Chị Thư (Quận 3) chia sẻ: “Bé gái nhà mình mới học lớp 3 mà lanh lợi lắm, tính hay thích để ý. Ở nhà bé được bố cưng chiều, trong khi tôi lại rất nghiêm khắc với con. Nhà tôi cũng bình thường, nhưng vì có mỗi đứa con nên chúng tôi luôn muốn con có điều kiện tốt nhất, vì vậy bé được học trường quốc tế thay vì phải học trường công như bao bạn trong xóm khác. Có lẽ, vì ở nhà bé thấy mình như “công chúa” nên khi vào lớp thấy nhiều bạn gia đình bạn khá giả hơn, bạn học giỏi hơn mình…nên bé cảm thấy tự ti và sinh ra tính hay đố kỵ với bạn bè. Cô giáo nhiều lần nói với tôi, bé tự ý bẻ gãy băng-đô, nơ của bạn khác khiến bạn khóc cả buổi, có lần bé cố tình quăng giày bạn nữ khác vào thùng rác khiến các cô phải đi tìm… Tôi hiểu con nghĩ gì, chỉ là thấy bé còn nhỏ quá, mắng hay đánh liệu có làm bé hiểu ra vấn đề không? Tôi thực sự muốn con tốt hơn thôi.”
Bé còn nhỏ nhung đã có tính đố kị – Ảnh minh họa
Biểu hiện tính đố kỵ ở trẻ
1/ Thích săm soi người khác
Bé có tính hay để ý cũng tốt, vì phải biết để ý thì mới tự biết điều chỉnh hành vi và tính cách sao cho hợp với tập thể được. Tuy vậy, nếu tính đó không dừng lại ở một mức độ cho phép, bé cứ hay săm soi từng chi tiết như bóp viết, giày dép, trình độ và gia cảnh của bạn bè, ví dụ như: “Cái kẹp tóc đó con thích lâu lắm rồi mà chưa có trong khi bạn con, nó có trước con.” Thì đây chính là biểu hiện của tính hay săm soi.
2/ Hay so sánh
“Nhỏ đó da đen ngòm mà bày đặt mặc áo khoác màu hồng”, nếu bé nhà bạn nói những câu đại loại như vậy, ắt hẳn bé thích so bì, hay ghen tỵ với người khác rồi. Thường bé gái sẽ có tính này nhiều hơn bé trai. Bé gái hay phân bì nhau ở gia cảnh, quần áo, đồ chơi…Còn bé trai thường so sánh nhau ở những hạng mục khác như độ đẹp trai, khả năng chơi thể thao hay trình độ học tập…
3/ Hay trách móc bố mẹ
Bé còn nhỏ và chưa hiểu chuyện nên có cái nhìn cuộc sống còn hạn hẹp. Do vậy, bé có thể cảm thấy không hài lòng về chính mình, về gia thế gia đình mình hoặc tự ti về nghề nghiệp của cha mẹ. Điều này hầu như bé nào cũng có. Tuy nhiên, nếu bạn không ý thức dạy con về những giá trị khác của cuộc sống, tính tự ti trong bé sẽ lớn dần lên và đồng thời khả năng vươn lên cũng giảm đi.
4/ Hay đòi hỏi bố mẹ
Ai trong chúng ta cũng đều mong muốn ăn ngon, mặc đẹp và sử dụng những món đồ tốt. Và nếu bé có “triệu chứng” đòi hỏi thái quá, mà nếu không được đáp ứng bé sẽ “làm mình làm mẩy”, ăn vạ… các mẹ cũng cần chú ý. Điều này có thể bắt nguồn từ sự đua đòi, không muốn thua kém người khác – một biểu hiện của tính đố kỵ.
5/ Thích chọc phá và nói xấu bạn
Hay chọc phá và nói xấu bạn bè trong lớp là một thói xấu mà nó có thể bắt nguồn từ một nguyên nhân sâu xa là bé không muốn người khác hơn mình. Nếu mẹ thấy con mình thường xuyên kể điều không hay về một bạn nào đó, mẹ hãy xác minh xem sao. Nếu sự thật không phải như thế, con bạn đang có tính đố kỵ rồi đấy!
6/ Thích chứng tỏ bản thân trong một tập thể
Tính háu thắng, thích người được người khác chú ý, thích chứng tỏ độ nổi trội của mình trong một tập thể không phải là hiếm gặp. Trường hợp đối với trẻ độ tuổi còn thơ cũng không phải ít. Tuy nhiên, thay vì cổ xúy cho việc bé “lên mặt” với người khác vì mình giỏi hơn hay được cưng chiều hơn… mẹ nên hướng con vào tâm thái: Chứng minh bản thân bằng thực lực, bằng nhả năng học tập… và không tự phụ để học được nhiều cái mới hơn, hoàn thiện bản thân mình hơn.
Đây là một tính cách rất xấu ở trẻ – Ảnh minh họa
Do đâu con hay đố kỵ?
Khi thấy con có tính xấu này, bạn thường tự trách móc bản thân đã dạy con không tốt hay chủ động tìm hiểu nguyên nhân của nó? Cùng Mẹ&Con tìm hiểu xem nguyên nhân này từ đâu nhé!
1/ Được nuông chiều
Trẻ con trở nên khó dạy thường nằm ở vấn đề về giáo dục. Có thể ở nhà bố mẹ rất cưng chiều, luôn muốn con được đầy đủ nên không chú ý uốn nắn hành vi và suy nghĩ của trẻ. Điều này dần dà đưa trẻ đến những hành vi lệch lạc, khiến con cảm thấy không hài lòng khi bước chân vào môi trường tập thể như trường, lớp.
2/ Do bị ngược đãi
Rất có thể trong gia đình, nơi bé được sinh ra và được nuôi dạy, bé đã phải chịu đựng một số những chấn động về mặt tâm lý như bị đánh, mắng, bị chửi rủa, bị hành hạ… Chính những hành vi bạo lực và thiếu ý thức của người lớn đã tác động đến bé, làm cho bé có suy nghĩ sai lệch và hành động ngược với các bạn khác.
3/ Bố mẹ không có thời gian dành cho con
Trẻ nhỏ rất cần hơi ấm gia đình, những bữa cơm với đầy đủ sự có mặt cha lẫn mẹ và cả những lời hỏi thăm về tình hình học tập từ các đấng sinh thành. Tuy nhiên, cuộc sống cứ cuốn bố mẹ vào guồng quay công việc, và ít có thời gian dành cho bé. Điều đó khiến cho bé cảm thấy tự ti về gia đình, và cũng vì không được sự chỉ dạy từ người lớn nên bé sẽ phát triển theo cách mà “xã hội” chỉ dẫn.
4/ Áp lực bởi gia đình
Bạn thủ nhớ lại xem, có khi nào bạn yêu cầu bé phải trở nên xuất sắc một cách toàn diện, đại loại như: “Con nhất định phải là học sinh giỏi. Không thì ba mẹ khỏi nhìn mặt con luôn!” hay “Nếu mà lần này con dưới trung bình nữa thì hè này đừng hòng mà đi chơi nhé!”. Sự kỳ vọng và áp lực từ phía gia đình quá lớn cũng sẽ khiến tinh thần con trẻ bị “uy hiếp”. Chính điều đó sẽ khiến bé ngày một đố kỵ với bạn bè vì không muốn ai hơn mình hoặc thấy không ai phải chịu áp lực giống mình.
5/ Do môi trường sống và học tập
Đây có lẽ là vấn đề tế nhị vì không phải gia cảnh bé nào cũng giống bé nào. Có thể bé sống trong môi trường khá là phức tạp nhưng khi đi học lại được học ở những môi trường có nền tảng giáo dục tốt như trường điểm, trường quốc tế… Hoàn cảnh khác biệt này có thể khiến bé choáng ngợp giữa sự chênh lệch quá lớn giữa bản thân mình và các bạn khác. Tính đố kỵ dần dà hình thành trong tính cách trẻ cũng là điều dễ hiểu.
Quá nuông chiều con cái cũng dẫn đến tính đố kỵ ở trẻ – Ảnh minh họa
Để con lớn khôn trong suy nghĩ, mẹ cần phải:
Mẹ nhất định là đang cố gắng tìm ra giải pháp tốt nhất với mong muốn bé được nên người mà không cần phải đố kỵ hơn thua bạn bè phải không nào? Sau đây là vài gợi ý nhỏ để mẹ “huấn luyện” bé, mẹ thử nhé!
1/ Cho con cách tiếp xúc với nhiều người
Mẹ thường lo sợ và cấm không cho bé tiếp xúc với nhiều người vì sợ con mình sẽ bị người ấy ảnh hưởng, trẻ sẽ bị nhiễm những thói hư tật xấu của người đó? Điều đó chỉ đúng một phần thôi các mẹ ạ! Hãy cho bé tiếp xúc với mọi người, và hãy chỉ cho con cách hỏi thăm về cuộc sống của người đó và cách thức mà người đó đối mặt với buồn vui cuộc sống ra sao. Từ những giao tiếp đó, con của bạn sẽ có cái nhìn rộng mở hơn về con người. Con sẽ học được rằng mỗi người ai cũng có những mặt tốt hoặc chưa tốt mà mình cần học hỏi hay loại trừ và không cần phải so sánh, đố kỵ bản thân với ai cả.
2/ Cùng con chia sẻ
Bé cũng có những nỗi buồn của riêng bé và bé rất cần sự chia sẻ từ mẹ. Dù mẹ bận đến cỡ nào cũng nên dành ít phút để nói chuyện cùng con nhé. Chỉ cần được sự quan tâm chia sẻ từ mẹ, bé không còn cảm thấy cô đơn và tính đố kỵ cũng dần trở nên mờ nhạt trong tâm trí trẻ.
3/ Rèn luyện nhân cách bằng cách đọc sách
Không ai có thể phủ nhận vai trò của sách đối với đời sống con người, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Những cuốn sách về con người, về cách ứng xứ, hoặc có thể là những cuốn dạy con làm giàu… sẽ giúp ích rất nhiều cho việc giáo dục tư duy ở trẻ, hướng suy nghĩ của trẻ đến những vấn đề nhân văn. Không những vậy, một khi vốn hiểu biết nâng cao hơn, nó sẽ “đè bẹt” những suy nghĩ nhỏ nhen, tính toán đầy ghen tỵ của trẻ.
4/ Làm gương cho bé
Dù bạn là ai, bạn làm nghề gì hay xuất thân từ đâu Mẹ&Con hiểu rằng bạn luôn mong muốn con bạn có một tương lai sáng lạn. Thế thì, bạn chính là tấm gương gần gũi và sáng nhất cho con của mình. Lao động chân chính, cư xử rộng rãi dù bạn không mấy khá giả, biết thương những người khổ hơn mình và biết phấn đấu, cố gắng, nỗ lực để cải thiện cuộc sống. Hãy dạy cho con bạn biết những điều đó và lấy bản thân mình làm gương cho con để con có mục tiêu noi theo và phấn đấu. Từ đó, con sẽ biết quý trọng cha mẹ, trân trọng bản thân và không đố kỵ với người khác.
5/ Dạy bé biết giúp đỡ và bao dung.
Hãy nói cho bé biết rằng: Dù con sống trong môi trường nào, chỉ cần con biết bao dung và giúp đỡ người khác, nơi đó con luôn được chào đón. Khi bạn bè chơi xấu con, con chỉ cần học cách bảo vệ bản thân và tìm cách né tránh, chứ đừng nên chơi xấu lại. Đó chính là bao dung. Hãy cho người khác biết rằng con không chấp nhất họ, ngược lại khi họ khó khăn, con luôn sẵn sàng dang tay giúp đỡ; đó chính là cách đáp trả khôn ngoan nhất. Chỉ cần con làm được như vậy, con sẽ thấy kết quả như mong đợi.
6/ Cho bé chơi thể thao ít nhất một lần mỗi tuần
Bất kể môn thể thao nào, thể dục nhịp điệu, bơi lội, chạy bộ, đánh cầu lông hay học võ… Chỉ cần là những môn giúp rèn luyện thân thể, chúng đều có tác dụng giải phóng tinh thần, chống căng thẳng và tái tạo năng lượng mới cho con.
7/ Tuyệt đối không la mắng và dùng bạo lực với trẻ
Ông bà ta ngày xưa thường nói “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Nhưng xã hội hiện đại ngày càng khuyến khích cha mẹ giáo dục con bằng trí tuệ, bằng sự kiên nhẫn hơn là dùng vũ lực. Vì khi bé chịu tổn thương về thân thể, điều đó sẽ dẫn đến việc bé bị chấn động về tâm lý. Những vết thương trên thân thể có thể lành theo thời gian, duy chỉ có những ký ức đen tối bị hành hạ sẽ lớn dần theo bé qua năm tháng.