Mẹ&Con - Ngày nay, hình ảnh những đứa trẻ chưa đầy 2 tuổi đã có thể sử dụng thành thạo điện thoại, máy tính không còn là chuyện quá xa lạ. Thế nhưng thay vì điều khiển công nghệ, trẻ em và ngay cả người lớn ngày càng lệ thuộc quá nhiều vào nó. Bố mẹ lơ là, con nghiện game khiến bác sĩ cũng... chịu thua Người bố Nhật dạy con chơi game thay vì học Tác hại của việc để trẻ sớm xài đồ công nghệ

Viện Nghiên cứu Y khoa trẻ em Mỹ và Hội Y khoa Canada, khuyến cáo không nên cho trẻ từ 0 đến 2 tuổi tiếp xúc với các thiết bị điện tử dưới mọi hình thức. Riêng với trẻ từ 3-5 tuổi chỉ nên hạn chế 1 tiếng/ngày và từ 6-18 tuổi thời gian tiếp xúc nên giới hạn khoảng 2 tiếng mỗi ngày. Nhưng trên thực tế, theo báo cáo của Kaiser Foundation trong năm 2010 và Active Healthy Kids Canada trong năm 2012, giới trẻ hiện nay đang dành quá nhiều thời gian để tiếp xúc với các thiết bị điện tử, có thể gấp 4-5 lần so với thời gian quy định.

Đừng để thiết bị điện tử "cướp" mất đôi mắt bé yêu 8

Hình ảnh quen thuộc có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu – Ảnh minh họa

Làm thế nào để giúp con tránh xa các thiết bị công nghệ, khi chính người lớn cũng đang mải miết “bơi” trong các trò chơi online, ứng dụng mạng xã hội…? Không quá khó để bắt gặp các gia đình vào những ngày cuối tuần đi ăn, uống cà phê, gặp gỡ bạn bè… thay vì tìm những thú vui để cả gia đình giải trí, bố mẹ chỉ mải “dán mắt” vào chiếc điện thoại thông minh, chơi game, lướt web, chát chít… Để rảnh tay họ cũng không ngại “ném” cho con chiếc iPad để con thỏa sức “bơi” với các trò chơi công nghệ.

Một cuộc khảo sát gần đây được Mẹ&Con thực hiện trên 100 người, kết quả cho thấy: “90% các bậc phụ huynh cho con tiếp xúc với thiết bị điện tử trước 2 tuổi”. Khi được hỏi tại sao lại cho con tiếp xúc với thiết bị điện tử thông minh sớm như vậy? Đa phần họ đều viện lý do là: “Vì muốn dỗ dành con, cho con ăn, cho con bớt chạy nhảy linh tinh…” Dù biết điều này là không tốt, thế nhưng đa số các ông bố bà mẹ đều không còn sự lựa chọn nào khác ngoài điện thoại, máy tính – những thiết bị hỗ trợ trông trẻ nhỏ gọn, nhanh chóng, thuận tiện.

 Chị Yến Phạm, 24 tuổi chia sẻ: “Con trai mình 2 tuổi, vì cháu khó ngủ nên buổi tối mình thường cho cháu xem phim hoạt hình, mục đích là để cháu đỡ quấy mẹ và đi ngủ nhanh hơn”.

Còn chị Mỹ Lệ, 27 tuổi có con đang trong độ tuổi mầm non thẳng thắn thừa nhận: “Mình thấy cuộc sống bây giờ mọi người lệ thuộc quá nhiều vào điện thoại và các thiết bị điện tử thông minh. Thậm chí ngay cả trong những buổi họp mặt gia đình hiếm hoi, theo quan sát mình đều thấy người thân “dán mắt” vào điện thoại nhiều hơn là dùng miệng trò chuyện với nhau”.

Khi được hỏi về cách nuôi dạy con trong thời kỳ “bão hòa” thiết bị công nghệ, chị Lệ chia sẻ: “Sống trong thời đại các thiết bị điện tử phổ biến như hiện nay, mình không thể cấm con gái sử dụng máy tính bảng hay điện thoại được. Cả mình và ông xã đều thấu hiểu mặt lợi và hại của nó nên chỉ giới hạn con được chơi tối đa khoảng 1 tiếng/ngày thôi”.

Đừng để thiết bị điện tử "cướp" mất đôi mắt bé yêu 9

Chị Mỹ Lệ và con gái

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Công nghệ Texas (Mỹ), cho thấy: “Những đứa trẻ được phụ huynh cho phép sử dụng smartphone và máy tính bảng trong phòng ngủ có nguy cơ mắc béo phì cao hơn 30% so với những đứa trẻ khác. Khi mắc béo phì, nhiều vấn đề khác về sức khỏe sẽ nảy sinh như tiểu đường, đau tim và thậm chí là đột quỵ”.

Nhiều chuyên gia nhận định: “Trẻ em trong thế kỷ 21 sẽ là thế hệ đầu tiên có tuổi thọ thấp hơn cha mẹ mình do mắc chứng béo phì và sử dụng các thiết bị công nghệ cao”.

Bạn có biết Steve Jobs? Đồng sáng lập viên, chủ tịch và cựu tổng giám đốc điều hành của hãng Apple nổi tiếng. Nhắc đến Steve Jobs, nhiều người nghĩ rằng trong nhà “cha đẻ” Apple có rất nhiều các thiết bị công nghệ hiện đại như điện thoại iPhone, iPad và các con ông sẽ là những người “sành” công nghệ, thoải mái sử dụng chúng. Nhưng không nhé, trong một cuộc phỏng vấn mới đây khi được hỏi “Có lẽ các con ông rất say mê iPad?” Câu trả lời mà phóng viên nhận được từ Steve Jobs lại là: “Chúng không dùng iPad, ở nhà tôi thời gian sử dụng iPad bị kiểm soát”.

Steve Jobs cấm 3 người con sử dụng iPhone, iPad vào ban đêm, cuối tuần và đây là “mệnh lệnh” mà các con ông phải tuyệt đối tuân thủ. Hơn ai hết, “cha đẻ” của các thiết bị công nghệ cao cấp hiểu rằng, việc cho trẻ em tiếp xúc với điện thoại nhiều sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực cả về thể chất lẫn tinh thần.

Đừng để thiết bị điện tử "cướp" mất đôi mắt bé yêu 10

Không chỉ trẻ em, rất nhiều người lớn còn lún sâu vào vũng bùn này – Ảnh minh họa

Mẹ biết không?

Việc tiếp xúc các thiết bị công nghệ quá sớm và quá thường xuyên là nguyên nhân chính khiến trẻ bị hạn chế phát triển về nhiều mặt. Một đứa trẻ 3 tuổi có thể thành thạo sử dụng điện thoại không có nghĩa là chúng thông minh, nắm bắt được thế giới tốt hơn. Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ hiện nay, những kĩ năng IT mà trẻ học được dưới 7 tuổi cũng sẽ không còn tác dụng khi chúng bước vào độ tuổi vị thành niên. Vậy, điều gì mới là tốt cho sự phát triển lâu dài của trẻ? Câu trả lời đó chính là sự trải nghiệm cuộc sống, sự sáng tạo, sự bền bỉ trong tinh thần và kĩ năng xã hội nhạy bén…

Theo báo cáo của Hội đồng Khoa học và Y tế công cộng AMA (Mỹ): “Trẻ bắt đầu chơi game ở độ tuổi càng nhỏ cảng dễ mắc chứng bệnh nghiện game”.

Nghiện game có thể gây ra các tác hại như: Rối loạn tâm thần, trầm cảm, tự kỉ… Ở Việt Nam, trong những năm gần đây đã xảy ra rất nhiều các vụ án mạng mà nguyên nhân chỉ vì… thiếu tiền chơi game”.

Chị Thu Hà, 30 tuổi – một bà mẹ vô cùng nghiêm khắc với con cái chia sẻ quan điểm: “Ngày bằng tuổi con, mình và đám bạn cùng trang lứa thường chơi thả diều, bịt mắt bắt dê, búng thun… Trẻ con bây giờ phần lớn bé nào cũng được trang bị máy tính bảng hoặc “xài ké” điện thoại của cha mẹ. Là phụ huynh nhưng nhiều người quá vô tâm, không hề nghĩ tới tác hại của chúng.
Bản thân là một người mẹ, mình luôn mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con và muốn con hoạt bát thay vì thụ động. Nên chỉ cho con tiếp xúc khi có sự đồng ý của ba mẹ và trong giới hạn nhất định.

Mình muốn tuổi thơ con đọng lại là ký ức êm đềm giữa thiên nhiên, vui chơi cùng bạn bè, chuyện trò cùng ông bà, cha mẹ. Trẻ con phải được chạy nhảy để có sức khỏe tốt thay vì ngồi im một chỗ, “dán mắt” vào điện thoại, máy tính và nên thường xuyên vui đùa, trò chuyện với ba mẹ để gắn kết tình cảm gia đình”.

Đừng để thiết bị điện tử "cướp" mất đôi mắt bé yêu 11

Chị Hà là một bà mẹ vô cùng nghiêm khắc nhưng cũng rất tâm lý

Có thể nói thiết bị công nghệ không xấu, lợi hay hại phụ thuộc vào người sử dụng. Nếu biết khai thác những mặt tích cực như: Ứng dụng dạy tiếng anh, nghe nhạc, giải toán… lợi ích mang lại cho con cái bạn là rất lớn nhưng đáng tiếc thay, phần lớn cha mẹ thời hiện đại lại đi ngược với điều này. Những thế hệ tương lai của đất nước, rồi họ sẽ ra sao khi càng ngày càng bị lệ thuộc vào công nghệ số và các thiết bị điện tử thông minh?

Xung quanh chủ đề này, Thạc sĩ – Bác sĩ Lan Hải có đôi lời chia sẻ cũng các bậc phụ huynh.

Đừng để thiết bị điện tử "cướp" mất đôi mắt bé yêu 12

Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Lan Hải

Thưa Thạc sĩ – Bác sĩ Lan Hải, nhìn nhận ở góc độ tâm lí, các thiết bị điện tử thông minh chi phối cảm xúc và tâm lý của trẻ em như thế nào?

Khá nhiều bậc cha mẹ đang coi điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng như người trông trẻ mới. Vì ngại phải chơi với con, muốn con ngồi yên một chỗ hoặc dỗ con nín, cha mẹ đã dùng smartphone làm đồ chơi cho con. Qua các cảm biến cảm ứng, nhiều bé nói chưa sõi đã biết xem phim hoặc chơi game trước cả tập đánh vần và tập viết. Trên thực tế, máy tính bảng có ưu điểm gọn hơn, nhạy hơn máy vi tính thông thường nhưng cách tác động đến trẻ vẫn thế, dùng liên tục sẽ hại sức khỏe.

Tiến sĩ Dimitri Christakis – BV Nhi Seattle cho rằng các trò chơi tương tác trên máy tính bảng có thể có giá trị giáo dục cho trẻ nhưng hầu hết các bé mê coi video hơn, do đó nó giống một chiếc TV di động. Theo các chuyên gia tâm lý nhi đồng, trẻ thường xuyên chơi smartphone dễ trầm cảm, rối loạn phản ứng gắn bó, thiếu tập trung, có vấn đề về hành vi (thuật ngữ chuyên môn gọi là tình trạng bị bạo lực internet – cyberbulled). Khi đã “nghiện”, đứa trẻ trở nên hay mè nheo, bướng bỉnh, khó bảo. Nếu không được chơi sẽ bỏ ăn, quấy khóc và đập phá đồ đạc. Mặt khác, ánh sáng phát ra từ màn hình ức chế hormone gây buồn ngủ, làm thay đổi chu kỳ ngủ – thức tự nhiên của cơ thể khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ và lại càng cau có.

Video và games online hạn chế những cảm nhận và trí tưởng tượng non nớt của trẻ, làm chậm phát triển giác quan vận động và thị giác, làm sao lãng sự chú ý, có hại cho khả năng học hỏi của trẻ. Khi chơi điện thoại, bé lạc vào thế giới của nó, không muốn giao tiếp hay trò chuyện với ai, trở nên vô tâm, mất hứng thú với mọi thứ xung quanh mà chỉ “chúi mũi, dán mắt vào màn hình”. Lâu dần, cảm xúc ù lì, các kỹ năng trò chuyện, giao tiếp bị hạn chế.

Qua đây, Thạc sĩ có lời khuyên nào dành cho các bậc phụ huynh cách để nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ trong thời đại bùng nổ công nghệ số hiện nay?

Ai đó đã nói rằng để dạy một đứa trẻ cần cả ngôi làng, các bậc phụ huynh hãy ngồi xuống cùng chơi với con và dũng cảm mời “người thứ ba” (ngoài gia đình và trường học) dạy dỗ con mình. Dành thời giờ cho trẻ hoạt động ngoài trời, tương tác với bạn bè, vật nuôi. Tạo cơ hội cho con dùng kinh nghiệm của người khác, cho con làm theo ý riêng và được phép hỏng để con có cơ hội tư trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Giúp bé trở nên bận rộn bằng cách hằng ngày góp một tay vào việc nhà. Đầu tư cho kho đồ chơi của bé, vì đây chính là “dụng cụ học tập” của trẻ. Tạo môi trường giàu ngôn ngữ bằng cách đọc truyện, kể chuyện, đọc thơ cho trẻ nghe, mỗi ngày lại hỏi thêm từ mới để bé tích lũy được vốn từ nhiều hơn. Hạn chế cho trẻ dùng các thiết bị điện tử thông minh, thay vào đó mỗi ngày tranh thủ nói chuyện với con càng nhiều càng tốt, bởi nghe liên tục “tiếng máy”, trẻ sẽ bớt phản ứng nhanh nhạy với “tiếng người”.

Trẻ chỉ tự tin khi biết mình làm đúng, mình được yêu thương và được tôn trọng. Cha mẹ cần đem đến những cảm xúc thực từ cuộc sống, dạy trẻ biết đương đầu và vượt qua nỗi khó khăn sợ hãi, biết phân biệt đúng sai, bồi đắp lòng trắc ẩn, trách nhiệm, lòng biết ơn và sự tha thứ.

Tags:

Bài viết liên quan