Những ngày giãn cách xã hội, chẳng ai ra khỏi nhà nên các thành viên trong gia đình bỗng dưng… gặp mặt nhau nhiều hơn. Và cũng từ đó, hàng loạt câu chuyện dở khóc dở cười diễn ra khi các thành viên trong gia đình liên tục tranh cãi, cơm không lành canh không ngọt.
Vì mỗi người có một nếp sống, sở thích và thói quen riêng nên rất dễ dẫn đến xung đột. Vậy phải làm sao để các thành viên có thể chung sống hòa thuận hơn?
Những câu chuyện cười ra nước mắt mùa dịch
Chia sẻ trên trang cá nhân, bạn N nói: “Bình thường đi làm em thường hay thiếu ngủ. Do đó tranh thủ mấy hôm vừa nghỉ làm sẵn về quê chống dịch nên em thường ngủ nhiều hơn. Vậy mà đâu có yên. 6 giờ sáng mẹ đã gọi dậy ăn sáng rồi bảo làm việc này việc kia. Phải làm sao cho mẹ em hiểu bây giờ hả quý dị ơi?”
Có lẽ, câu chuyện trên không phải là câu chuyện của riêng N mà là câu chuyện chung của rất nhiều gia đình khi anh T tâm sự: “Lúc trước mình ở trọ 1 mình. Nay bố mẹ lên thăm rồi thành phố bùng dịch không về được nên để bố mẹ sống cùng ở đây. Một ngày tranh cãi không dưới 10 lần vì mẹ mình hay có thói quen ngủ sớm còn mình do tính chất công việc phải thức rất khuya. Nhiều lúc đang làm việc mẹ lại vào tắt đèn phòng bảo mình đi ngủ”.
Mùa dịch này, công ty cho làm việc tại nhà nhưng chị K.A không thể tập trung cao độ để làm việc bởi suốt ngày phải nghe tiếng chí choé tranh cãi từ hai “siêu quậy” ở nhà. Chị thở dài rồi nói: “Đứa lớn không đi học, đứa nhỏ cũng không gửi nhà trẻ được. Mình vừa ở nhà làm việc vừa trông con. Bọn chúng cứ đánh nhau giành đồ chơi rồi tranh cãi xem mẹ thương ai hơn. Thời gian trông con quay đi quay lại là hết ngày. Lấy đâu ra thời gian mà làm việc.”
Phải làm sao để các thành viên cùng vui vẻ trong mùa dịch?
Có thể nói, với các gia đình đông thành viên thì quả thật rất khó để có thể hạn chế tranh cãi khi chúng ta ở nhà toàn thời gian và nhìn mặt nhau suốt ngày. Tuy nhiên, bạn có thể khiến cuộc sống “dễ thở” hơn bằng một số bí quyết đơn giản dưới đây:
Hãy thẳng thắn trao đổi về nếp sống của mình
Mỗi người sẽ có thói quen sinh hoạt khác nhau. Có người thích dậy thật sớm nhưng cũng có người vì tính chất công việc nên thường xuyên thức khuya, cần dậy trễ hơn để phục hồi năng lượng. Để tránh tranh cãi, mâu thuẫn, tốt nhất ngay từ đầu bạn nên chia sẻ với người thân trong gia đình về thói quen và nếp sống của mình. Nếu có thể, bạn hãy nói cả lý do tại sao mình lại xây dựng nếp sống như vậy để các thành viên khác hiểu và thông cảm cho mình, tôn trọng giờ giấc sinh hoạt của mình bạn nhé.
Để cuộc nói chuyện diễn ra suôn sẻ hơn, không có quá nhiều xung đột hay tranh cãi khi nói chuyện, bạn có thể áp dụng một số bí quyết như:
- Chọn thời gian phù hợp với tất cả mọi người. Bạn nên tránh nói chuyện khi mệt mỏi, đang bận tâm về một vấn đề khác hoặc đang quá căng thẳng.
- Suy nghĩ về những gì bạn muốn nói trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện. Ví dụ, bạn có thể liệt kê những điểm quan trọng nhất đối với bạn hoặc bất kỳ vấn đề nào đang khiến bạn cảm thấy khó chịu khi sống chung với mọi người.
- Đảm bảo rằng tất cả các thành viên trong gia đình đều có thời gian để chia sẻ suy nghĩ của riêng mình và đặt câu hỏi.
- Khi đến lượt một thành viên khác nói chuyện, hãy tích cực lắng nghe và yêu cầu làm rõ bất cứ điều gì bạn chưa hiểu.
Tôn trọng không gian chung
Khi bạn sống một mình, tất cả không gian trong nhà đều thuộc về bạn. Bạn có thể làm mọi thứ bạn thích. Tuy nhiên, nếu bạn sống cùng các thành viên khác, nhà bếp hay phòng khách, nhà vệ sinh chung là những không gian chung mà bạn cần tôn trọng. Việc thoải mái làm ồn ở phòng khách hay bày bừa ở nhà vệ sinh có thể làm mọi người cảm thấy khó chịu khi sống chung với bạn, từ đó dẫn đến tranh cãi, bất hòa.
Do đó, những khu vực sinh hoạt chung, bạn nên chú ý giữ gìn vệ sinh hơn, không làm ồn, chủ động dọn dẹp,… để tránh ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình.
Thống nhất công việc nhà
Một trong những vấn đề thường xuyên gây tranh cãi khi sống chung chính là công việc nhà ai làm. Tốt nhất bạn nên trao đổi thật kỹ về việc phân công rõ ràng, ai sẽ làm những công việc nhà nào, làm trong thời gian nào. Điều này giúp bạn tránh được mâu thuẫn, xích mích không đáng có khi cảm thấy mình phải làm việc nhà quá nhiều. Hơn nữa, việc chia sẻ cụ thể thời gian nào sẽ giúp bạn tránh được những câu hỏi như “Tại sao vẫn chưa dọn dẹp nhà cửa?”, “Sao ăn xong vẫn không rửa bát?”,…
Thống nhất các khoản phí sinh hoạt chung
Các khoản sinh hoạt chung là một trong những lý do khiến chúng ta dễ gây tranh cãi với nhau nhất. Ai sẽ phải trả tiền thuê nhà? Tiền điện, tiền nước, tiền wifi và truyền hình cáp thuộc về trách nhiệm của ai? Hãy làm rõ các vấn đề này để các thành viên cảm thấy thoải mái khi chung sống bạn nhé.
Nhờ sự trợ giúp của các thành viên khác trong gia đình
Nếu bạn phải vừa làm việc vừa chăm con, bạn có thể nhờ sự trợ giúp của các thành viên khác như ông bà để mắt đến trẻ trong lúc bạn làm việc. Như vậy bạn sẽ dễ dàng tập trung làm việc hơn và làm việc hiệu quả hơn.
Ở nhà với nhiều thành viên sẽ dễ dẫn đến xích mích và tranh cãi không đáng có. Tuy nhiên chúng ta vẫn là một gia đình. Vì thế, hãy cứ bình tĩnh và giải quyết mọi thứ trong ôn hòa, bạn nhé!