Mẹ và Con - Tiểu đường thai kỳ hay đái tháo đường thai kỳ (gestational diabetes mellitus - GDM) là một căn bệnh khiến các mẹ bầu lo lắng bởi căn bệnh này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.

Vì thế, khi chuẩn bị mang thai hoặc đang trong thai kỳ, cần tìm hiểu về tiểu đường thai kỳ để có cách phòng tránh và điều trị phù hợp nhất. Cùng Tạp chí Mẹ và Con khám phá các thắc mắc về tiểu đường thai kỳ bạn nhé!

1. Tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường thai kỳ là một căn bệnh ở phụ nữ mang thai. Căn bệnh này sẽ xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu một cách hiệu quả. Theo các chuyên gia y tế, trong cơ thể phụ nữ mang thai sẽ có một loại hormone được sản xuất bởi nhau thai khiến bạn không thể hấp thụ insulin của chính mình, dẫn đến tiểu đường.

Ngày trước, các bác sĩ tin rằng bệnh tiểu đường thai kỳ chỉ ảnh hưởng đến 3-5% tổng số phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, các tiêu chí cho thấy, tỷ lệ phụ nữ mắc tình trạng đái tháo đường trong thai kỳ có thể lên đến 10%. Căn bệnh này có thể “tấn công” bất kỳ phụ nữ nào đang mang thai thay vì chỉ gặp phải ở những người bị tiểu đường trước khi mang thai như chúng ta vẫn nghĩ.

Thông thường, tiểu đường thai kỳ sẽ xuất hiện trong tam cá nguyệt thứ hai giữa tuần 24 và 28 và thường tự khỏi sau khi em bé được sinh ra.

Nếu bệnh tiểu đường thai kỳ được điều trị và kiểm soát trong suốt thai kỳ của bạn, “không có lý do gì bạn không thể sinh một đứa trẻ rất khỏe mạnh “, Patricia Devine – bác sĩ làm việc tại Thành phố New York chia sẻ. Ngược lại, nếu bệnh tiểu đường thai kỳ không được điều trị hoặc không được theo dõi cẩn thận, cả mẹ và bé đều có thể gặp những ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe mà bạn không thể xem thường được.

tiểu đường thai kỳ

2. Nguyên nhân nào gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ?

Hiện nay, vẫn chưa có bất kỳ thông tin chính xác nào kết luận vì sao chỉ một số phụ nữ mang thai mới mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, dựa trên các trường hợp mắc bệnh, các bác sĩ đưa ra giả thuyết rằng di truyền, các vấn đề môi trường (chẳng hạn như béo phì trước khi mang thai) và/hoặc các yếu tố liên quan đến hành vi, thói quen (chẳng hạn như chế độ ăn uống và thói quen tập thể dục) có thể góp phần làm tăng nguy cơ bệnh của bạn.

Cụ thể, một số trường hợp có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường khi mang thai cao hơn gồm có:

  • Béo phì
  • Có lượng đường trong máu cao
  • Tăng cân nhanh trong thai kỳ
  • Ít tập thể dục
  • Thường xuyên ăn nhiều thức ăn có đường
  • Lối sống và sinh hoạt chưa điều độ
  • Phụ nữ trên 30 tuổi
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường
  • Từng bị tiểu đường thai kỳ trong một lần mang thai trước đây
  • Từng sinh con nặng hơn 4,1kg hoặc từng gặp tình trạng thai chết lưu

3. Bạn có thể không cần dùng insulin

Không phải tất cả phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ đều cần bổ sung insulin. Trên thực tế, nhiều người có thể đạt được lượng đường trong máu bình thường khi bổ sung các hoạt động thể chất cũng như thay đổi chế độ ăn uống hằng ngày của mình. Nếu cần dùng insulin, thông thường các bác sĩ cũng chỉ kê một liều lượng rất nhỏ mà thôi.

tiểu đường

4. Tiểu đường thai kỳ sẽ không “tồn tại” mãi mãi

Hầu hết những trường hợp bị tiểu đường thai kỳ đều có thể khôi phục mức đường huyết như bình thường ngay sau khi sinh con. Tuy nhiên, khi bạn đã từng bị tiểu đường trong lúc mang thai, ở những lần mang thai sau, nguy cơ mắc lại căn bệnh này sẽ cao hơn đến 70%.

5. Các triệu chứng tiểu đường thai kỳ

Nhiều phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ hoặc không có triệu chứng hoặc chỉ xuất hiện các triệu chứng rất nhẹ, khó nhận biết. Một số triệu chứng có thể xảy ra bao gồm mệt mỏi, khát nước quá mức, mờ mắt, đi tiểu thường xuyên, sụt cân mặc dù thèm ăn, buồn nôn và nôn.

6. Tiểu đường thai kỳ không nhất thiết sẽ khiến bạn tăng cân

Bạn thường nghe nói, người bị tiểu đường sẽ tăng cân không kiểm soát? Điều này đúng, nhưng không phải với tất cả mọi người. Không phải ai bị tiểu đường thai kỳ cũng sẽ tăng cân. Nếu bạn thay đổi chế độ ăn uống, thường xuyên tập thể dục, bạn vẫn có thể tăng cân nhẹ nhàng thay vì tăng quá mức trong suốt thai kỳ của mình.

mang thai

7. Bạn sẽ không phải sinh mổ vì bị tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ không có nghĩa là sinh mổ. Mặc dù đúng là những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ có nhiều khả năng phải sinh mổ hơn những phụ nữ không mắc phải tình trạng này bởi biến chứng loạn vai xảy ra khi gặp khó khăn trong việc sinh em bé qua khung chậu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ đều phải sinh mổ nên bạn hoàn toàn có thể an tâm bạn nhé!

8. Cách theo dõi chỉ số tiểu đường thai kỳ

Tầm soát tiểu đường thai kỳ càng sớm càng có nhiều lợi ích, đặc biệt trong việc hạn chế bệnh diễn tiến xấu. Và hiện nay, khi mang thai, bạn hoàn toàn có thể chủ động theo dõi đường huyết ngay tại nhà của mình.

Bạn có thể sử dụng máy đo chỉ số tiểu đường thai kỳ tại nhà để có thể tự theo dõi các chỉ số này. Thông thường, tùy theo từng trường hợp mà mức chỉ số đường huyết có thể thay đổi nhẹ, tuy nhiên những thay đổi này không quá đáng kể. Và để có thể đo được chỉ số đúng nhất, bạn nên sử dụng máy đo chỉ số tiểu đường thau kỳ vào trước các bữa ăn, khi còn đói hoặc sau bữa ăn ít nhất 1-2 giờ. Ngoài ra, trước khi ngủ cũng là một thời điểm thích hợp để bạn đo lường chỉ số đường huyết,

Trong những ngày chỉ số đường huyết đang ở mức báo động, bạn nên chủ động đo lường mỗi ngày để theo dõi và kịp thời đến bệnh viện nếu xuất hiện các vấn đề bất thường. Khi chỉ số này đã bắt đầu ổn định, bạn có thể đo cách ngày và ghi lại các chỉ số để tiện theo dõi.

9. Các biến chứng nguy hiểm khi bị tiểu đường thai kỳ

Các biến chứng của bệnh tiẻu đường thai kỳ sẽ bao gồm tiền sản giật (một tình trạng huyết áp cao nghiêm trọng có thể gây tử vong), sinh non và sinh trẻ quá cân, thường phải mổ lấy thai,…

Biến chứng với thai phụ

Ảnh hưởng của đái tháo đường thai kỳ sẽ vô cùng nghiêm trọng đối với người mẹ. Cụ thể:

  • Có khả năng sinh non, sinh mổ cao do thân dưới của bé quá to
  • Nguy cơ chấn thương vùng lưng, gãy xương và trật khớp
  • Tỷ lệ tiền sản giật cao gấp 4 lần người bình thường
  • Dễ gặp tình trạng sẩy thai, thai chết lưu
  • Băng huyết sau sinh

biến chứng tiểu đường thai kỳ

Biến chứng với thai nhi

Không chỉ ảnh hưởng đến người mẹ, tiểu đường thai kỳ còn đe dọa sức khỏe của thai nhi:

  • Bị tụt canxi sau khi chào đời
  • Sinh ra dễ bị thừa cân, béo phì
  • Có nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp và các bệnh về đường huyết
  • Nguy cơ dị tật thai nhi

10. Cách phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ

Để phòng ngừa tiểu đường thai kỳ, bạn cần lưu ý 3 vấn đề sau đây:

  • Duy trì cân nặng chuẩn trước khi mang thai: Khi chuẩn bị mang thai, bạn nên cố gắng duy trì chỉ số cân nặng ở mức lý tưởng. Những người có chỉ số BMI trên 30 thường có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trong thai kỳ nhiều hơn gấp 3 lần so với người có BMI nhỏ hơn 25.
  • Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Sử djng thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo, chia nhỏ bữa ăn,… không chỉ giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ mà còn giúp bạn cảm thấy khỏe khoắn hơn, hạn chế mệt mỏi trong suốt thời gian mang thai.
  • Tăng cường vận động hợp lý: Các bài tập yoga hay đi bộ nhẹ nhàng có thể giúp bạn kiểm soát chỉ số đường huyết trong thai kỳ. Nếu không thể tập liên tục 30 phút, bạn có thể chia nhỏ ra tập 2-3 lần/ngày, mỗi lần 10 phút.

phòng ngừa tiểu đường thai kỳ

Ngày càng có nhiều người có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ. Vì thế, hãy duy trì thói quen ăn uống và lối sống lành mạnh để có thể phòng tránh căn bệnh nguy hiểm khi mang thai này bạn nhé! Thương chúc bạn mẹ tròn con vuông.

Bài viết liên quan