Không ít người nói lời thán phục vì sự giàu có của gia đình bé. Nhiều người tung hô bé như một biểu tượng của sự sành điệu mà những “ông hoàng, bà chúa” nổi tiếng chơi sang trong giới showbiz Việt cũng phải ngả mũ chào.
Với các hình ảnh minh họa cụ thể về giày, túi xách, mắt kính, váy… được đưa lên Facebook nhân vật, sau đó nhiều trang mạng đăng tải lại, cho thấy sự việc không còn dừng ở tính riêng tư của cá nhân. Rõ ràng, ý thức về hàng hiệu, về đẳng cấp, về sự biểu diễn, về minh chứng cho sự giàu có, độ “chịu chơi” của gia đình và sức mạnh của bản thân ở đứa trẻ đã thành vấn đề của xã hội. Chẳng ai trách em bé vì thực sự không ai có quyền đó. Nhưng nhiều người có quyền lo cho em, trăn trở cho em vì những rung động đối với em là có thật. Đó là rung động mang tính con người và nhân văn…
Tủ đồ hàng hiệu “bạc tỉ” của em bé 5 tuổi người Việt khiến cộng đồng mạng choáng váng. (Ảnh từ mạng xã hội)
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Bây giờ em như thế, tương lai em sẽ ra sao? Liệu thói quen xài hàng hiệu sẽ biến cuộc đời em thành nô lệ của hàng hiệu? Em sẽ nghĩ gì về giá trị đồng tiền mình có được? Em sẽ lao động ra sao ngày sau khi mình không có những động cơ mang tính thực tiễn? Hành trình vào đời của em sẽ thế nào khi sớm bận tâm quá lớn về “đẳng cấp” và hàng hiệu?
Sẽ hẫng hụt biết bao khi “văn hóa trọc phú” ngự trị trong tâm trí của một đứa trẻ và còn lan sang hàng loạt trẻ em khác cũng đang tuổi đua đòi dần dà xuất hiện? Sẽ thực sự đáng tiếc nếu suy nghĩ phải chiến thắng trong cuộc “chạy đua mốt và hàng hiệu” trở thành lựa chọn của các em…
Cha mẹ có quyền cho con cái hưởng thụ cuộc sống giàu sang được tạo ra từ sự cực nhọc hay sự đầu tư thông tuệ của mình. Họ cũng chẳng phải áy náy nếu đó là những gì được mua sắm bằng những đồng tiền chân chính. Tuy nhiên, gánh nặng này liệu có quá sức đối với các em không khi chúng phải tương tác, giao lưu với bạn bè cùng trang lứa?… Các em còn phải vào đời với cuộc sống xung quanh nhiều thách thức… Không ai tiên lượng điều gì sẽ xảy ra cho cuộc đời của các em. Các em không nhất thiết phải đóng vai nghèo khó nhưng cần biết chút trải nghiệm giá trị của cuộc sống; không nhất thiết phải sống khổ sở hay đói khát nhưng cần nhìn ra giá trị chân thật của hạnh phúc là phấn đấu để thành công thay vì chỉ tận hưởng; cũng chẳng nhất thiết phải đóng kịch để làm khác đi điều kiện mình có nhưng cũng cần biết rằng những gì chúng có được hay gia đình chúng có được không dễ dàng…
Nếu cha mẹ trao cho con cuộc sống vương giả quá sớm, chính họ có thể có lỗi với hành trình tương lai của con mình. Nếu cha mẹ tập cho con trở thành người có “đẳng cấp” thì món quà ấy xem chừng có thể lợi bất cập hại hay sẽ là chiêu “hồi mã thương” không chóng thì chầy…
Những khảo sát tại các trung tâm cai nghiện cho thấy xấp xỉ 70% số lượng người ở tuổi vị thành niên có dấu hiệu nghiện hay chính thức nghiện là con em của các gia đình khá giả. Điều này không quy gán rằng con em gia đình khá giả dễ nghiện nhưng chính cung cách chiều chuộng quá mức hay cung ứng quá tay cho những nhu cầu của con cái dễ dẫn đến những hệ lụy đáng buồn. Chính kiểu chiều con, cho con tất cả, dạy con sống theo “đẳng cấp” từ thuở bé dễ đẩy chúng đến kiểu hành vi đòi hỏi, mè nheo và chẳng thể nhượng bộ…
Không dám lạm bàn việc dạy con theo những tiêu chí riêng của mỗi gia đình nếu con cái được xem như tài sản riêng, độc quyền. Nhưng cũng cần nhớ trẻ em cần được bảo vệ và quan tâm của cả xã hội và cần được trao cho những gì tốt đẹp nhất, đặc biệt là sự giáo dục. Chẳng thể quy kết hay kết án việc trang bị hay “trang trí” cho con cái những hàng hiệu đắt tiền, trang sức xa xỉ là có lỗi nhưng có thể nói cần trang bị cho con những thái độ tích cực hơn với cuộc sống, những quan điểm nhân văn với cộng đồng và sự thích ứng đa chiều để trẻ tự tin và vững vàng hơn lại là rất cần thiết.
Theo PGS-TS Huỳnh Văn Sơn (Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam)