Thực ra, việc lôi kéo các con vào việc nhà không khó nếu bạn có “kế hoạch” từ nhỏ. Một số cô bạn tới nhà, thường rất ngạc nhiên thấy con trai và con gái tôi thường xuyên giúp mẹ từ những việc trong bếp tới việc ngoài phòng khách. Các bạn vẫn trêu đùa tôi “bóc lột sức lao động” của các con nhưng không phải thế, các con tôi thường làm việc với niềm vui và nó đã trở thành thói quen thường nhật.
Hãy để các con được làm nếu con thích
Tôi biết rất nhiều bà mẹ, khi trở về nhà với sự mệt mỏi sau một ngày dài làm việc, họ muốn được giúp đỡ. Nhưng khi đứa con bé bỏng sà vào để giúp mẹ nhặt rau thì bà mẹ lại đuổi con ra chỗ khác để mẹ rảnh tay làm việc cho nhanh. Bà mẹ ơi, chính bạn đã bỏ đi một cơ hội tuyệt vời để hai mẹ con có thể trò chuyện và cùng làm việc rồi đấy. Nếu con muốn giúp mẹ, hoặc chỉ là con tò mò muốn thử, bạn hãy để con thoải mái. Thay vì la mắng bé tránh đi chỗ khác, bạn có thể dạy bé rất nhiều, rằng, đây là rau muống, kia là rau khoai, rau cải; với rau muống bé nên nhặt thế này cho sạch, rau cải tách ra như thế nào…
Ngay từ khi lên 2, bé đã rất thích thử nghiệm những điều mới mẻ này. Vì thế, khi con thích, bạn có thể hướng dẫn cho bé. Bạn cứ xua đuổi bé khỏi việc nhà, lâu dần, bé cũng không còn muốn bén mảng tới nữa đâu. Ngoài ra, nếu lúc nào đó, bé không thoải mái, cũng đừng ép bé vào những việc mà bé không thích nhé.
Có thể sẽ mất thời gian của bạn một chút, nhưng bù lại, bé sẽ có rất nhiều niềm vui trong việc nhà cũng như bạn có cơ hội dạy bé những kỹ năng cần thiết
Biến việc nhà thành trò chơi
Như trên tôi có nói, làm việc nhà là một cơ hội gần gũi của hai mẹ con. Mỗi ngày, thời gian bạn dành cho con không nhiều, vì thế, bạn đừng bỏ qua những cơ hội để được bên cạnh bé và cùng chơi với bé. Con gái tôi hồi 4 tuổi rất yêu thích trò chơi đố nhau. Vì thế, khi chúng tôi nhặt rau, tôi thường đố bé, “đố con nhặt được 5 cọng rau muống đấy”, “đố con có bao nhiêu quả cà tím ở trong rổ” hoặc “đố con dọn sạch đồ chơi trong 5 phút đấy”, “hai mẹ con mình, ai sẽ dọn đồ chơi được nhiều hơn nào…”
Vừa làm việc lại vừa được trò chuyện với mẹ vui vẻ nên con bé rất thích thú, bởi vậy, hôm nào mẹ làm việc nhà, con cũng lại gần hỏi han và giúp đỡ những việc lặt vặt. Ngoài ra, tôi cũng hỏi được con bé rất nhiều chuyện ở trường, ở lớp để hiểu con hơn.
Tán dương bé ngay khi có thể
Đôi lúc thấy mệt và lười biếng, tôi vẫn thường nhờ các con lấy hộ cái này cái kia hoặc giúp việc này việc kia trong phạm vi có thể. Chẳng hạn, đi làm về, tôi nhờ bé “Subin ơi, mẹ mệt và khát nước quá, con rót hộ mẹ cốc nước được không?”, hầu như con không bao giờ từ chối lời nhờ vả ấy. Tất nhiên, sau khi bé giúp đỡ, tôi thường khen con ngoan và con luôn cảm thấy rất vui. Được cảm thấy có ích và làm được một việc “quan trọng” lại được khen, bé nào mà chẳng hứng khởi. Bạn đừng quên tán thưởng bé khi bé làm được việc nhé, chỉ những câu đơn giản như “Ái chà, hôm nay Su quét nhà sạch thế”, “Con nhặt rau nhanh thật đấy”… là đủ để các bé không ngại ngần giúp đỡ ba mẹ những lần sau rồi.
Không phân biệt việc nhà là của một ai để bé thấy bạn hoàn toàn công tâm
Ai cũng phải làm việc nhà
Trong nhà, tôi luôn hướng dẫn cả con trai và con gái những việc lặt vặt. Đôi lúc, ông bà bọn trẻ vẫn thường cho rằng “đàn ông con trai sao lại làm việc nhà?” nhưng tôi nghĩ khác. Chúng ta đã có một thế hệ những người phụ nữ phải làm việc nhà như một nhiệm vụ bắt buộc còn những người đàn ông đi làm về ngồi vểnh râu xem tivi, chúng ta không cần thêm những thế hệ con cháu như thế nữa. Con trai hay con gái đều có thể làm việc nhà và đều có thể hỗ trợ nhau trong công việc. Chưa kể, không phân biệt người này với người kia để các bé cảm thấy rằng ba mẹ rất công tâm và các bé không tị nạnh, so sánh nhau. Tôi vẫn mong rằng, sau này, khi các con ra ngoài hay lập gia đình, việc nhà không trở thành gánh nặng của một ai.
Tôi tin rằng, khi các bé được hướng dẫn và quen với làm việc nhà, mọi thứ sau này của các con sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Nó không đơn thuần chỉ là thói quen làm việc, nó còn giúp các con biết quý trọng hơn sức lao động và biết nhìn nhận cuộc sống một cách vị tha hơn.