Mẹ và Con - Hiện nay, số người mắc bệnh ung thư vú ngày một tăng cao. Việc hiểu rõ về bệnh, cách nhận biết các dấu hiệu cũng như các giai đoạn sẽ nâng cao cơ hội chữa khỏi bệnh hoàn toàn.

Có lẽ, bạn đã ít nhất 1 lần nghe đến bệnh ung thư vú, một căn bệnh đang ngày càng phổ biến. Nhưng, bạn có lẽ phải giật mình khi con số người mắc bệnh tại Việt Nam ngày một cao hơn. Thậm chí, các thống kê còn chỉ ra rằng, có hơn 15.000 ca mắc ung thư vú hàng năm ở nước ta.

bệnh ung thư vú

Các thống kê liên quan đến bệnh ung thư vú

Theo Bệnh viện Ung bướu Hà Nội: “Ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng phân chia mạnh, xâm lấn xung quanh và di căn xa”. Không chỉ riêng Việt Nam mà số lượng phụ nữ mắc ung thư vú trên toàn cầu cũng ngày một cao hơn. Hiện nay, ung thư vú đã vượt qua ung thư phổi để trở thành loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới.

Theo thống kê của Globocan, Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ mắc ung thư vú. Các thống kê cho thấy, một năm có khoảng 15.229 ca mắc mới với số lượng ca tử vong là 6103 ca. Con số này được dự đoán sẽ càng tăng cao nếu chị em không thực hiện các tầm soát ung thư sớm nhất.

Nguyên nhân ung thư vú là gì?

Ung thư vú có thể xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, một số nguyên nhân thường gặp có thể kể đến như:

  • Những người sinh con muộn, không có khả năng sinh sản hoặc không cho con bú thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
  • Người mãn kinh muộn hoặc có kinh nguyệt quá sớm cũng có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn những người khác
  • Gen di truyền cũng là một nguyên nhân của bệnh ung thư vú. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh thì tỷ lệ các thành viên khác trong gia đình cũng mắc bệnh thường rất cao.
  • Sống trong môi trường độc hại, nguồn nước và môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với các loại chất độc hay hóa chất cũng là một nguyên nhân dẫn đến ung thư vú.
  • Người không bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn, ít vận động, thường xuyên hút thuốc lá hay uống rượu cũng thuộc nhóm có nguy cơ bị ung thư vú.
  • Cuối cùng, người từng có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến vú cũng dễ mắc ung thư vú hơn những người khác.

ung thư

Các giai đoạn của bệnh ung thư vú

Hiện nay, khi mắc bệnh ung thư vú, bệnh nhân vẫn có cơ hội được chữa khỏi hoàn toàn. Theo các thống kê, với các trường hợp phát hiện bệnh sớm ở các giai đoạn đầu, cơ hội chữa khỏi có thể lên đến 80% hoặc cao hơn. Vậy chính xác thì ung thư vú gồm những giai đoạn nào?

Giai đoạn 0 (Giai đoạn đầu)

Đây là giai đoạn đầu tiên ở quá trình diễn tiến bệnh. Khi ung thư vú ở giai đoạn đầu, các tế bào ung thư ở trong các ống dẫn sữa và được gọi là ung thư biểu mô tuyến vú tại chỗ (ung thư vú không xâm lấn).

Giai đoạn 1

Giai đoạn 1 được chia nhỏ thành 2 giai đoạn khác:

  • Giai đoạn 1 A: Khối u có kích thước nhỏ, xấp xỉ 2cm, các hạch bạch huyết chưa bị ảnh hưởng
  • Giai đoạn 1B: Có khối u ở vú và có hạch bạch huyết ở nách

Giai đoạn 2

Cũng như giai đoạn 1, giai đoạn 2 của bệnh ung thư vú cũng được chia thành 2 giai đoạn 2A và 2B:

  • Giai đoạn 2A: Khối u nhỏ khoảng 2cm, chưa phát triển đến 4 hạch bạch huyết, chưa có khối u nguyên phát, chưa lan tới hạch dưới cánh tay.
  • Giai đoạn 2B: Khối u từ 2 đến 4cm, có cụm tế bào ung thư trong hạch bạch huyết, có từ 1-3 hạch bạch huyết ở khu vực nách hoặc gần xương ức. Hoặc bệnh nhân có khối u lớn hơn, khoảng 5cm nhưng chưa xâm lấn đến các hạch bạch huyết.

Giai đoạn 3

Ở giai đoạn này, các khối u bắt đầu lan rộng, có từ 4-9 hạch bạch huyết ở nách. Trong một số trường hợp, hạch bạch huyết bên trong vú thường phù to.

Giai đoạn 4 (giai đoạn cuối)

Ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư, các tế bào ung thư đã lan rộng khắp các cơ quan khác, di căn đến xương, não, phổi và gan. Đây là giai đoạn mà các bác sĩ không thể điều trị, chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân mà thôi.

ung thư vú

Các triệu chứng bệnh ung thư vú là gì?

Để có thể kịp thời phát hiện tình trạng bệnh và đến cơ quan y tế chẩn đoán, điều trị sớm nhất, chị em phụ nữ cần quan sát, chú ý đến những thay đổi bất thường trên cơ thể mình. Một số triệu chứng giúp bạn nhận ra bệnh ung thư vú thường có:

Đau tức ngực hoặc tuyến vú

Nếu bạn chỉ cảm thấy đau hoặc cương cứng tuyến vú trong những ngày thuộc chu kỳ kinh nguyệt hoặc trong thai kỳ thì đây là một triệu chứng bình thường. Tuy nhiên, nếu những cơn đau tức diễn ra thường xuyên hơn, kéo dài, bạn nên đi siêu âm, chiếu chụp vú để kiểm tra tuyến vú của mình.

Vùng ngực to bất thường

Một dấu hiệu phổ biến của bệnh ung thư vú chính là vùng ngực to lên một cách bất thường, 2 bên ngực không đồng đều, ngực cương cứng.

Thay đổi da vùng vú

Nếu thấy vùng da vú có các thay đổi như sưng dưới dạng sần da cam hoặc đỏ ửng, đây chính là dấu hiệu bệnh đã phát triển ở giai đoạn muộn, cần lập tức đi khám và điều trị ngay.

Nổi u cục ở tuyến vú

Để có thể kịp thời phát hiện tình trạng bệnh của mình, mỗi tháng sau khi hết kỳ kinh nguyệt, bạn có thể dùng tay để tự khám vú của mình xem có các khối u lạ, cứng ở vú hay không. Để kiểm tra ung thư vú tại nhà, bạn nên đứng thẳng ở trước gương, kiểm tra hình dạng vú ở tư thế bình thường, sau đó đưa hay tay giơ cao, chống hai tay vào hông. Ngoài ra, bạn cũng nên quan sát bầu vú khi chuyển sang các tư thế nằm khác nhau.

Nổi hạch nách

Tuy nổi hạch nách có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng một trong những nguyên nhân của tình trạng này chính là do người bệnh đã mắc ung thu vú. Do đó, khi phát hiện hạch ở vùng nách, nên đến các cơ quan y tế để được kiểm tra ngay bạn nhé!

Tụt núm vú, thay đổi vùng da quanh đầu núm vú

Núm vụ đột nhiên bị tụt vào trong, không kéo ra được, có biểu hiện cứng, vùng da đầu núm vú co rút nhăn nheo, có các hạt nhỏ ở quầng vú quanh núm vú, núm vú chảy dịch bất thường… Đây là các triệu chứng của căn bệnh ung thư vú.

bệnh ung thư

Điều trị ung thư vú như thế nào?

Với người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, tùy theo tình trạng và giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất với đối tượng bệnh như:

Phẫu thuật ung thư vú

Với những khối u nhỏ, thường được phát hiện ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ được chỉ định làm phẫu thuật bóc tách đơn giản. Nếu khối u lan rộng hơn, kỹ thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú (đoạn nhũ), loại bỏ phần da, núm vú và tuyến sữa sẽ được bác sĩ tiến hành. Lúc này, bác sĩ sẽ đoạn nhũ tiết kiệm da để dễ dàng tái tạo tuyến nhũ hơn.

Ngoài ra, các bác sĩ còn nạo hạch sinh thiết, phân tích tế bào ung thư để xác định ung thư đã di căn tới hạch hay chưa. Trong một số trường hợp, người bệnh có tiền sử gia đình cũng mắc bệnh ung thư vú hoặc người bệnh mang gen đột biến liên quan đến bệnh, bác sĩ sẽ gợi ý cắt bỏ cả tuyến vú bên lành (đoạn nhũ dự phòng).

Liệu pháp xạ trị

Khi xạ trị, bác sĩ sẽ dùng các chùm tia năng lượng cao như tia X và proton nhằm loại bỏ các tế bào ung thư. Phương pháp này được thực hiện sau khi bệnh nhân được đoạn nhũ để đảm bảo rằng các tế bào ung thư đã được tiêu diệt hết.

Liệu pháp hóa trị

Nếu bạn phát hiện bệnh muộn hơn, các tế bào ung thư đã lan rộng sang các bộ phận khác của cơ thể, các bác sĩ sẽ quyết định xử dụng liệu pháp hóa trị – dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Trong một số trường hợp, liệu pháp này còn được sử dụng cho những đối tượng có nguy cơ tái phát bệnh cao.

Hóa trị cũng có thể được chỉ định thực hiện đầu tiên, trước khi phẫu thuật. Lúc này, các bác sĩ sẽ hóa trị để thu nhỏ khối u, giúp việc hóa trị tiến hành dễ dàng hơn.

liệu pháp xạ trị

Cách phòng tránh bệnh ung thư vú

Hiện nay, ung thư vú là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam. Để có thể phòng tránh bệnh, chị em phụ nữ cần:

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc ung thư vú để có thể kịp thời phát hiện và có phác đồ điều trị phù hợp. Thông thường, thời kỳ “tiền lâm sàng” của căn bệnh này có thể kéo dài từ 8-10 năm. Do đó, khám sàng lọc càng sớm, phát hiện bệnh càng sớm thì cơ hội chữa khỏi sẽ càng cao. Nếu để bệnh phát triển ở giai đoạn 1, tỷ lệ khỏi bệnh là 80%; ở giai đoạn 2 là 60% và ở giai đoạn 3, tỷ lệ khỏi bệnh rất thấp. Nếu bệnh đã tiến triển đến giai đoạn 4, không thể điều trị khỏi mà chỉ có thể giảm đau đớn và kéo dài sự sống.
  • Tăng hiểu biết về bệnh: Tìm hiểu các thông tin về bệnh, đặc biệt là các triệu chứng khi mắc bệnh ung thư vú có thể giúp bạn kịp thời phát hiện những dấu hiệu sớm nhất, có thể thăm khám chẩn đoán kịp thời.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh: Một lối sống lành mạnh có thể giúp bạn ngăn ngừa được rất nhiều loại bệnh. Hãy tích cực ăn nhiều rau xanh, cân nhắc việc điều trị bằng hormon ở giai đoạn mãn kinh nhằm hạn chế tăng thêm lượng hormon estrogen vào cơ thể, kích thích sự phát triển của các tế bào bất thường gây ung thư vú.

Ung thư vú đang dần trở thành một căn bệnh phổ biến, đe dọa cuộc sống của các chị em. Vì vậy, hãy thường xuyên theo dõi những bất thường trên cơ thể của mình, kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể kịp thời phát hiện và điều trị bệnh ung thư vú bạn nhé!

Bài viết liên quan

con riêng của chồng

9 cách giúp mẹ kế xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với con riêng của chồng

Mẹ và Con - Bạn có bao giờ tự hỏi: “Tại sao con riêng của chồng lại ghét tôi ngay cả khi tôi cố gắng trở thành một người mẹ tốt?” Hãy cùng tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao mối quan hệ với con riêng của chồng lại gặp nhiều trục trặc đến vậy và cần làm gì để xây dựng mối quan hệ tích cực với con riêng của chồng bạn nhé!