Chế độ dinh dưỡng mất cân đối cùng với lối sống lười vận động kéo theo căn bệnh béo phì ngày càng gia tăng. Hiện nay, có thể nói béo phì đã trở thành căn bệnh đáng sợ hơn cả suy dinh dưỡng ở nhiều quốc gia. Ở nước ta, theo thống kê của Viện dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành tại Việt Nam là 6,6%. Là nước có tốc độ béo phì tăng mạnh nhưng không ít người vẫn còn lơ là trước tác hại của bệnh béo phì.
Tác hại của bệnh béo phì
Những ai thừa cân và béo phì sẽ đối mặt với nguy cơ mắc bệnh cao gấp nhiều lần người bình thường. Đặc biệt là các bệnh mạn tính không lây nhưng nguy hiểm. Sau đây là tác hại nhẹ lẫn nặng của bệnh béo phì.
1. Tác hại của bệnh béo phì lên tâm lý
Trước hết, người mắc bệnh béo phì rất dễ tự ti, xấu hổ và thậm chí sợ hãi người xung quanh do bị cười cợt, nhạo báng, kỳ thị thậm chí bạo hành. Thêm vào đó, các vấn đề sức khỏe thể lý cũng dễ khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng kéo dài. Điều này làm tăng nguy cơ mắc phải các hội chứng và bệnh lý tâm thần. Người béo phì khó có được cuộc sống hạnh phúc như ý, hiệu quả công việc thấp, tinh thần suy sút thậm chí có thể dẫn tới trầm cảm, tự tử.
2. Ảnh hưởng lên hệ cơ xương khớp
Đối với cơ thể, tác hại của bệnh béo phì trước tiên là ảnh hưởng lên hệ cơ xương khớp. Trọng lượng cơ thể lớn sẽ tạo áp lực quá lớn lên cơ xương. Khớp gối và cột sống là hai vị trí dễ bị tổn thương nhất. Thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm là các bệnh thường gặp ở người béo phì. Thậm chí nếu hệ thống xương khớp không nâng đỡ nổi cơ thể thì loãng xương, gãy xương là chuyện sớm muộn.
Đồng thời, do lượng mỡ tích tụ nhiều, hoạt động của cơ hoành và khí quản của người béo phì cũng bị hạn chế. Người bệnh có thể bị rối loạn nhịp thở, ngáy, ngừng thở khi ngủ. Béo phì càng nặng thì rối loạn hô hấp càng nhiều.
3. Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch rất dễ xuất hiện ở người béo phì, thừa cân. Béo phì còn làm rối loạn lipid máu, khiến tăng nồng độ triglycerid và LDL-cholesterol, làm giảm nồng độ HDL-cholesterol trong máu. Mỡ và cholesterol thừa làm hẹp mạch vành cản trở quá trình tuần hoàn máu làm tăng huyết áp, gây thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim. Nguy cơ đột quỵ ở người béo phì cũng cao gấp 6 lần người bình thường.
4. Các bệnh nội tiết
Béo phì gây rối loạn nội tiết trong cơ thể. Theo đó, các bệnh nội tiết như đái tháo đường type 2, suy giáp, suy tuyến thượng thận là tác hại hàng đầu của béo phì. Người bệnh dễ bị mắc hội chứng chuyển hóa như béo trung tâm, rối loạn dung nạp glucose, kháng insulin, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp.
5. Ảnh hưởng lên tiêu hóa, gan mật
Béo phì ảnh hưởng cực xấu đến hệ tiêu hóa và gan mật. Lượng mỡ thừa bám vào quai ruột dẫn tới táo bón, trĩ. Có đến 70% người béo phì bị gan nhiễm mỡ, cao gấp 7 lần con số 10% ở người bình thường. Đồng thời, rối loạn chuyển hóa mỡ sẽ dẫn tới tình trạng sỏi ống mật chủ, sỏi túi mật.
6. Tăng nguy cơ ung thư
Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ (AICR), tác hại nguy hiểm của bệnh béo phì là tăng nguy cơ ung thư. Béo phì khiến nguy cơ ung thư đại trực tràng, ung thư tụy ở nam giới; ung thư vú, tử cung, buồng trứng ở nữ giới; ung thư cuống họng, thận, máu ác tính… tăng mạnh.
Một tác hại đáng lưu ý khác là bệnh béo phì làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Trong một cơ thể khỏe mạnh, khi tế bào ung thư xuất hiện thì ngay lập tức sẽ hệ miễn dịch bị phát hiện và tiêu diệt. Nếu không thể kịp thời phá hủy, các tế bào ung thư sẽ nhanh chóng sinh sôi và di căn.
7. Hiếm muộn ở cả nam lẫn nữ
Cơ thể quá khổ khiến đời sống sinh hoạt tình dục không mấy thuận lợi. Đồng thời, béo phì ảnh hưởng tới nội tiết trong cơ thể – một yếu tố quan trọng nếu muốn mang thai. Ở nữ giới, béo phì gây đa nang buồng trứng, rối loạn kinh nguyệt, khó thụ thai do mỡ tích tụ…
Ở nam giới, béo phì làm tăng hoạt động của men aromatase và nồng độ estradiol – chất ức chế nội tiết tố sinh dục của tuyến yên ở nam giới đồng thời giảm hormone testosterone – hormone sinh dục nam. Theo đó, nam giới thừa cân béo phì sẽ dễ gặp tình trạng rối loạn cương dương, tinh trùng di chuyển chậm, xuất tinh ngược…
Ai dễ gặp biến chứng khi béo phì?
Tác hại của bệnh béo phì là hiển nhiên, không thể chối cãi. Trong đó, có những nhóm người nếu thừa cân béo phì thì phải đối mặt với nhiều biến chứng, nguy cơ tai biến cao hơn nữa. Nếu bạn hoặc gia đình có các thành viên này thì cần hết sức chú ý:
- Phụ nữ mang thai: béo phì tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, tiểu đường thai kỳ, ảnh hưởng xấu lên cả sức khỏe thai nhi.
- Người già, người có bệnh nền: sức đề kháng yếu, trao đổi chất kém hiệu quả cũng như hệ tim mạch yếu nên đây là nhóm đối tượng rất dễ tổn thương trước bệnh béo phì.
- Trẻ em: Hậu quả béo phì ở trẻ em thường không đến ngay nhưng để lại hậu quả nặng nề cả về tâm lý lẫn thể lý. Ở lứa tuổi này, trẻ chưa có đủ khả năng tự nhận thức về bệnh. Vì thế, cha mẹ nên chủ động trong việc kiểm soát cân nặng cho trẻ.
Mong rằng khi đã hiểu rõ được tác hại của bệnh béo phì bạn sẽ có động lực điều chỉnh lại nhịp sống, dinh dưỡng để giữ cơ thể cân đối, khỏe mạnh. Tuy nhiên, bạn nên tránh ép cơ thể giảm cân nhanh mà hãy chọn lựa phương pháp phù hợp với bản thân. Tốt nhất hãy tìm đến bác sĩ, chuyên gia tư vấn để có chế độ dinh dưỡng và luyện tập phù hợp nhất.