bà mẹ ban đầu cũng cố thử kiềm chế, cố thử phân tích (theo kiểu sách vở hướng dẫn) rằng con đang quá nhõng nhẽo, rằng nếu cứ tiếp tục thì lần sau mẹ không cho đi chơi nữa. Nhưng… như chị Nguyệt Thu thú nhận: “Chỉ có một hai lần sự kiên nhẫn của mình thành công. Còn lại thì hàng trăm lần thất bại!”.

Thực tế, những gia đình ở các thành phố lớn hiện nay thường chỉ có 1-2 con. Vì vậy trẻ dễ dàng trở thành trung tâm của cả gia đình, được nâng niu cưng chiều hơn mức bình thường. Chỉ cần có điều gì không vừa ý, bé khóc là cha mẹ, ông bà, cô dì chú bác liền xúm vào che chở, bênh vực, chiều chuộng ngay lập tức. Dần dần, trẻ nhận ra nước mắt là thứ vũ khí lợi hại của mình. Những giọt nước mắt bắt đầu gắn liền với trẻ, kể cả khi trẻ đã hết tuổi đi mẫu giáo, vào cấp 1, thậm chí là… đầu cấp hai!

con nhong nheo

Ảnh minh họa

Làm cách nào “dẹp loạn” trò mít ướt của con?

Chuyên gia tư vấn tâm lý Thu Hiên (tổng đài 1088) cho biết: Quan trọng nhất là phụ huynh chiều con đúng cách và phải có điểm dừng. Muốn trẻ dứt bỏ được trò nhõng nhẽo mít ướt, chính bản thân cha mẹ phải biết những đòi hỏi nào được phép, những đòi hỏi nào không. Phải cương quyết với con, không quát nạt đánh mắng nhưng phải thật cương quyết để duy trì nề nếp ấy ngay từ khi con còn nhỏ.

Khi con khóc, bạn phải xác định được trẻ đang cảm thấy tổn thương thật sự hay chẳng qua là để mè nheo đòi hỏi một thứ gì đó. Bé khóc vì tổn thương thật sự thường có xu hướng cố nén (nhưng tiếng khóc vẫn bật ra), bé né tránh những quan tâm của mọi người, thường thu mình vào một góc riêng và không muốn bạn nhìn thấy.

Ngược lại, bé khóc vì mè nheo, nhõng nhẽo, mít ướt thường cố… khóc cho thật to. Bé thường sà vào ngay một ai đó tỏ cử chỉ quan tâm đến mình và khóc nhiều hơn để tìm đồng minh.

Thấy được điều này, bạn sẽ có hướng xử trí khác nhau. Trẻ khóc thật sự vì cảm giác bị tổn thương cần được tiếp cận, trò chuyện, chia sẻ và an ủi, trong khi đó trẻ mít ướt, mè nheo có khi cần được cha mẹ… giả lơ, để trẻ hiểu rằng nước mắt không phải là vũ khí tối thượng.

Cha mẹ nên làm gì khi con mít ướt? Câu trả lời đúng cho bạn là nên tránh quát tháo, đánh mắng, chỉ nói nhẹ nhàng nhưng thật dứt khoát, ngắn gọn, cương quyết với con. Ví dụ bạn đưa con đi siêu thị, trẻ đòi mua một món đồ chơi đắt tiền. Nếu không đồng ý, bạn có thể nói ngắn gọn: “Mẹ sẽ mua cho con một con heo đất để con để dành tiền quà vặt hàng ngày. Khoảng 1 tháng nữa tiết kiệm đủ tiền, con sẽ mua được”. Sau đó, phải dứt khoát đi ngay khỏi siêu thị, không chần chừ, không đứng lại, không lắng nghe thêm những lời mè nheo: “Mua cho con bây giờ đi mẹ…!”.

Có những bé, vốn có thói quen mít ướt từ nhỏ trong trường hợp này sẽ tiếp tục dậm tay dậm chân, kéo áo mẹ, nài nỉ liên tục, thậm chí ngồi bệt xuống đất và giở trò khóc lóc. Bạn không nên quát mắng, hãy mạnh dạn bước ra quầy tính tiền.

Bé có thể sẽ khóc rống lên to hơn, khiến tất cả mọi ánh mắt đổ dồn vào bạn. Bé có thể giãy đành đạch, nằm lăn ra sàn gào thét thảm thiết. Nhiều bà mẹ đến lúc này thì chịu hết nổi, sẽ chọn giải pháp hoặc lôi xềnh xệch bé đi, phát cho mấy phát vào mông, hoặc đành chấp nhận mua món đồ chơi ấy. Tuy nhiên cách làm đúng cho bạn là hãy bình thản sắp xếp lại túi đồ đã mua của mình (nhằm giúp bé có thêm thời gian thay đổi ý kiến, nhưng bộc lộ rõ rằng bạn không quan tâm đến trò mè nheo, mít ướt của trẻ), sau đó thong thả đi thẳng (nhưng vẫn kín đáo quan sát để bé an toàn, không bị lạc). 

Chắc chắn dù lì đến mức nào, nhõng nhẽo và mít ướt đến mức nào, bé vẫn sẽ chạy theo bạn sau đó. Hãy dứt khoát cương quyết một vài lần như thế, con sẽ tự khắc nhận ra rằng nước mắt và tiếng gào thét của con không đủ sức để bắt bạn chiều theo, đáp ứng mọi yêu cầu của bé được.

Tuy nhiên, cần lưu ý là không nên cứng nhắc đến mức lạnh lùng. Hãy luôn tạo cho trẻ cơ hội để vâng lời, phục thiện và hợp tác với bạn. Ví dụ bạn cần đưa ra những thỏa thuận rõ ràng trong gia đình và nghiêm túc thực hiện những thỏa thuận ấy. Bé muốn xem phim hoạt hình? Được, nhưng chỉ đúng 30 phút thôi! Bé muốn có một món đồ chơi? Hãy làm cho bé các thẻ bé ngoan dùng ở nhà. Mỗi lần bé làm một việc tốt (giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, tự tắm rửa, ăn cơm ngoan, đạt điểm cao), hãy thưởng cho bé một phiếu. Quy định rõ rằng đủ bao nhiêu phiếu con sẽ được chọn món đồ chơi đó. Như vậy, bé sẽ dễ hợp tác với bạn hơn là bạn cứ dứt khoát từ chối, không cho mua và bé lại… khóc rống lên!

Tags:

Bài viết liên quan