Mẹ&Con - Mẹ đã từng nghe nhắc nhiều đến chỉ số thông minh IQ, thế nhưng với chỉ số cảm xúc EQ thì không ít người đến giờ vẫn còn xa lạ. Thật ra, cũng như chỉ số IQ, chỉ số cảm xúc EQ đóng một vai trò vô cùng quan trọng cho thành công của trẻ sau này. Và một điều thú vị khác nữa mà mẹ cần biết: Hoàn toàn có khả năng giúp trẻ nâng cao chỉ số EQ. 10 hành vi, cảm xúc dễ lây lan nhất Các bà mẹ showbiz kể chuyện dạy con 5 kỹ năng dạy bé lớn khôn

Chỉ số cảm xúc là… gì nhỉ?

Câu chuyện về khái niệm chỉ số cảm xúc rất dài. Tuy nhiên, mẹ chỉ cần hiểu một cách ngắn gọn và đơn giản nhất. Năm 1990, thuật ngữ trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence) do hai nhà tâm lý học Mỹ Peter Salovey và John Mayer giới thiệu. Trí tuệ cảm xúc được hiểu là: “Sự hiểu biết về các xúc cảm để đi đến khả năng làm chủ cảm xúc. Điều này sẽ tự thúc đẩy các hoạt động tích cực của bản thân và trong quan hệ, nhận biết các cảm xúc của người khác”.

Trên cơ sở này vào năm 1996 hai ông đã đưa ra khái niệm về Emotional Quotient (EQ: Chỉ số cảm xúc). Bạn có thể hiểu, EQ là khả năng nhận thức, hiểu và truyền đạt cảm xúc. EQ cao giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp, hòa đồng với bạn bè và các kỹ năng xã hội khác như kỹ năng ứng xử, lãnh đạo, làm việc trong nhóm. Chính vì thế, EQ là nền tảng cho sự thành đạt của bé sau này.

Giúp con phát triển EQ 6

Tại sao chỉ số EQ quan trọng thế?

Việc đạt được chỉ số EQ cao sẽ giúp ích cho trẻ rất nhiều trong cuộc sống. Ngày nay chỉ số EQ đang dần trở thành một yếu tố quan trọng để đánh giá con người bên cạnh chỉ số IQ. Mỗi cá nhân tốt nhất nên đạt được sự hài hòa giữa hai chỉ số IQ và EQ. Tuy nhiên không giống như IQ thuộc về “thiên bẩm”, chúng ta có thể rèn luyện để cải thiện EQ. Đạt chỉ số EQ cao đồng nghĩa con bạn sẽ có cuộc sống hạnh phúc hơn bởi việc giao tiếp và thấu hiểu người khác sẽ trở nên dễ dàng, đồng thời khả năng hành động theo lý tính và kiềm chế trong những hoàn cảnh khó khăn trở thành bản năng. Tất cả sẽ giúp bé có nhiều mối quan hệ tốt và cơ hội phát triển rộng mở sau này.

Có bốn thành phần cốt lõi cấu thành nên chỉ số EQ:

Tự nhận thức về bản thân: là khả năng nhận ra những cảm xúc của riêng mình và hiểu rõ căn nguyên của những cảm xúc ấy. Tự nhận thức về bản thân cũng liên quan tới việc nhận biết điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và lòng tự trọng của mỗi người.

Tự kiểm soát: đây là khả năng trì hoãn sự tự thỏa mãn, cân bằng nhu cầu của bản thân khi so với người khác và chủ động kiềm chế cơn bốc đồng. Bên cạnh đó còn là khă năng thích ứng, đối phó trước thay đổi và duy trì sự tận tâm kiên trì trong công việc.

Nhận thức về xã hội: khả năng hòa hợp với cảm xúc và những quan tâm từ cộng đồng cũng như khả năng nhận biết và thích ứng với cách hành xử của xã hội.

Quản lý mối quan hệ: Đây là về khả năng hòa hợp với người khác, quản lý xung đột, khả năng giao tiếp, truyền cảm hứng và gây ảnh hưởng lên người khác.

Nghe có vẻ hơi “cao siêu”, song thật ra tất cả những điều này đều hết sức gần gũi và bạn đều có thể rèn luyện cho con ngay từ những năm tháng đầu đời. Đơn giản như khi con bạn vui, con bạn buồn, bạn chỉ cần đặt những câu hỏi: “Con buồn à?”, “Sao con của mẹ lại buồn?”, “Bạn không cho con chơi cùng nên con buồn phải không?”, “Con có làm gì để bạn không thích nên bạn không cho con chơi cùng không?”, “Con có muốn mẹ giúp con nói với bạn không?”, “Con có muốn mẹ con mình đi ăn kem để con bớt buồn không?”… là những bài học đầu đời quý giá, giúp trẻ nhận ra những cảm xúc của bản thân, hiểu rõ căn nguyên những cảm xúc ấy, biết cách tự kiểm soát cảm xúc, giải tỏa cảm xúc và tìm kiếm trở lại sự cân bằng.

Đừng cho rằng những điều này không quan trọng. Chúng sẽ giúp ích con bạn rất nhiều, để trẻ tự đứng vững trên đôi chân mình và chập chững bước những bước đầu tiên ra ngoài “đời”. Khi trẻ lớn lên, với một chỉ số EQ cao, khả năng thấu hiểu người khác tốt, hòa hợp tốt với nhóm, cộng đồng, con sẽ có được những thành công mà sách vở ở trường không đủ sức mang đến.

Giúp con phát triển EQ 7

Làm cách nào để phát triển chỉ số cảm xúc cho trẻ?

Để giúp trẻ nâng cao chỉ số cảm xúc một cách tích cực không hề khó và cũng không phải là chuyện quá xa xôi. Có những việc rất đơn giản như giúp trẻ phát triển khả năng hòa động, giúp trẻ bớt hung hang chính là đã nâng được chỉ số cảm xúc lên cho trẻ.

Đây là một vài gợi ý dành cho bạn: 

Khi con…

Mẹ nên…

Khó bày tỏ cảm xúc cho bạn hiểu.

Thường xuyên hỏi bé về những cảm xúc của bé (buồn, vui, giận). Đặt cho con những câu hỏi thật đơn giản để trẻ biết cách chia sẻ, nói ra cảm xúc của mình.

Tự ti vì không có bạn.

Xây dựng nhóm bạn cùng độ tuổi để cùng vui chơi, trò chuyện với bé.

Hung hăng, gây hấn để thu hút sự chú ý.

Cho bé trò chơi thư giãn như vẽ tranh, chơi nhạc cụ. Đây là một trong những phương pháp giải tỏa cảm xúc bị kìm nén.

Hay đánh, giựt đồ chơi của bạn.

Nhẹ nhàng giải thích, nhưng lời lẽ kiên quyết để trẻ hiểu lỗi sai và điều chỉnh. Không nhượng bộ trẻ khi trẻ tái phạm lỗi, tuy nhiên không phạt bằng hình thức đòn roi.

Trẻ chơi một mình thụ động.

Tạo ra nhiều hoạt động tập thể như đưa trẻ đến công viên, cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, mời bạn bè của trẻ đến nhà… khuyến khích trẻ tham gia từng chút một.

Buồn chán khi phải đến lớp.

Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm khen ngợi, động viên bé trên lớp, khuyến khích bé làm quen với bạn bè và tham gia vào các hoạt động tập thể.

Rụt rè, hay nép mình về phía ba mẹ, chỉ chơi với những người mà bé thật sự tin tưởng.

Kể cho bé nghe những câu chuyện về lòng tự tin.

Khi muốn nói hay làm điều gì, bé luôn sợ sệt.

Cho bé chơi các trò chơi sắm vai phù hợp để bé cảm thấy không lúng túng trước những tình huống lạ và bớt đi những rụt rè.

Ngại ngùng khi tiếp xúc với người lạ.

Tạo cơ hội cho bé giao tiếp. Luôn ở bên cạnh bé và bắt đầu từ những giao tiếp đơn giản nhất, dễ thực hiện nhất để giúp bé tự tin hơn.

Thường nói những câu như sau khi đến những nơi xa lạ, ồn ào: “Cho con về nhà, cho con ra khỏi nơi này”.

Giúp trẻ hòa đồng, tự tin hơn nhưng đừng ép buộc. Khi trẻ cảm thấy không thoải mái, nên đưa trẻ về. Hãy thật kiên nhẫn! Không nên hối thúc bé phải nhanh hòa nhập với bạn bè mà hãy để cho bé một ít thời gian.

Cố tình làm ngược với yêu cầu của người lớn.

Cho trẻ biết các giới hạn, có một số nguyên tắc nhất định trong khuôn khổ trẻ phải tuân theo. Ví dụ nếu con vẫn không vâng lời, con sẽ ở nhà với bà trong lúc bố mẹ đưa em đi công viên. Tuy nhiên, cũng cần có động viên, khen thưởng ngay khi trẻ có hành vi tốt.

Tỏ thái độ tức giận.

Không nên quát mắng và bắt trẻ im. Hãy dùng thái độ điềm tĩnh lắng nghe, tạo điều kiện cho trẻ nói ra những cảm xúc khi trẻ tức giận về điều gì đó. Ví dụ như con cảm thấy thế nào, vì sao con tức giận.

Ngoài ra, có một số việc mà bạn cần dạy cho con, như một cách giúp nâng cao dần chỉ số EQ cho trẻ. Bao gồm:

* Giúp trẻ học cách nhận biết nguyên nhân gây ra stress và cách xử lý nó:

Thực tế, không phải chỉ có người lớn mới stress. Trẻ cần biết cách tìm kiếm và nhận biết các tác nhân gây ra stress cho mình, biết cách giải tỏa nó phù hợp với độ tuổi. Ví dụ, khi một đứa trẻ căng thẳng vì bài vở ở trường và nhận ra được rằng mình “mệt quá”, trẻ cần được hướng dẫn để chia sẻ với mẹ điều ấy, cho phép mình giải trí bằng cách chạy ra sân chơi bóng với bạn bè và quên đi những áp lực bài vở, mùa thi.

* Giúp trẻ luôn có thái độ cởi mở, sẵn sàng chấp nhận cái mới:

Thường xuyên được bố mẹ đưa đến những vùng đất lạ, cho thử thách với những trò chơi mới, ăn những món ăn mới, trải nghiệm những điều mới mẻ (như thả diều, trồng cây, bắt dế, hát hò, nhảy múa, tắm biển, xây lâu đài cát…) sẽ khiến trẻ có thêm những kinh nghiệm sống, yêu cuộc sống và luôn trong tư thế thoải mái, sẵn sàng chấp nhận những điều mình chưa biết, học hỏi chúng. Đừng tưởng điều này nhỏ nhặt, có quan trọng gì đâu. Thực tế khi lớn lên, nếu con bạn là một người có được thái độ luôn tiếp nhận cái mới như thế này, con sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn bạn tưởng. 

Giúp con phát triển EQ 8

* Giúp trẻ luôn có sự đồng cảm với mọi người:

Một đứa trẻ có chỉ số cảm xúc thấp, ít nghĩ đến mọi người xung quanh thường khó khăn khi hòa nhập với đội nhóm, cộng đồng. Ngược lại, một đứa trẻ có xu hướng quan tâm đến mọi người, dễ dàng hiểu cảm xúc của người khác lại rất được mọi người yêu thương. Đó không phải là điều trên trời rơi xuống. Đó chính là một phần quan trọng của chỉ số cảm xúc EQ và nó có thể được nâng lên cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ từ bạn.

* Giúp trẻ lạc quan:

Lạc quan chính là kết quả của một tâm hồn cởi mở, là một yếu tố quan trọng của chỉ số cảm xúc EQ. Bạn cần biết rằng lạc quan cũng không phải trên trời rơi xuống. Bạn cần rèn luyện điều này cho con từ nhỏ. Không trách mắng la rầy khi trẻ phạm sai lầm, vấp ngã. Luôn khuyến khích trẻ rằng con có thể thử lại và làm lại thành công. Giúp con biết phì cười trước những lần mình làm “hỏng việc” và kiên trì sửa chữa cũng có nghĩa là bạn đã giúp nâng cao thêm chỉ số cảm xúc của con và tạo một nền tảng lý tưởng để trẻ tự mình “bước đi” sau này. 

Tags:

Bài viết liên quan