Mẹ và Con - Việc kể chuyện cho bé hằng ngày góp vai trò rất quan trọng trong việc định hình tính cách của trẻ cũng như giúp con phát triển toàn diện hơn, bố mẹ đã biết chưa?

Kể chuyện cho bé khi ngủ sẽ góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, tăng trí tưởng tượng và tư duy. Tuy nhiên, không dừng lại đó, việc kể chuyện cho bé hàng ngày còn có rất nhiều tác động tích cực cho sự phát triển của trẻ. Hãy cùng tìm hiểu điều này thông qua bài viết dưới đây nhé!

Khi nào nên bắt đầu kể chuyện cho bé hằng ngày?

Theo học viện Nhi khoa Mỹ, bạn nên kể chuyện cho bé hằng ngày từ khi trẻ được 6 tháng vì đây là khoảng thời gian con biết thích thú nhìn ngắm những cuốn sách màu sắc. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, ba mẹ nên bắt đầu kể chuyện khi bé mới sinh ra. Không nhất thiết phải đợi đến khi bé nhận thức, biết đọc hay biết chữ vì đây là cơ hội tuyệt vời để gần gũi, âu yếm và tạo mối liên kết bền chặt với bé.

Theo các chuyên gia, từ 8,9 tháng tuổi trở đi, hãy cho trẻ làm bạn với sách bằng bìa cứng. Ba mẹ có thể tự tạo ra những cuốn sách theo ý mình và bé mà không cần quan tâm nhiều đến hình thức. Đến khi bé 2 tuổi, hãy bắt đầu chọn lựa những đầu sách có sẵn trên thị trường. Lúc này, để thuận tiện hơn trong việc kể chuyện cho bé hằng ngày, ba mẹ có thể làm một kệ sách hoặc tủ sách để bé biết đọc xong nên để đâu.

Còn đối với những bé đã đi nhà trẻ, mẫu giáo, mặc dù chưa đọc được nhưng con vẫn nhìn vào những con chữ. Do đó, ba mẹ hãy chọn những sách có cốt truyện rõ ràng nhưng không quá dài, đơn giản và gần gũi với những sự vật xung quanh con.

kể chuyện cho bé hằng ngày

Lợi ích kể chuyện cho bé hằng ngày

Dạy con những thói quen tốt

Trẻ em đều thích nghe kể chuyện vì bé muốn biết nhiều hơn về nhân vật mình yêu thích và cố gắng bắt chước giống họ. Do đó, nếu ba mẹ kể cho con nghe những câu chuyện mang thông điệp có ý nghĩa, bé sẽ rất nhanh ghi nhớ những phẩm chất, việc tốt để làm theo.

Giúp trẻ hiểu rõ văn hóa

Hiện nay, có rất nhiều đầu sách được dịch từ nhiều thứ tiếng khác nhau mang theo văn hóa đa dạng của các quốc gia trên thế giới. Việc đọc sách cho con cũng là cách giúp trẻ hiểu về phong tục, văn hóa của nhiều nước.

Ngoài ra, ba mẹ cũng có thể kể cho bé nghe những câu chuyện về tuổi thơ của mình, về hoạt động, lễ hội từng tham gia. Điều này giúp bé thích thú hơn, đồng thời hiểu rõ hơn về nguồn cội, về ba mẹ thông qua việc chia sẻ về các thành viên trong gia đình.

Phát triển khả năng sử dụng vốn từ

Kể chuyện cho bé hằng ngày giúp con làm quen với ngôn ngữ cũng như từ ngữ hay câu từ mới. Đây là một trong những cách hay để dạy con từ mới và cách phát âm.

kể chuyện cho bé

Cải thiện kỹ năng nghe

Trẻ nhỏ thường khó tập trung trong một thời gian dài vào một chuyện gì đó cũng như chúng thường nói nhiều hơn nghe. Kể chuyện cho bé không chỉ giúp rèn luyện sự tập trung mà còn là một cách dạy con biết lắng nghe và thấu hiểu.

Khuyến khích khả năng sáng tạo và tưởng tượng

Kể chuyện cho bé hằng ngày giúp phát triển trí tưởng tượng của bé. Bé có thể thỏa sức hình dung về những nhân vật, cốt truyện…tăng khả năng sáng tạo trong con. Đây là điều mà trẻ thường xuyên xem tivi khó làm được bởi các chương trình cho trẻ xem hầu như có sẵn hình dáng nhân vật, cốt truyện nên không kích thích sự tưởng tượng trong con tốt bằng việc kể chuyện.

Định hình trí nhớ

Trẻ nhỏ rất thích nghe đi nghe lại một câu chuyện cho tới khi bé nhớ từng chi tiết. Để tăng cường trí nhớ và kích thích khả năng tập trung của con, ba mẹ có thể thay đổi cách kể khác nhau mỗi lần. Lần đầu là ba mẹ kể, sau đó bạn có thể nhờ chúng nhắc lại câu chuyện này trong vài ngày sau.

bố mẹ kể chuyện cho bé hằng ngày

Mở rộng tầm nhìn cho trẻ

Mỗi một câu chuyện đều ẩn chứa những yếu tố văn hóa dù ít hay nhiều. Việc kể chuyện cho bé hằng ngày giúp trẻ quen thuộc hơn với nhiều cách tư duy, suy nghĩ, văn hóa của các quốc gia. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm thêm những câu chuyện từ nhiều nền văn hóa khác nhau để con mở rộng hiểu biết về thế giới.

Giao tiếp tốt hơn

Thông qua việc kể chuyện cho bé hằng ngày và việc nhờ nhắc lại mỗi lần kể, bé có thể “lượm nhặt” cho bản thân rất nhiều từ vựng, câu mới. Nhờ đó, bé biết cách tạo nên một cuộc hội thoại hoàn hảo, giúp trẻ tự tin hơn và phát triển kỹ năng giao tiếp.

Bình tĩnh đối mặt với tình huống khó khăn

Các nhân vật trong chuyện thường được coi là “phao cứu sinh” khi gặp tình huống khó khăn, không biết cách xử lý. Lý giải điều này là vì bé thích học theo những nhân vật mình yêu thích nên trong tình huống tương tự bé sẽ tự động nhớ tới và làm theo thay vì lúng túng, bối rối hay sợ hãi.

Lưu ý khi kể chuyện cho bé hằng ngày

Bên cạnh việc cố gắng duy trì thói quen kể chuyện cho bé hằng ngày, cách kể chuyện cũng là một vấn đề quan trọng không kém để thu hút trẻ nhỏ tới cuối câu chuyện. Một số lưu ý khi kể chuyện cho bé:

Độ dài của câu chuyện

Câu chuyện không nên quá dài vì trẻ nhỏ tập trung được trong một khoảng thời gian rất ngắn. Một câu chuyện với độ dài vừa phải không chỉ giúp con nhớ lâu mà không lo bị nhàm chán.

Biểu cảm thích hợp

Sự kết hợp của những cử chỉ tay chân, biểu cảm gương mặt và việc tạo ra những âm thanh khác nhau khiến cho câu chuyện của bạn trở nên thú vị hơn. Nhờ vậy, bé càng yêu, háo hức và mong chờ việc đọc sách cùng ba mẹ.

Lưu ý khi kể chuyện cho bé hằng ngày

Đọc chậm và to rõ

Khi kể chuyện cho bé hằng ngày, bố mẹ lưu ý cần đọc to, chậm vừa phải, nhấn nhá lên xuống để miêu tả diễn biến của câu chuyện. Để thêm phần hấp dẫn, ba mẹ có thể giả giọng người già, trẻ nhỏ… các nhân vật có trong truyện.

Hãy thu hút trẻ

Khi kể chuyện cho bé hằng ngày, sẽ có những lúc bé bắt đầu chán và dần mất đi sự tập trung. Lúc này, bạn có thể tạo sự chú ý bằng cách đặt những câu hỏi liên quan tới câu truyện đang đọc. Chẳng hạn như “Nếu là con, con sẽ làm gì?”, “Con hổ đã nói gì nào?”….

Biến kể chuyện thành trò chơi

Bên cạnh những cuốn sách có sẵn, ba mẹ có thể cùng con tạo cuốn sách với cốt truyện của riêng mình. Trò chơi này làm tăng khả năng sáng tạo, kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp cho trẻ. Hơn nữa, trẻ sẽ giao tiếp tốt hơn, tăng khả năng liên kết và biết cách sắp xếp.

Kể chuyện là một phần thiết yếu trong sự phát triển toàn diện tính cách của trẻ. Đây cũng có cách ba mẹ ươm hạt mầm tình yêu đọc sách suốt đời cho con. Không chỉ giới hạn trong những quyển sách, ba mẹ có thể kể về tuổi thơ của mình cho con nghe để liên kết tình cảm với con nhiều hơn. Hãy dành thời gian kể chuyện cho bé hằng ngày ba mẹ nhé!

Bài viết liên quan