Mẹ&Con – Một lời khen thật lòng, chừng mực mang đến cảm giác dễ chịu cho người đối diện, ngược lại, một lời khen quá lố, khen “sách vở” không những gây khó chịu mà bạn còn bị trừ điểm thiếu tâm lí nữa đấy!

Câu khen ngợi, có khó không?

Câu trả lời là vừa khó vừa dễ. Khó với người bạn không hiểu gì về họ nhưng vẫn phải sử dụng đến những câu khen ngợi, dễ với những người mà bạn đã quá hiểu từng sở thích, cá tính của họ.

Đối với vợ hoặc chồng, việc khen ngợi lại không nằm ở vấn đề khó hay dễ nữa, bởi cả hai ít nhiều gì cũng đã trải qua giai đoạn tìm hiểu nhau rồi, nhưng quan trọng là bạn có “rộng lòng” khen họ một tiếng hay không? Phải dùng chữ “rộng lòng” là vì sau khi kết hôn, đa phần cái “tôi” trong mỗi cá nhân trở nên rất to. Họ thường ít khi thừa nhận những điểm tốt của vợ/chồng, hay nói cách khác là coi thường vợ/chồng mình.

Như thế, rất khó để họ thốt ra lời khen ngợi trong cuộc sống vợ chồng. Đôi khi, còn vì họ cảm thấy điều đó là thừa thãi, khách sáo nên… không cần. Hơn ai hết, lời khen ngợi mà họ thích được nghe nhất, chính là ở những người thân bên cạnh mình. Biết là vậy, nhưng sao vẫn rất khó khen ngợi, hoặc đôi khi, có những cặp vợ chồng chỉ quanh quẩn mỉa mai nhau, hoạch họe nhau, giờ có cố gắng khen cho chân thành thì vẫn ngượng ngượng thế nào ấy, nên thôi luôn.

Khen nhau nhu the nao

(Ảnh minh hoạ)

Tiếc chi một lời khen?

Nhờ cái chiêu biết khen chồng mà nhiều lần My cứu được những bàn thua trông thấy. Ngay cả những lần đang chiến tranh lạnh với nhau, khi hai vợ chồng có dịp cùng ra ngoài, My vẫn tranh thủ khen chồng trước mặt mọi người. Lời khen đúng lúc, không quá lộ liễu, luôn khiến chồng My cảm thấy hãnh diện khi ở bên cạnh vợ.

Lần đó, hai vợ chồng ẵm con đi đầy tháng bạn. Mọi người tíu tít khen con gái My ngoan ngoãn, lễ phép, bảo My khéo chăm con, My đẩy cái nhìn về phía chồng: “May mà ảnh là người chồng chu đáo, giúp tôi rất nhiều trong việc chăm sóc, giáo dục con cái. Chứ một mình tôi chắc không được như vậy đâu”. Mọi người nhìn về Hoàng với ánh nhìn thiện cảm, còn Hoàng thì tự tin hẳn lên với đám bạn của vợ.

Lần khác, về thăm nhà chồng, trong lúc có cả hai vợ chồng chị Hai cũng về thăm, họ to tiếng với nhau trước mặt bố mẹ chồng, mẹ chồng thở dài nhìn My: “Anh chị Hai bây thiệt chán, bây đừng có như vậy, má rầu lắm nha!”. Lúc ấy, dù đang chiến tranh lạnh với chồng, My vẫn níu tay chồng đầy yêu thương: “Má yên tâm, ảnh với con không có chuyện gì đâu. Mà con cũng may mắn ghê á má, gặp được ảnh tốt tính nên đỡ, chứ tính con ngang, gặp người khác không biết sao nữa”. Thế là mát ruột cả mẹ lẫn con.Vợ chồng My thì làm lành, vui vẻ trở lại ngay sau đó.

Hoàng tỏ ra cảm kích nê khi có ai hỏi đến My, anh đều nói: “My không phải là người nịnh hót, cô ấy cũng ít khi khen ngợi chồng nhưng khi ở trước mặt người khác, tôi mới biết được những điểm cô ấy hài lòng ở tôi. Tôi cảm động vì điều đó. Sau những lần được “nở mày nở mặt” với mọi người, tôi thêm trân trọng cô ấy nhiều hơn và đương nhiên, tích cực phát huy hơn nữa”.

Hãy khen nhau khi có thể

Lời khen tiếp thêm sức mạnh cho người nhận được nó, giúp họ tự tin vào chính mình và từ đó cố gắng sống tốt hơn. Tuy vậy, trong đời sống vợ chồng, dường như chúng ta ngày càng trở nên xa lạ trước những lời khen ngợi. Chúng hiếm hoi đến độ khi xuất hiện có thể gây nên sự ngượng nghịu đối với cả người cho lẫn người nhận.

Trái lại, những lời chỉ trích bạn đời mình thì nhớ không hết. Thậm chí, nhiều người còn nói quá lên cho… sướng miệng. Mà sự chịu đựng nào cũng có giới hạn. Khi bị nói quá, người còn lại cũng tìm những câu từ kinh khủng nhất để cho “có qua có lại”, để khẳng định ta không dễ bị ăn hiếp đâu nhé! Sau những lần đó, ranh giới của chỉ trích và khen ngợi xa nhau vời vợi. Chỉ cần nghĩ tới phải khen cái người ta từng không tiếc lời chửi rủa mình là bạn đã sôi gan lên rồi.

Trong cuộc sống, có khối người hàng ngày vẫn tỏ ra rộng rãi khi khen ngợi bạn bè trong khi lại rất tiết kiệm lời khen với những người thân ở bên cạnh mình. Các nhà khoa học cũng chứng minh rằng, một lời khen, động viên có tác dụng tích cực đến hành vi con người hơn hẳn những lời chỉ trích, ra lệnh… Thay vì muốn người khác làm cái đó cho mình, bạn lại đi chỉ trích họ theo kiểu: “Anh cả đời chẳng thể làm vui lòng vợ”; “Em không trông mong gì quà cáp của anh trong những ngày đặc biệt”…

Tập làm quen với lời khen ngợi bằng cách biết bỏ qua cho nhau những lỗi lầm, nhất là trong lời nói. Có cái nhìn khoan dung hơn với bạn đời mình. Tán dương vợ/chồng khi họ làm được những việc dù là nhỏ nhất.

Tags:

Bài viết liên quan