Mẹ&Con - Ngày mai bác giúp việc về quê, Cún Bông nhất định soạn va li theo cùng và không chịu đi học. Vợ chồng chị Na chỉ còn biết khóc ròng vì tìm mọi cách dỗ dành mà vẫn không lay chuyển được con gái. Trường hợp này có phải là minh chứng cho nhận định: Bố mẹ ngày càng đánh mất vị trí quan trọng trong lòng con cái? Lắp camera theo để dõi người giúp việc nào ngờ phát hiện chồng đưa gái về nhà Đau lòng cảnh bé 8 tháng tuổi ở Phan Thiết bị người giúp việc bạo hành phải đi cấp cứu Làm thế nào khi nhà không có người giúp việc mà mẹ thì luôn bận rộn?

Sự xuất hiện của người giúp việc: Lợi và hại

Nếu như thời xưa, chỉ những gia đình thuộc hàng danh gia vọng tộc mới có điều kiện thuê người giúp việc thì ngày nay, không ít gia đình đã có riêng một người lo lắng các công việc vặt trong nhà.

Nguyên nhân khiến vai trò của người giúp việc ngày một tăng lên được giải thích là do sự phát triển vượt bậc của xã hội. Phụ nữ thời nay không chỉ giới hạn trong “xó bếp”, chỉ biết “tề gia, nội trợ”. Họ đã có thể khẳng định vị trí của mình song song với nam giới bằng nỗ lực xây dựng sự nghiệp vững chắc cho bản thân, nên không thể cùng lúc đảm trách quá nhiều vai trò. Với các ông bố, họ cho rằng mình đã rất vất vả vì miếng cơm manh áo, nên những việc “vặt vãnh” ấy phải được san sẻ cho người khác.

Vì lẽ đó, khi các ông bố bà mẹ không thể cùng lúc hoàn thành trọn vẹn mọi vai trò của mình thì thuê người giúp việc được coi như giải pháp hiệu quả nhất.

Sự hiện diện của người giúp việc làm giảm bớt gánh nặng của những công việc “không tên” trong gia đình như cơm nước, giặt giũ, chăm sóc con cái… giúp bố mẹ có nhiều thời gian cho bản thân hơn. Chị em phụ nữ có thể có thêm giờ cho riêng mình để thư giãn, làm đẹp. Các ông bố có nhiều cơ hội gặp gỡ, giao lưu với nhiều người, phát triển những mối quan hệ cho công việc.

Bên cạnh một số gia đình chỉ thuê người giúp việc hỗ trợ theo giờ, một số khác đã sẵn sàng “khoán trắng” gần như toàn bộ gia đình vào tay người giúp việc. Từ chăm sóc nhà cửa, đưa đón, trông nom, thậm chí là cả việc dạy dỗ con cái cũng do người giúp việc đảm nhận.

Khi bố mẹ “mất vai” vào tay người giúp việc 5

Sự hiện diện của người giúp việc làm giảm bớt gánh nặng của những công việc “không tên” – Ảnh minh họa

Việc quá ỷ lại vào “trợ thủ” này khiến các bậc làm cha mẹ dần đánh mất đi vai trò của mình trong gia đình. Những “đặc quyền” trước đây vốn chỉ dành cho bố mẹ như trò chuyện, âu yếm, uốn nắn con cái giờ đã lặng lẽ chuyển giao cho người giúp việc.

Tuần trước, tôi được mời đi dự thôi nôi con gái một người bạn. Trong suốt buổi tiệc, tôi đã chứng kiến cảnh “nhân vật chính” níu lấy tay bác giúp việc và khóc đòi đi chơi. Mặc dù đã được cha mẹ thay nhau ẵm bồng, dỗ dành và cho nhiều món đồ chơi nhưng bé vẫn không chịu, chỉ dang tay theo bác giúp việc. Thậm chí, chỉ cần bác giúp việc đứng dậy đi vệ sinh thôi cô bé cũng đứng ngồi không yên, cặp mắt long lanh lúc nào cũng chực rơi lệ.

Từ câu chuyện trên, một vấn đề được đặt ra là: Làm thế nào để con yêu bố mẹ hơn người giúp việc?

Bé thờ ơ với bố mẹ, lỗi tại ai?

Lấy lý do đi làm cả ngày mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi… Mỗi lần về đến nhà, khi bé Bông chạy lại đòi mẹ ẵm bồng, đưa đi chơi, chị Gia Ngân nếu không quát tháo cũng lắc đầu mệt mỏi: “Mẹ mệt lắm, con ra chơi với cô Sen đi”. Vào ngày biểu diễn văn nghệ ở trường, Bông hào hứng nhờ mẹ tết tóc cho, chị Ngân buông một câu gọn lỏn: “Mẹ không biết làm đâu, con nhờ cô Sen làm giùm cho”.

“Lâu dần, bé Bông không còn háo hức trông chờ, chuyện trò với mẹ. Con bé tỏ rõ thái độ thờ ơ mỗi lần thấy bóng tôi” – Chị Ngân buồn bã kể lại.

Có thể nói, chính sự vô tâm của các bậc làm cha mẹ là nguyên nhân lớn nhất “chia rẽ” tình cảm thiêng liêng giữa họ và con cái. Cái cớ bận bịu, cần thời gian tập trung làm những việc lớn hơn hay chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc con cái… có thể chỉ là cách từ chối khéo để bố mẹ thoải mái chạy theo đam mê, sở thích của riêng mình. Với họ, sự sắp xếp nhiệm vụ trong gia đình như vậy đã là quá ổn.

Thực ra, việc “lấy lòng” một đứa trẻ không quá khó khăn như nhiều người vẫn nghĩ. Các chuyên gia tâm lý cho rằng trẻ em là những “sinh vật” rất đơn giản và dễ chiều. Chỉ cần có người dành thời gian ở bên chúng nhiều hơn, cho trẻ cảm giác an toàn và thoải mái, tự khắc chúng sẽ hướng về người đó.

Trong hoàn cảnh ba mẹ đi làm, đi công tác triền miên, thời gian gần gũi con cái eo hẹp… việc bé “bám” theo người giúp việc và nảy sinh tình cảm thân thiết hẳn là điều dễ hiểu.

Những hậu quả của việc “khoán trắng” con cái cho người giúp việc

Đầu tiên, cha mẹ phải hiểu rằng xuất phát của những người giúp việc phần lớn đều không ổn. Họ thường có học vấn thấp, từ các vùng quê nghèo lên các trung tâm thành phố lao động kiếm tiền. Trẻ đang trong độ tuổi phát triển rất dễ bắt chước. Nếu chẳng may chúng được chăm sóc bởi một người nóng nảy, cư xử tùy tiện, nói năng thô lỗ, chiều chuộng quá mức… hậu quả sẽ như thế nào?

Thường thì khi tìm người giúp việc, chủ nhà chỉ quan tâm đến việc cho bé ăn ngủ, tắm rửa, vệ sinh mà lại quên mất, nhân cách của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi thói quen cũng như cách hành xử từ họ. Chưa kể đến tình huống, do không phải máu mủ ruột già, người giúp việc có thể không toàn tâm toàn ý yêu thương con bạn.

Đã có không ít trường hợp người giúp việc lợi dụng lúc bố mẹ vắng nhà bắt nạt, đánh đập trẻ nhỏ nhan nhản trên các phương tiện truyền thông khiến chúng ta không khỏi xót xa. Vì lẽ đó, bố mẹ hãy hết sức chú ý đến vấn đề này. Đừng chủ quan “khoán trắng” con cho người giúp việc, bởi có những việc chỉ mẹ hoặc bố mới có thể làm được cho con cái của mình thôi.

Khi bố mẹ “mất vai” vào tay người giúp việc 6

Có những việc chỉ ba mẹ mới có thể làm được cho con cái của mình – Ảnh minh họa

Thứ hai, thực tế có rất nhiều trường hợp cha mẹ là những người có học vị cao, có vị trí quan trọng trong xã hội nhưng con cái lại mắc các bệnh có liên quan đến rối loạn tâm thần như tự kỷ, chậm phát triển, hưng phấn quá độ…. Nguyên nhân do đâu?

Ngoài chăm sóc trẻ nhỏ, người giúp việc còn phải làm nhiều việc khác nên họ không thể chơi đùa cùng bé 24/24 giờ. Vì vậy, cho trẻ xem tivi, chơi game là cách tốt nhất để chúng ăn ngoan, ăn nhiều, ngồi im một chỗ, không quậy phá… Cách làm này khiến cho trẻ nhỏ trở nên thụ động, ù lì.

Trông thấy chúng mặc quần áo chậm chạp, tập xúc cơm tung tóe, nhiều người giúp việc cảm thấy “ngứa mắt” và nhanh tay làm giùm cho…tiện. Lâu dần, trẻ trở nên lười nhác, ngại học hỏi và kém tự tin vào bản thân vì thấy mình làm gì cũng tệ.

Trong giai đoạn cần được vui chơi, giao tiếp, thực hành sửa sai… những đứa trẻ thường xuyên bị giao cho người giúp việc lại bị kiềm hãm bởi chính nhận thức sai lầm “trẻ càng ít xây xước càng tốt”. Hậu quả là chúng trở nhút nhát, giao tiếp kém và thiếu kỹ năng sống trầm trọng.

Thứ ba, giao con cho người giúp việc chính là cách làm xoáy mòn tình cảm gia đình nhanh nhất. Nhiều người vẫn còn tồn đọng suy nghĩ kiếm thật nhiều tiền, xây nhà cao cửa rộng, mua những món đồ con thích… sẽ giúp con hạnh phúc. Thực chất, những điều đó chỉ mang đến niềm vui nhất thời cho trẻ và thỏa mãn sự hiếu thắng trong người lớn mà thôi.

Hạnh phúc trẻ của trẻ chỉ đơn giản là sự quan tâm, chăm sóc, được ở bên bố mẹ cùng thực hiện những công việc hàng ngày như đọc sách, chơi đồ hàng, đến trường, đi công viên…. Những kỷ niệm đẹp đẽ ấy mới chính là điều con cần, là hành trang con mang theo trong tim suốt tháng ngày về sau.

Nếu quá bận rộn, mỗi ngày bố mẹ nên cố gắng dành khoảng 20 – 30 phút ở bên cạnh con, chuyện trò về những việc xảy ra trong ngày của chúng. Ở giai đoạn 3 năm đầu đời, nếu các bậc làm cha mẹ không gắn bó với con thì sẽ rất khó để cả hai tìm được sự gần gũi, thấu hiểu về sau này. Dành thời gian cho bé là cách tốt nhất và cũng là cách duy nhất giúp bạn rút ngắn khoảng cách vô hình với bé yêu.

Mỗi lần nhắc đến chuyện dạy dỗ một đứa trẻ, Mỹ Linh (giáo viên mầm non ở quận Gò Vấp) lại kể về Sun, cậu học trò “có một không hai” của mình. Cô Linh kể: “Sun sinh ra trong một gia đình giàu có, cả bố và mẹ đều là giám đốc. Vì tính chất công việc, họ thường xuyên phải đi công tác xa nhà và giao con cho người giúp việc. Người giúp việc chiều chuộng Sun vô điều kiện, không để cháu làm bất cứ việc gì, kể cả Sun đi vệ sinh cũng đi theo xả nước. Mãi đến năm 3 tuổi, Sun vẫn không biết tự cầm nắm, thay quần áo, làm vệ sinh cá nhân… Ba mẹ Sun phát hiện sự việc đã buộc phải đưa cháu đi học gấp để hòa nhập với bạn bè và môi trường xung quanh, “cách ly” khỏi người giúp việc”.

Bạn Thuận Kiều (quận 8) đã nhận được một bài học đắt giá sau quãng thời gian dài “vứt” con cho người giúp việc. Đó là hôm chị Tám (tên người giúp việc) về quê, chị xuống bếp nấu cơm, con trai luôn miệng chê bai: “Mẹ kho thịt dở quá, không ngon như cô Tám”. “Con không ăn được cay, mọi khi cô Tám chẳng bao giờ làm nước mắm cay cho con ăn cả”.

“Thằng bé mở miệng ra là một câu cô Tám, hai câu cũng cô Tám… Tôi cảm giác người mà con mình yêu quý nhất là cô giúp việc chứ chẳng phải người đã rứt ruột đẻ ra”, bạn Kiều chia sẻ thêm.

Không thể phủ nhận mức độ quan trọng của người giúp việc trong nhà, nhất là đối với những gia đình làm công việc buôn bán, kinh doanh thường xuyên phải đi sớm, về trễ. Thế nhưng làm thế nào để vừa đảm bảo công việc, vừa hoàn thành nghĩa vụ làm cha làm mẹ một cách vẹn toàn nhất?

Khi bố mẹ “mất vai” vào tay người giúp việc 7

Chuyên gia nghiên cứu giáo dục trẻ em, CEO & FOUNDER của Trung tâm giáo dục Sunshine Village – Catherine Yến Phạm chia sẻ: “Không có người giúp việc, bạn và con sẽ hạnh phúc hơn”.

Dưới đây, Thạc sĩ tâm lý Trang Nhung (Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt) sẽ đưa ra những lời khuyên bổ ích dành cho quý bậc phụ huynh:

Với áp lực xã hội như hiện nay, việc các bậc phụ huynh vừa hoàn thành các nhiệm vụ xã hội vừa toàn vẹn chăm nuôi con cái là điều dường như “bất khả thi”. Đặc biệt là ở các khu vực thành phố lớn. Người giúp việc là giải pháp để biến điều bất khả thi ấy thành khả thi. Tuy nhiên, bạn cần phân biệt và nhìn nhận rõ để người thuê không quá lạm dụng người giúp việc, từ đó dẫn đến những hệ lụy vô tình, một trong số đó là tự tay đánh mất vị trí trong lòng con cái.

Người giúp việc được hiểu là người được thuê về để làm những công việc dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, giặt giũ và một loạt những công việc tay chân khác để gia chủ có nhiều thời gian cho bản thân, công việc và con cái. Người giúp việc theo hợp đồng, thỏa thuận trước nếu được giao thêm trọng trách chăm trẻ thì sẽ gắn thêm cụm từ bảo mẫu. Khi đã là bảo mẫu, họ cần có kiến thức căn bản về y tế, giáo dục… Bởi lúc này, bảo mẫu sẽ là người gần gũi trẻ nhất, ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển tâm lý, nhân cách của trẻ.

Do đó, nếu các bậc phụ huynh muốn được thảnh thơi cả chuyện nhà cửa và con cái để toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp, công việc thì rất cần chọn lựa những bảo mẫu có trình độ, hiểu biết để tránh những điều đáng tiếc mà về sau. Nặng nề nhất là chúng ta phải mất nhiều thời gian và công sức để điều chỉnh lại trẻ.

Với những người giúp việc nhà bình thường, nếu may mắn chúng ta sẽ thuê được người dù trình độ không cao nhưng có tâm và có kinh nghiệm, trẻ cũng sẽ được chăm sóc tốt. Lúc này, hy vọng các bậc phụ huynh không nên quá ỷ lại vào họ, mà nên có một sự cân đối hài hòa về vai trò của từng người trong gia đình. Trong đó, người giúp việc sẽ giúp chúng ta giảm tải hàng loạt những công việc tay chân trong nhà. Lúc này, giúp chúng ta có khoảng thời gian rỗi để gần gũi, dạy bảo con trẻ. Không nên có tình trạng phụ huynh ở nhà nhưng người giúp việc vẫn giữ và dạy con thay mình.

Nếu phải giao con cho người giúp việc trong giờ hành chính để đi làm, bố mẹ nên xem người giúp việc như một cộng sự nuôi dạy con. Hãy trao đổi với họ những nội dung cơ bản nhất trong việc nuôi dạy một đứa trẻ thời hiện đại như: chăm trẻ không có nghĩa là làm thay trẻ, thống nhất với nhau về chế độ dinh dưỡng,vận động cho trẻ… Như vậy, giữa sự tác động của người giúp việc với trẻ và phương pháp giáo dục của chính phụ huynh cũng có sự tương đồng, không tạo ra những phản ứng chống đối của trẻ như trong tình huống nêu trên.

Bên cạnh đó, nếu trong gia đình có gắn camera thì sau một ngày dài xa trẻ, khi về nhà, phụ huynh nên trò chuyện với trẻ và nhắc lại một vài chi tiết thú vị, đặc biệt mà mình quan sát được qua camera để trẻ thấy mình vẫn luôn theo sát trẻ chứ không phải bỏ mặc. Sau cùng, người giúp việc trong nhà là để sau một ngày làm việc, chúng ta có nhiều thời gian hơn cho con trẻ chứ không phải người giúp việc là người đóng thế cho ta trong việc nuôi dạy con trẻ.

Lưu ý:
Những biểu hiện chứng tỏ bé yêu người giúp việc hơn yêu bố mẹ

1. Mặc dù có bố mẹ ở nhà nhưng bé thích “bám” lấy người giúp việc, không quan tâm đến sự hiện diện của phụ huynh.
2. Khi trẻ vấp ngã, chúng chạy lại chỗ người giúp việc. Khi trẻ khóc, chỉ người giúp việc dỗ dành thì chúng mới nín, còn bố mẹ thì không.
3. Trẻ không thích đi chơi cùng ba mẹ mà thích ở nhà với người giúp việc hoặc nếu đi chơi, phải có người giúp việc đi cùng.
4. Thường xuyên trò chuyện, tâm sự cùng người giúp việc. Nếu ba mẹ hỏi han trẻ dễ cáu gắt, tỏ ra không thích.
5. Khi người giúp việc đi vắng trẻ trở nên thụ động, lầm lì, luôn miệng hỏi bố mẹ những câu đại loại như: “Khi nào cô giúp việc mới về với con?”

Làm thế nào để giành lại trái tim của con

1. Dành nhiều thời gian ở bên cạnh con, cùng con vui chơi, hướng dẫn con học tập.
2. Nói yêu con nhiều hơn, thường xuyên gợi chuyện để con mở lòng tâm sự với cha mẹ.
3. Không nói dối, không thất hứa, không làm chúng có cảm giác bất an khi ở cạnh đấng sinh thành.

Tags:

Bài viết liên quan