Hãy biết yêu thương bản thân! Đã có biết bao lần bạn phải tăng ca thay đồng nghiệp, trả một khoản nợ xấu cho người thân… và nhận ra điều đó là vô bổ? Mọi người có thể xem đó là một việc “hiển nhiên” và “bình thường” như trách nhiệm của bạn phải như thế. Bạn không chỉ tổn thất về tiền bạc, thời gian mà điều quan trọng hơn chính là sự thất vọng vì thấy không được tôn trọng, vì đã đặt lòng tốt không đúng chỗ.
Không chỉ bạn, rất nhiều người cũng phạm phải những sai lầm tương tự. Chính vì thế, Tạp chí Mẹ và Con chia sẻ đến bạn những thông tin sau đây như cách giúp bạn yêu thương bản thân nhiều hơn qua một mẹo nhỏ: Nói “Không!” khi cần thiết. Và dưới đây là 7 cách thốt ra lời từ chối một cách hiệu quả.
Yêu thương bản thân từ việc nói ra điều mình muốn
Đừng cố nói một cách vòng vo hoặc đưa ra những lời bào chữa yếu ớt khi bạn muốn từ chối. Bởi điều này không bao giờ hiệu quả và khiến cho đối phương có cơ hội “nắm thóp” của bạn.
Thay vì cố nói giảm nói tránh hay trì hoãn việc nói “Không”, bạn có thể đưa ra một lời giải thích ngắn gọn nếu bạn cảm thấy cần thiết. Tuy nhiên, nhớ đừng để bản thân cảm thấy bị ép buộc. Càng ít nói càng tốt, bạn nhé!
Hãy thật quyết đoán và lịch sự
Bạn có thể nói một cách trực tiếp là “Rất tiếc là tôi không thể giúp gì được cho bạn”. Điều này không phải là lỗi của bạn, nên bạn không cần phải xin lỗi và cũng không cần phải áy náy.
Nếu muốn, bạn có thể nói thêm rằng, “Tôi sẽ báo với bạn ngay khi tôi có thể giúp”. Cách nói này là một nghệ thuật từ chối khéo léo, lịch sự và đồng thời đưa bạn vào vị thế cao hơn. Bạn ở thế chủ động và hoàn toàn có thể thay đổi động thái theo cách mình muốn.
Một cách từ chối khác mà bạn có thể sử dụng là: “Cảm ơn bạn đã nghĩ đến tôi, nhưng hiện tại tôi không có cách nào hỗ trợ tốt hơn cho bạn.”
Hiểu chiến thuật của đối phương
Thông thường, khi bạn bị người khác nhờ vả nhiều lần là bởi họ hiểu được cách nghĩ và tìm cách tác động vào điểm yếu của bạn. Nhiều người biết sử dụng các kỹ thuật thao túng tâm lý, cho dù là cố ý hay không.
Ví dụ: Một số người khi lên tiếng nhờ bạn giúp đỡ rất ít đưa ra câu hỏi có 2 lựa chọn mà thường gợi ý nhiều giải pháp như “Bạn muốn quyên góp 100.000, 200.000 hay hiện vật?”.
Một chiến thuật khác là: “Hầu hết mọi người quyên góp 200.000 đồng. Bạn muốn góp bao nhiêu?”. Cách làm này đặt bạn vào tình thế phải lựa chọn và bằng cách nào đó bạn cũng sẽ chọn một trong những giải pháp mà họ đề ra, thay vì nói “Không”. Điều đó lại một lần nữa cho thấy, hiểu chiến thuật của người khác cũng là cách bạn biết yêu thương bản thân mình.
Vạch ra ranh giới rõ ràng cũng là yêu thương bản thân
Mọi người đôi khi gặp khó khăn khi từ chối bởi vì họ không dành thời gian để đánh giá mối quan hệ của mình và hiểu vai trò của họ trong một mối quan hệ nào đó.
Khi bạn thực sự hiểu động lực và vai trò của mình, bạn sẽ không cảm thấy lo lắng về hậu quả của việc nói “Không”. Đồng thời, bạn cũng sẽ nhận ra rằng mối quan hệ của bạn và đối phương là vững chắc và việc bạn có nói “Không” hay không sẽ chẳng làm sứt mẻ những thâm tình đã có.
Xem thêm: Làm gì khi bị lợi dụng tình cảm
Đặt lại câu hỏi cho người vừa nhờ vả
Điều này mang lại hiệu quả cao trong một số tình huống nhất định, đặc biệt là ở môi trường công sở. Giả sử cấp trên yêu cầu bạn đảm nhận một số nhiệm vụ – nhiều hơn những gì bạn có thể xử lý ở thời điểm đó.
Bạn có thể nói, “Tôi rất sẵn lòng làm việc X, Y và Z. Tuy nhiên, tôi sẽ cần ba tuần, thay vì hai, để hoàn thành tốt công việc. Bạn muốn tôi ưu tiên chúng như thế nào?”. Khi nhận được câu hỏi “ngược” như thế này, người nhờ vả hoặc phân công cho bạn sẽ thấy mình có trách nhiệm rà soát lại những gì họ muốn đề cập và không mở lời một cách vô tội vạ.
Hãy thật vững vàng
Nếu ai đó không thể chấp nhận lời nói “Không” của bạn, có hai trường hợp có thể xảy ra. Một là người đó có thể không phải là một người bạn thực sự và hai là họ không tôn trọng bạn. Bằng cách nhận diện này bạn sẽ có cách ứng xử phù hợp. Hãy giữ vững lập trường và đừng nhượng bộ chỉ vì có thể người đó không thoải mái. Bạn có trách nhiệm yêu thương bản thân, trước khi yêu thương người khác hay chờ người khác yêu thương.
Xem thêm: 4 phẩm chất của một người trưởng thành
Muốn yêu thương bản thân, hãy biết ích kỷ
Sự thật là mỗi chúng ta đều cần phải đặt nhu cầu của mình lên hàng đầu, chứ không phải một ai khác. Chúng ta cần phải có sự rạch ròi và tỉnh táo trong các mối quan hệ. Nếu ưu tiên nhu cầu của người khác hơn nhu cầu của bản thân, bạn sẽ thấy năng suất của mình giảm sút và sự oán giận tăng lên.
Trong một chừng mực nào đó, chúng ta có thể học hỏi từ tỷ phú Warren Buffett với phát ngôn bất hủ: “Sự khác biệt giữa những người thành công và những người rất thành công là những người rất thành công nói không với hầu hết mọi thứ.”
Muốn người khác yêu thương và tôn trọng, trước tiên là bạn phải học cách yêu thương bản thân. Bài học này tuy khó nhưng là một trong những nguyên tắc sống mà ai cũng cần phải ghi nhớ trên hành trình sống, học tập và làm việc của mình.