Mến chào các chuyên gia của Tạp chí Mẹ và Con. Em năm nay 28 tuổi, vừa kết hôn được khoảng 4 tháng.
Chồng em rất yêu thương em và chẳng có vấn đề gì xảy ra. Tuy nhiên, nhà chồng em là kiểu gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống. Chồng em 40 tuổi, trên chồng có bố mẹ chồng và có cả ông bà nội của chồng. Ông bà hiện nay đã ngoài 90 nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Nhà chồng còn có anh chị chồng (anh chồng và chị dâu) còn dưới chồng thì có thêm 2 đứa em út. Anh chị chồng cũng sinh được 1 cháu trai.
Chia sẻ như vậy để thấy, gia đình chồng rất đông người, một gia đình nhiều thế hệ, từ ông bà nội chồng cho đến cháu của chồng, tổng cộng cũng phải 4 thế hệ. Từ ngày em về sống cùng gia đình đến nay, tuy mọi người vẫn rất yêu thương nhau nhưng không tránh phát sinh những bất cập.
Bà nội chồng vì cũng lớn tuổi, thích những gì truyền thống nên không cho con cháu ăn mặc hở hang. Nhiều lần em mặc váy đi làm, dù váy đã qua đầu gối nhưng bà vẫn ý kiến và cho rằng chỉ nên mặc quần dài, muốn mặc váy thì mặc váy dài chấm mắt cá rồi mới được ra đường. Đồ đạc trong nhà đã cũ, em muốn thay mới thì cũng bị bảo là lãng phí, không biết tiết kiệm cho chồng, trong khi em mua bằng chính tiền của em.
Gia đình nhiều thế hệ, bà nội đã vậy, mẹ chồng cũng chẳng kém. Chuyện mẹ chồng nàng dâu của bà và mẹ suốt bao năm vẫn không thuận hòa. Mẹ một mặt ngọt nhạt chăm sóc bà, một mặt lại quay sang nói xấu bà với con dâu. Em không hưởng ứng thì mẹ tỏ ý ghét em ra mặt, còn hưởng ứng thì mẹ lại bảo sau này e cũng nói xấu mẹ chồng của em như thế à.
Anh chị chồng cũng lớn hơn em 10 tuổi, nên tư duy cũng có nhiều khác biệt. Chỉ muốn an phận, nhàn hạ, không cố gắng nhiều. Đi làm về thì thôi, chẳng cần cố có thêm thu nhập. 4 tháng làm dâu, nhà có 2 đám giỗ, toàn là tiền của em và chồng. Có lần chồng em góp ý thì anh chị lại bảo cô chú chẳng hiểu được đâu, cứ lớn như anh chị rồi mới hiểu.
À, nỗi khổ của một gia đình nhiều thế hệ đâu có dừng lại như vậy. 2 đứa em chồng thì suốt ngày đi sớm về khuya, bắt anh chị thức đợi cửa, thỉnh thoảng lại qua xin tiền để đi chơi với bạn dù đã lên đại học nhưng vẫn không chịu đi làm để có thu nhập.
Con của anh chị chồng thì em khỏi bàn tới. Được ba mẹ và ông bà chiều vô tội vạ, suốt ngày chỉ khóc lóc ầm ĩ, muốn gì được nấy, không cho thì ăn vạ. Em la thì đi méc mẹ chồng em, và em lại mang thêm tiếng không thương cháu.
Đây, gia đình nhiều thế hệ có sung sướng gì đâu. Em cảm thấy em không thể hòa hợp được với gia đình nhà chồng. Dù rằng mọi người vẫn yêu thương, chăm sóc em, em cũng rất quý mọi người nhưng quý là một chuyện, chung sống với nhau là chuyện khác. Mỗi thế hệ lại có một lối sống, một cách nghĩ riêng. Mà mình thì làm dâu con trong nhà, không thể phật lòng ai được. Tới đứa cháu nhỏ còn không la nó được thì giờ phải làm sao!!!
Xem thêm:
Sống chung trong một gia đình nhiều thế hệ, khôn khéo và tinh tế chưa bao giờ là thừa
Hiểu nhau để thương nhau
Những người trẻ chúng ta chưa từng trải qua cuộc sống của các bà, các mẹ. Các bà, các mẹ cũng không hoặc chưa thể bắt kịp nhịp sống hiện đại, tư duy của người trẻ. Vì thế trong các gia đình nhiều thế hệ sẽ dễ xảy ra mâu thuẫn, xung đột với nhau. Việc cần làm chính là dành thời gian trò chuyện, chia sẻ với nhau để hiểu nhau hơn.
Khi ngồi lắng nghe tâm sự của bà, của mẹ, của anh chị, có lẽ bạn sẽ hiểu lý do vì sao họ lựa chọn làm vậy, có một góc nhìn mới và tự đúc kết được cho bản thân mình những bài học kinh nghiệm. Mọi người khi lắng nghe tâm sự của bạn cũng sẽ dễ thông cảm hơn, không còn quá bắt bẻ bạn phải sống theo mọi người nữa.
Một gia đình nhiều thế hệ – ai cũng phải học cách dung hòa
Một vấn đề mà nhiều người gặp phải khi sống trong gia đình nhiều thế hệ chính là cái tôi quá cao. Bạn muốn mọi người chấp nhận bạn mà quên mất rằng, mỗi người là một cá thể riêng biệt với những tính cách, sở thích, thói quen sống khác nhau. Nếu ai cũng muốn sống theo ý mình thì chuyện mâu thuẫn là điều vô cùng dễ hiểu.
Vì thế, bí quyết cho những ai có một gia đình nhiều thế hệ chính là học cách dung hòa. Hãy ngẫm nghĩ xem có điều nào bạn làm theo ý mẹ chồng được không, có gì bạn có thể thay đổi hay không. Dung hòa không có nghĩa là hòa tan. Bạn vẫn có thể giữ lại những tính cách, giá trị cốt lõi của mình, song song với việc thay đổi một phần nào để phù hợp hơn với nếp sống, văn hóa chung của gia đình.
Chọn giải pháp ở riêng gần nhau cho gia đình nhiều thế hệ
Với gia đình nhiều thế hệ, đông thành viên, nếu đã cố gắng nhưng vẫn không thể dung hòa, bạn có thể chọn cách ở riêng nhưng gần nhau. Như vậy có thể tránh được tình trạng xung đột, cãi vã nhưng mọi người vẫn có thể thường xuyên gặp nhau, không làm các thành viên trong gia đình trở nên xa cách.
Với một gia đình nhiều thế hệ, việc xảy ra những câu chuyện dở khóc dở cười là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chúng ta không cần phải căng thẳng mà hãy nhẹ nhàng giải quyết, rồi chuyện gì cũng sẽ vượt qua được phải không nào!