Trong quá trình nuôi dạy trẻ, bên cạnh những thay đổi về sức khỏe thì bậc làm cha làm mẹ cũng nên chú ý đến những biểu hiện bất thường về tâm lý và hành vi của con. Bởi trẻ cũng có thể mắc các chứng bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu… giống như người lớn chúng ta. Hãy quan sát để có thể kịp thời khám tâm lý cho trẻ, bạn nhé!
Các dấu hiệu bố mẹ cần chú ý để kịp thời khám tâm lý cho trẻ
Mỗi đứa trẻ sẽ có những biểu hiện hành vi khác nhau. Đôi khi cùng một bệnh tâm lý nhưng có trẻ sẽ biểu hiện ra bên ngoài, rất dễ để quan sát, nhưng cũng có trẻ không biểu hiện bất cứ điều gì. Bố mẹ cần chú ý một vài đặc điểm nhận dạng trẻ đang có vấn đề về tâm lý như sau:
- Trẻ vận động không ngừng, làm những việc không phù hợp, không kiểm soát được hành vi của mình, không thể ngồi im một chỗ mà phải liên tục vận động.
- Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, không thể nói được khi đến độ tuổi phù hợp. Cụ thể: Trẻ em 12 tháng tuổi sẽ có thể nói bập bẹ, nói được các từ đơn. Trẻ em 16 tháng tuổi trở lên có thể nói được các từ đôi. Trẻ 24 tháng tuổi nhưng nói ít, nói không quá 15 từ đơn trong một lần nói.
- Trẻ không có phản ứng hoặc phản ứng rất chậm với các kích thích từ môi trường cũng là một điểm đáng chú ý để bố mẹ tìm bác sĩ khám tâm lý cho trẻ.
- Trẻ chậm phát triển vận động, không thể thực hiện những hành động như một đứa trẻ bình thường. Cụ thể con có thể không đi được dù đã đủ 18 tuổi, trẻ gặp khó khăn khi cầm nắm một thứ gì đó…
- Trẻ dễ bị xao nhãng, không tập trung khi làm bất cứ việc gì. Trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi các kích thích ngoại cảnh như tiếng tivi, tiếng trò chuyện của người lớn…
- Trẻ ít giao tiếp với những người xung quanh, chỉ chơi một mình.
- Trẻ thường xuyên gây hấn với mọi người, đặc biệt là bạn bè.
- Các thói quen sinh hoạt của trẻ thay đổi: trẻ hay lo lắng, sợ hãi, khóc vào buổi tối…
Các yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ
Trước khi khám tâm lý cho trẻ, bạn cần suy nghĩ thật kỹ các lý do khiến tâm lý con bị ảnh hưởng và diễn biến theo hướng tiêu cực. Một số nguyên nhân thường gặp gồm có:
Trẻ bị bạo hành gia đình
Bạo hành gia đình là một trong những yếu tố chính có tác động lớn đến tâm trạng của trẻ. Bị đánh đập thường xuyên và sống trong nỗi sợ hãi kéo dài sẽ gây nên những ám ảnh tâm lý ở trẻ. Trẻ sẽ bắt đầu rụt rè hơn, luôn cố gắng tỏ ra ngoan ngoãn trước mặt người lớn nhưng lại có những suy nghĩ lệch lạc như muốn bỏ nhà đi, muốn sử dụng bạo lực với những người bạo hành mình, thậm chí là muốn làm tổn thương người khác.
Trẻ có một gia đình không hạnh phúc
Có đến hơn 50% bố mẹ khi tìm bác sĩ khám tâm lý cho trẻ sau khi được tư vấn liền nhận ra rằng, sự hạnh phúc của một gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ. Trẻ em trưởng thành trong gia đình bố mẹ thường xuyên cãi nhau, thiếu sự quan tâm của bố mẹ, chứng kiến những điều không hay từ người lớn, bố mẹ ly hôn cũng sẽ dễ mắc các bệnh tâm lý hơn các trẻ em khác.
Trẻ bị bạo hành tại trường học
Nếu con có những biểu hiện như sợ đến trường, khóc thét khi đến trường dù trước đó con vẫn đi học vui vẻ, bố mẹ cần quan sát, trò chuyện với con. Bạn có thể đưa con đi khám tâm lý. Các bác sĩ chuyên khám tâm lý cho trẻ sẽ biết cách khơi gợi câu chuyện để trẻ có thể nói ra lý do vì sao con không muốn đến trường. Trong nhiều trường hợp, những đứa trẻ bị bạn bè cô lập, bị bạo lực học đường không chỉ chán ghét việc đến trường mà còn mắc nhiều bệnh tâm lý nghiêm trọng.
Trẻ có những biến cố tâm lý lớn
Một số biến cố lớn như mất người thân, chuyển nhà, chuyển trường… cũng có thể ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ. Nhiều trẻ dần chuyển sang áp lực, stress, trầm cảm… sau khi gặp những biến cố này.
Tỷ lệ trẻ em mắc các bệnh tâm lý ngày càng cao hơn. Vì thế, Mẹ&Con nhắc mẹ hãy cẩn thận quan sát để biết được khi nào cần khám tâm lý cho trẻ, đề phòng những nguy cơ đáng tiếc.