Biểu hiện của con gái có dấu hiệu tomboy
Con gái có dấu hiệu tomboy là thực trạng khiến phụ huynh đau đầu, nhất là với trẻ ở độ tuổi dậy thì từ 12 – 15 tuổi. Thời điểm này, trẻ bắt đầu phát triển về tâm lý và thường có xu hướng “bắt chước” hoặc muốn thể hiện bản thân nhiều hơn. Chị Ngọc Mai (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) kể: “Con tôi năm nay 13 tuổi và có cá tính rất mạnh. Bé thích mặc quần áo con trai, từ chối tất cả váy đầm mẹ mua và tuyệt nhiên không thích những món đồ có màu sắc nữ tính”.
Trường hợp của anh Văn Thảo (ngụ quận Bình Chánh, TP. HCM) thì đau đầu hơn. Anh cho biết: “Tôi phát hiện con gái có những biểu hiện tomboy từ năm cháu 14 tuổi. Cháu thần tượng một nhân vật tomboy nổi tiếng và thường muốn bố mẹ mua quần áo giống như vậy. Mỗi lần dẫn con đi mua sắm, vợ chồng tôi phải ra điều kiện như con chịu mặc đầm thì sẽ được mua thêm một món đồ con thích. Nhưng rồi khi về nhà nói mãi cháu cũng không mặc. Cháu lại trầm tính nên vợ chồng tôi tôi rất lo, không biết nên làm sao để hiểu và định hướng lại cho con mà không làm cháu bị tổn thương”.
Con gái có biểu hiện tomboy thường thích mặc quần áo con trai. (Ảnh minh họa)
Theo Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An (Giảng viên Khoa Tâm lý học, trường ĐH Sư phạm TP. HCM), con gái có dấu hiệu tomboy thường sở hữu tính cách khá mạnh mẽ, không thích son phấn, không thích để tóc dài tha thướt, không thích thể hiện tình cảm sướt mướt (sến). Phong cách ăn mặc thiên hướng giống con trai, không thích váy đầm và những trang phục màu sắc nữ tính, hoa hòe, thích chơi các trò chơi của con trai, ghét các trò chơi nhẹ nhàng của con gái và dễ kết thân với các bạn nam hơn nữ.
Ông An cũng chia sẻ thêm, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, nguyên nhân bên trong, do cấu tạo hệ thần kinh trên vỏ não quy định nét tính cách của các bạn trẻ, cá tính mạnh mẽ từ sâu bên trong được thể hiện rõ ra bên ngoài qua cách ăn mặc, lời nói và hành động. Do tâm sinh lý tuổi mới lớn dễ hưng phấn với những điều mới lạ, thế giới quan của các em vẫn đang hình thành và hoàn thiện, vốn sống và sự định hình phong cách cá nhân còn hạn chế và một phần do nhu cầu muốn thể hiện sự đột phá bản thân. Thứ hai, nguyên nhân bên ngoài, do ảnh hưởng từ nền văn hóa xã hội với nhiều giá trị từ phương Tây ồ ạt du nhập vào Việt Nam (xu hướng tomboy) và từ trào lưu của giới trẻ trong khi sự định hướng từ nhà trường, gia đình vẫn chưa hợp lý và kịp thời.
“Lạ mềm buộc chặt”
Thực tế, nhiều phụ huynh khi nhận thấy ở con mình những dấu hiệu tomboy thì lập tức la mắng, hù dọa, ép con phải mặc đồ con gái và không cho chơi những món đồ dành cho con trai. Cách làm này từ phía phụ huynh được xem là không tốt. Chuyên gia tâm lý cho biết rằng, với trẻ mới lớn nhu cầu độc lập, thể hiện cá nhân bộc lộ rất rõ, kèm theo tính hưng phấn, ức chế ở giai đoạn này phát triển mạnh, không ổn định thì một khi bị ép buộc, đánh mắng trẻ sẽ có phản ứng lại ngay. Chắc chắn rằng khi nhu cầu không được thỏa mãn, những cảm xúc tiêu cực bị dồn nén sẽ “vỡ òa” dẫn đến những hành vi khó tưởng tượng.
“Phụ huynh phải hết sức bình tĩnh khi thấy con gái có dấu hiệu tomboy, không nên lo lắng, hốt hoảng mà can dự quá mức cho phép, thậm chí cấm đoán trẻ. Thay vì như vậy, hãy chấp nhận, cùng con thay đổi và định hướng giúp con. Thứ hai, cha mẹ không nên đánh đồng con gái mà có biểu hiện tomboy là đồng tính nữ, là xấu. Đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm, bởi tomboy không phải là giới tính. Để biết con có phải đồng tính hay không chúng ta phải tìm hiểu xu hướng tính dục ở trẻ. Thứ ba, nên dành thời gian quan tâm, chia sẻ, tâm sự để hiểu con muốn gì, cần gì. Từ đó, phụ huyh thêm hiểu trẻ và có những định hướng, điều chỉnh kịp thời”, thạc sĩ Hoàng An chia sẻ.
Bài viết có sự tư vấn của Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An – Giảng viên Khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP. HCM.