Giãn ruột sinh lý ở trẻ sơ sinh không nguy hiểm nhưng bạn cần biết dấu hiệu nhận biết chứng này để tránh nhầm lẫn với các bệnh lý khác ở bé. Đồng thời, trong giai đoạn giãn ruột ở trẻ sơ sinh mẹ cũng cần chú ý một số vấn đề sau.
Giãn ruột sinh lý ở trẻ sơ sinh là gì?
Hiện tượng giãn ruột ở trẻ sơ sinh (SID – Segmental intestinal dilatation) hay còn gọi là giãn ruột sinh lý ở trẻ sơ sinh khá thường gặp. Đây là tình trạng mà ruột của trẻ sơ sinh giãn, có thể tích lớn hơn so với mức bình thường.
Giãn ruột xuất hiện tùy theo tốc độ phát triển của từng bé. Thường là khi trẻ được khoảng 2 tháng tuổi.
Thời kỳ giãn ruột thường kéo dài khoảng 2 – 3 tháng sau đó tự khỏi. Vậy nên nhìn chung giãn ruột ở trẻ sơ sinh là hiện tượng sinh lý bình thường, không nguy hiểm cho bé.
Dấu hiệu nhận biết giãn ruột ở trẻ sơ sinh
Giãn ruột sinh lý ở trẻ sơ sinh có dấu hiệu chính là bé không đi ngoài trong nhiều ngày. Đây cũng là lý do khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Bạn có thể quan sát để nhận biết giãn ruột ở trẻ sơ sinh qua các dấu hiệu đặc trưng sau:
Trẻ không đi ngoài nhiều ngày
Trẻ sơ sinh không đi ngoài trong nhiều ngày là do ruột giãn, thể tích ruột lớn hơn nên chứa được nhiều phân hơn. Vì thế bé không đi ngoài là do vẫn chưa có nhu cầu.
Không có thời gian cụ thể cho từng bé nhưng có sự khác nhau giữa bé bú sữa mẹ và bú sữa công thức. Trẻ bú sữa công thức ngày thường cũng đi vệ sinh nhiều hơn trẻ bú mẹ nên bạn có thể ước lượng như sau:
- Với trẻ bú mẹ: Bé không đi trong khoảng 7 – 10 ngày.
- Với trẻ bú sữa công thức: Thời gian khoảng 3 -5 ngày.
Phân bình thường
Trẻ bú sữa nên phân mềm, sệt. Nếu bạn thấy bé không đi ngoài trong nhiều ngày nhưng phân vẫn bình thường thì không nguy hiểm.
Phân của trẻ sơ sinh khỏe mạnh có màu vàng nâu hoặc vàng nhạt nếu bé bú sữa công thức và có màu vàng tươi nếu bú sữa mẹ
Bé rặn và gồng mình
Trẻ rặn và gồng mình nhưng không đi ngoài. Đây cũng là dấu hiệu nhận biết giãn ruột sinh lý ở trẻ sơ sinh.
Một số bé còn có hiện tượng xì hơi, đỏ mặt. Đây chỉ là hành động tập đẩy chất thải ra ngoài, mẹ không cần lo lắng.
Trẻ ăn ngủ chơi bình thường
Việc giãn ruột sinh lý ở trẻ sơ sinh không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Trẻ vẫn bú tốt, thậm chí nhiều bé còn bú nhiều hơn do tiêu hóa tốt hơn.
Lúc này trẻ bú nhiều nên cơ thể phải dồn máu vào dạ dày để tiêu hóa. Trẻ có thể ngủ nhiều hơn do lượng máu tới não và các cơ quan khác giảm đi.
Bé khỏe mạnh nên vẫn vui chơi bình thường. Trẻ không đi ngoài trong nhiều ngày chỉ là do thể tích ruột tăng lên nên không đào thải phân ngay được. Khi đã đến “mốc” thì nhu động ruột của bé sẽ tự động đẩy phân ra ngoài.
Phân biệt giãn ruột sinh lý ở trẻ sơ sinh với táo bón
Giãn ruột sinh lý ở trẻ sơ sinh rất dễ bị nhầm với táo bón do bé đều không đi ngoài trong nhiều ngày. Bạn cần chú ý kỹ để đảm bảo xác định được đúng nguyên nhân trẻ không đi ngoài. Cụ thể, có thể phân biệt qua các điểm sau:
- Giãn ruột sinh lý ở trẻ sơ sinh: Thường xảy ra vào lúc 2 tháng tuổi. Trẻ có thể không đi ngoài trong nhiều ngày, thường là 1 tuần, nhiều có thể lên đến 2 tuần nhưng vẫn bú đầy đủ. Phân bình thường. Và quan trọng nhất là bé hoàn toàn khỏe mạnh, vui vẻ không quấy khóc. Bé ngủ ngon, bú tốt và sinh hoạt bình thường.
- Bé sơ sinh bị táo bón: Táo bón xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào và thường phổ biến ở trẻ bú sữa công thức hơn. Khi trẻ không thể đi ngoài do táo bón bé sẽ khó chịu, trẻ có dấu hiệu muốn đi vệ sinh, rất hay xì hơi, đau bụng nhưng không đi ngoài được. Chính vì thế, táo bón có thể khiến trẻ sơ sinh quấy khóc, bỏ bú, ngủ không ngon vì cơ thể không khỏe. Nếu đi ngoài, phân trẻ thường cứng, khô, màu đen hoặc xanh đen.
Làm gì khi trẻ sơ sinh bị giãn ruột?
Dù giãn ruột ở trẻ sơ sinh không đáng lo nhưng chắc chắn bạn vẫn muốn hỗ trợ bé trong giai đoạn này. Dưới đây là một số cách để tăng cường hệ tiêu hóa cho trẻ sơ sinh, giúp bé khỏe, đi ngoài dễ dàng hơn:
Massage bụng
Massage bụng rất thích hợp với các bé đang giãn ruột sinh lý. Các cách massage rất đơn giản, bạn có thể chọn một trong các bài sau
- Đặt hai tay lên bụng bé, vuốt lên xuống theo hai chiều ngược nhau ở hai bên. Lặp lại khoảng 20 lần.
- Dùng cả hai tay massage nhẹ nhàng từ ngực dọc xuống bụng, lặp lại 10 lần.
- Chia bụng bé thành 4 phần, mỗi phần cỡ lòng bàn tay của bạn. Đặt một bàn tay lên bụng trẻ sau đó xoa đều theo chiều kim đồng hồ trong 10-15 giây. Lặp lại cho các phần khác.
Lưu ý nên massage khi trẻ không quá no cũng không quá đói. Thực hiện 1-2 lần/ngày là đủ.
Bổ sung chất xơ
Bổ sung chất xơ qua sữa mẹ hoặc sữa công thức sẽ giúp làm mềm phân. Chất xơ vừa giúp ngăn ngừa táo bón vừa rút ngắn thời gian giữa các lần đi ngoài của bé.
Bổ sung lợi khuẩn
Trường hợp trẻ không đi ngoài thời gian dài bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để bổ sung lợi khuẩn cho bé. Thực phẩm lợi khuẩn sẽ hỗ trợ tiêu hóa nhanh, phân giải các chất dinh dưỡng tốt hơn. Hỗ trợ tiết chất nhầy sinh học cũng như điều hòa nhu động ruột để dễ đẩy phân ra ngoài.
Nhìn chung, giãn ruột sinh lý ở trẻ sơ sinh không nguy hiểm, không phải vấn đề sức khỏe cần điều trị. Bạn chỉ cần cho bé bú đủ, có thể hỗ trợ giúp bé đi ngoài dễ dàng hơn như chúng tôi đã gợi ý. Sau vài tháng bé sẽ trở về trạng thái bình thường.