Mẹ&Con - Bạn nhìn con gầy đi, mắt lộ vẻ mệt mỏi, những cái ngáp dài cứ xuất hiện thường xuyên, kể cả trong giờ ăn sáng. Làm cách nào để đảm bảo sức khỏe cho bé yêu, giúp con theo kịp chương trình ở trường nhưng vẫn vui tươi, năng động? 2 cách nghĩ sai về chuyện học của trẻ 8 cách giúp bé sẵn sàng đón năm học mới Trẻ đuối vì học quá tải

Năm học mới bắt đầu mà bạn đã phải choáng váng với nhịp sinh hoạt mới của con. Lịch học ở trường dày đặc, cộng thêm những giờ học năng khiếu, học tiếng Anh, học thêm khiến cả hai mẹ con chạy “ná thở”. Bạn nhìn con gầy đi, mắt lộ vẻ mệt mỏi, những cái ngáp dài cứ xuất hiện thường xuyên, kể cả trong giờ ăn sáng. Làm cách nào để đảm bảo sức khỏe cho bé yêu, giúp con theo kịp chương trình ở trường nhưng vẫn vui tươi, năng động?

Đừng để con quá tải!

Đó là lời căn dặn đầu tiên và quan trọng nhất. Nhiều bậc phụ huynh quá kỳ vọng ở con, luôn muốn con nhất lớp, nhất trường nên không ngần ngại đăng ký cho trẻ số lượng giờ học thêm phải nói là nhiều khủng khiếp! Trung tâm sức khỏe tâm thần thành phố từng tiếp nhận không ít trường hợp trẻ chỉ mới bắt đầu năm học vài tháng đã có triệu chứng trầm cảm, stress nặng.

Kiểm tra lại thời khóa biểu hàng ngày của trẻ, đến phiên bác sĩ… choáng váng vì lịch học của một đứa trẻ mới 8-9 tuổi mà nặng như học sinh lớp 12 chuẩn bị thi Đại học!!! Sáng học chính quy trên lớp, trưa về nhà nghỉ ngơi được chừng 1 tiếng đồng hồ là sau đó lại phải “chạy sô” đi học bồi dưỡng. Kết thúc lớp học bồi dưỡng là đến giờ học tiếng Anh. Sau đó về nhà, trẻ lại phải tiếp tục thức để hoàn tất cho xong lượng bài vở trên lớp để sáng mai đi học tiếp!  

Đừng để trẻ trầm cảm, stress nặng trước thềm năm học mới 6

Với một lịch học thế này, trẻ đâm ra mệt mỏi, thường xuyên rơi vào trạng thái buồn ngủ, kết quả học tập ngày càng giảm sút đi. Thấy con học sút, thay vì tìm hiểu kỹ nguyên nhân, điều chỉnh lại nhịp sinh hoạt, thời khóa biểu cho con, phụ huynh lại lo lắng con không theo kịp chương trình trên lớp nên lại càng kèm cặp quyết liệt hơn. Trẻ có gia sư đến nhà hướng dẫn làm bài tập, trả bài thuộc lòng. Trẻ “được” cắt hết mọi giờ xem phim hoạt hình, đi chơi cuối tuần ở công viên, thay vào đó là những giờ học tăng cường với hi vọng theo kịp lại bạn bè trên lớp.

Đến lúc này, trẻ thật sự bị rơi vào cái vòng lẩn quẩn: Càng học càng đuối, càng đuối càng mặc cảm, càng mặc cảm càng giảm sút kết quả học tập. Bạn cần biết rằng trẻ quá tải với việc học sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần mà ảnh hưởng luôn đến cả sức khỏe thể chất bình thường nữa. Stress kéo dài, trẻ sẽ dễ xuất hiện các dấu hiệu “phản kháng” của cơ thể như đau đầu, đau bụng, luôn mệt mỏi, sụt cân, giấc ngủ không sâu, dễ mắc bệnh do sức đề kháng kém và cơ thể không được nghỉ ngơi đầy đủ.

Một số trường hợp, phụ huynh bảo rằng không hề ép con, nhưng con lại tự “ép” mình. Đó là những trẻ thường khá vượt trội ban đầu, thường nhận được những lời khen ngợi của cha mẹ, thầy cô nên không cho phép mình “thua cuộc” hay giảm sút kết quả học tập. Có phụ huynh tìm đến bác sĩ than: “Bác sĩ tìm cách nào khuyên cháu giùm. Mấy năm trước cháu toàn nhất lớp. Năm nay, mới mấy tháng đầu cháu đã liên tiếp thua một cô bé ở trường khác chuyển đến. Không chấp nhận chuyện này, cháu lao vào học ngày học đêm, bỏ hết cả thời gian nghỉ ngơi, chơi đùa. Tôi rất xót xa khi thấy con mới học cấp 1 mà đã tự để đồng hồ reng lúc 4 giờ rưỡi sáng để thức dậy học bài. Khổ cái là với tâm lý căng thẳng quá mức như thế, càng học kết quả của cháu càng sút đi. Tháng rồi cháu tụt xuống thứ tư trong lớp và về nhà khóc như mưa như gió…”.

5 cách tổ chức sinh hoạt cho con

Hãy áp dụng thử một số cách sau. Nó rất có ích cho việc cân bằng lại nhịp sinh hoạt của con bạn, giúp trẻ phát triển hoàn thiện về cả thể chất lẫn tinh thần, tránh được những áp lực nặng nề không đáng có khi bắt đầu năm học mới.

1. Đảm bảo giấc ngủ

Trẻ không thể đủ sức khỏe, không thể đủ sự minh mẫn để học tập nếu như giấc ngủ không được đảm bảo. Hãy tuân thủ một nguyên tắc bất di bất dịch rằng cho dù trong mùa thi hay khoảng thời gian rảnh rỗi thì giấc ngủ của trẻ vẫn phải được giữ nguyên, không “cắt xén”. Trẻ học cấp 1, cấp 2 cần ngủ đủ 8 tiếng/ngày, trong đó giấc ngủ buổi tối có thể từ 7 tiếng đến 7 tiếng rưỡi, giấc ngủ buổi trưa từ nửa tiếng đến 1 tiếng đồng hồ. Cũng cần nhớ rằng không được để trẻ thức quá khuya rồi hôm sau… ngủ bù, vì giấc ngủ tối rất quan trọng, nó đảm bảo cho toàn cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn. Tốt nhất là trẻ nên lên giường vào lúc 10 giờ tối và ngủ thẳng giấc đến khoảng 5 giờ 30 sáng. Buổi trưa, cũng cần tập cho trẻ thói quen chợp mắt chừng nửa tiếng. Giấc ngủ ngắn này có tác dụng giúp đầu óc trẻ tỉnh táo, sẵn sàng cho các hoạt động buổi chiều.

Đừng để trẻ trầm cảm, stress nặng trước thềm năm học mới 7

Đừng ép con học đến mức không có thời gian chơi. Vui chơi là một phần tuổi thơ của trẻ, là cách giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, hãy để trẻ phát triển một cách tự nhiên và cân bằng giữa việc chơi và học.

2. Đảm bảo bữa ăn

Thật tội nghiệp khi nhiều em bé mới học cấp 1 đã than với bác sĩ rằng con… không đủ thời gian ăn(!). Thực tế, điều này không hề nói quá. Nhiều lần chạy xe ngoài đường, người lớn không khỏi giật mình xót xa trước cảnh ông bố bà mẹ nào đấy chở con đến trường hoặc chở con đi “chạy sô” học thêm. Bé ngồi sau lưng cha mẹ, tranh thủ một tay lật quyển tập (chắc để tranh thủ ôn bài), tay kia cầm ổ bánh mì ăn lấy ăn cho khỏi đói!

Nguyên tắc đưa ra là: Con bạn không có được thời gian ăn thì đừng nói đến chuyện gì khác cả. Hãy điều chỉnh sao cho trên thời khóa biểu hàng ngày của trẻ, trẻ nhất thiết phải có tối thiểu 45 phút cho việc ăn và nghỉ ngơi sau các bữa ăn. Ví dụ nếu giờ học của trẻ bắt đầu lúc 7 giờ sáng thì trẻ có thể thức dậy lúc 5 giờ rưỡi, vệ sinh cơ thể, sau đó ăn sáng tại nhà, nghỉ ngơi một chút, sau đó mới đến trường. Bữa ăn của trẻ cần đầy đủ chất dinh dưỡng, chế biến chủ yếu tại nhà để đảm bảo hợp vệ sinh. Tuyệt đối không cho con ăn thức ăn nhanh kéo dài để tranh thủ cho kịp giờ “chạy sô” học thêm, rất ảnh hưởng sự phát triển thể chất của con.

Đừng để trẻ trầm cảm, stress nặng trước thềm năm học mới 8

3. Đảm bảo vận động thể chất 

Vận động thể chất nôm na là tập thể dục, chạy nhảy chơi đùa ở ngoài trời. Trẻ đang tuổi lớn, những hoạt động thể chất này bắt buộc phải có. Ngoài ra, đừng quên rằng chỉ khi được chơi đùa như thế, trẻ mới thật sự sống đúng với tuổi thơ của mình, giải tỏa được áp lực và cảm thấy hạnh phúc.

Bạn cần sắp xếp sao cho trên thời khóa biểu hàng ngày của con, trẻ cần có tối thiểu 1 tiếng đồng hồ dành cho các hoạt động này. Nếu nhà xa, trẻ phải dậy sớm đi học không kịp có thời gian tập thể dục buổi sáng thì có thể cho con vận động vào buổi chiều. Đơn giản nhất là cho trẻ chạy xe đạp, chơi các trò chơi trong công viên, đi bộ trong công viên cùng ba mẹ. Nếu có điều kiện hơn, có thể cho con học bơi, học cầu lông, bóng rổ hay bất kỳ một môn thể thao nào trẻ thích.

4. Đảm bảo giờ sinh hoạt gia đình

Hãy đưa ra một quy định trong gia đình và yêu cầu các thành viên tuân thủ. Trẻ không thể viện lý do con bận học để tránh những giờ sinh hoạt chung này được. Giờ sinh hoạt chung có thể là giờ cơm tối của gia đình, giờ cùng xem tivi, hoặc giờ cả nhà cùng dọn dẹp, tổng vệ sinh nhà cửa cuối tuần…

Nhiều phụ huynh xót con học “cực” quá, không có cả giờ nghỉ nên bỏ hết luôn các giờ sinh hoạt chung này. Kết quả là trẻ càng ngày càng xa cách bố mẹ, không chia sẻ được những chuyện vui chuyện buồn, phụ huynh cũng không có cơ hội nắm bắt được những suy nghĩ của con để kịp thời điều chỉnh. Hãy biết rằng giờ sinh hoạt chung của gia đình thấy vậy mà cực kỳ quan trọng. Nó như sự kết nối giữa các thành viên, như một nền tảng quan trọng để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần.

Đừng để trẻ trầm cảm, stress nặng trước thềm năm học mới 9

5. Giảm bớt giờ học thêm

Để bé thật sự cảm thấy thích thú, thoải mái và háo hức với việc học, bạn cần gia giảm sao cho giờ học thêm ít đến mức tối đa. Ở độ tuổi cấp 1, việc học thêm hoàn toàn chưa cần thiết. Trẻ chỉ cần học chính khóa trên trường là đủ. Nếu không theo kịp chương trình, trẻ cũng chỉ nên có tối đa thêm 3 buổi học thêm / tuần, mỗi buổi không quá 2 tiếng đồng hồ. Với thời khóa biểu giãn ra như thế này, trẻ sẽ có nhiều thời gian hơn để học và tìm hiểu cặn kẽ các bài học, bài tập thầy cô cho về nhà, để kiến thức ngấm sâu vào.

Đừng tưởng học thêm nhiều con sẽ giỏi. Thực tế, nhiều trẻ đến lớp học thêm từ đầu giờ đến cuối giờ chỉ mải miết… chép bài giải mẫu của cô vào vở như cái máy, không kịp hiểu và không tiếp thu gì thêm được vì đã quá mệt. Về đến nhà, trẻ lại có quá ít thời gian chuẩn bị cho buổi học ngày hôm sau nên kết quả học tập càng giảm sút hơn. Với chuyện học tiếng Anh trước tuổi, bạn chỉ nên sắp xếp giờ học nếu thấy con đủ khỏe và thích thú, thoải mái với những giờ học này. Trong trường hợp trẻ căng thẳng quá, có thể tạm ngưng. Đừng quên rằng con bạn còn rất nhỏ và trẻ còn có cả khoảng thời gian rất dài phía trước để học hết những gì trẻ thích.

Tags:

Bài viết liên quan