Mẹ&Con - Cổng trường THCS một buổi sáng thứ Hai. Giữa những phụ huynh và các cô bé, cậu bé đang vội vội vàng vàng chuẩn bị cho tiết sinh hoạt dưới cờ, chợt “chói tai” vì tiếng quát của một phụ huynh. “Đi học có mấy cuốn tập mà cũng để quên. Không biết trong đầu mày có thứ gì. Con gái con đứa, mười bốn mười lăm tuổi rồi chứ ít hả? Bằng tuổi mày ngày xưa người ta… có chồng(!) được rồi đó. Vô tích sự như mày có nước đi… hốt rác!”. 3 cách nghĩ sai trong việc dạy con Hà Kiều Anh: Dạy con trân trọng lao động 5 điều không nên làm trong cách nuôi dạy con

Con mình, mình có quyền chửi!

Đáp lại những lời nặng nề của mẹ, cô bé trạc mười bốn tuổi mím chặt môi, xốc cặp lên nhìn mẹ với ánh mắt đầy phản kháng: “Con quên mất cuốn tập thì nói là quên. Con có nhờ mẹ phải chở con về lấy đâu mà mẹ làm dữ vậy!”. Liền sau đó là những bước chân ngúng nguẩy bỏ đi ngay vào trường.

Dường như bất ngờ với những phản ứng của con, người mẹ quay sang ngay một chị bạn – cũng là phụ huynh chở con đi học đứng kề bên, tuôn ra một tràng kể lể. “Càng lớn nó càng cứng đầu vậy đó. Hồi nào giờ mình la mắng, đánh đòn gì thì không sao. Giờ nó tới tuổi bướng bỉnh rồi, nói câu nào là trả treo câu đó…!”. Chị không biết rằng, khi trẻ bước vào độ tuổi dậy thì, việc khẳng định mình trở nên rất mạnh mẽ. Và lúc ấy, bất kỳ lời nói thô bạo nào kiểu “con mình, mình có quyền… chửi” sẽ làm tổn thương sâu sắc đến trẻ, khiến trẻ mất tự tin vào bản thân và ngày càng xa hơn với mối quan hệ giữa bố mẹ và con. 

do-vo-tich-su

Không như người mẹ trong câu chuyện ở trên, chị Phạm Hương, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu lớn ở TP.HCM lại là một người mẹ rất tâm lý. Cũng chính vì rất tâm lý với con, nên chị nhận ra và lo lắng tìm đến với chuyên viên tâm lý từ rất sớm. “Cháu nó 14 tuổi. Cái tuổi lớn rồi và rất dễ tự ái, tổn thương. Thế mà ông xã mình thì vẫn giữ nguyên kiểu nói năng nặng lời với con, mắng chửi và trút lên con rất nhiều câu xỉ vả mỗi khi nó làm hỏng thứ gì đó. Nhờ ảnh dạy kèm cho thằng bé, mới được chưa đầy nửa tiếng đã nghe quát: Đầu mày chứa cái thứ gì trong đó mà ngu dữ vậy! Thằng bé vì thế ngày càng trở nên lầm lì, xa cách bố. Mấy lần tôi nói chuyện với con, cháu còn dám gọi bố bằng “ổng” chứ không gọi bằng bố như trước nữa. Tôi thật không biết làm sao!”.

Xa cách với cha mẹ khi bị la mắng thô bạo đã đành, quan trọng hơn, trẻ có thể bị biến chuyển tính cách chính từ những lời mắng chửi đó. Chị Uyên, kế toán một công ty xây dựng bức xúc: “Hồi bé, con gái tôi học khá tốt. Cháu hơi chậm so với trẻ cùng tuổi, nhưng cực kỳ cố gắng. Nhưng gia đình bên chồng tôi vốn sống bằng nghề… bán thịt. Cách ăn nói bỗ bã quen rồi. Mỗi lần cháu làm hỏng cái gì, bà nội và ba cháu cứ mắng nhiếc là sao mày ngu thế, bảo cháu học hành như mày hay làm việc như mày thì chỉ có nước đi hốt rác, đi bán vé số thôi. Tôi để ý, càng lớn con bé càng trở nên lầm lì, học hành sút kém đi. Có lần, tôi bảo cháu phải cố học thì cháu trả lời: Con chỉ là đứa hốt rác, học làm gì cho mệt!”.

 Tức nước vỡ bờ

Chuyện một nhóm em gái đang học lớp 7, lớp 8 rủ nhau đi… tự tử tập thể từng gây chấn động dư luận xã hội và từng làm đứt ruột nhiều phụ huynh khi đọc lá thư tuyệt mệnh các em viết lại cho gia đình.

Nhiều phụ huynh, đến lúc ấy mới ngơ ngác tự hỏi rằng: “Thì con cái trong nhà, ba mẹ có chửi mắng một tiếng cũng có sao đâu. Tôi cũng chỉ bảo nó ngu quá hay bảo cho nó biết để lần sau nó làm tốt hơn thôi mà!”. Quả thật, với nhiều phụ huynh, chuyện quát mắng con một chút là chuyện… quá thường tình. Nhiều khi đi làm về cả ngày mệt mỏi, sẵn bao nhiêu bực tức trong người, đúng lúc đó thì trẻ dọn cơm và lỡ tay làm vỡ một cái chén. Chừng đó cũng đủ trở thành nguyên nhân cho bao nhiêu lời hằn học được phát ra.

do-vo-tich-su

Khi phải tiếp nhận những lời lẽ thô bạo kiểu như trên, những đứa trẻ sẽ nghĩ gì, phản ứng ra sao? Một chuyên viên tâm lý cho biết: Thường xuyên hàng tháng, chị nhận được một số lượng rất nhiều những cuộc gọi hoặc những lá thư, kể rằng cháu rất căm ghét bố mẹ, cháu chỉ muốn mau lớn để thoát khỏi gia đình thôi. Một phản ứng kiểu khác là trẻ cảm thấy mất tự tin, cảm thấy mình là một đứa chẳng ra gì và không ngần ngại kết bạn với những nhóm trẻ quậy phá khác. Các cháu cho rằng: “Tụi cháu có ra cái gì đâu. Bố mẹ cháu bảo cháu chỉ có nước đi bán vé số thôi. Cháu thấy đám bạn của cháu vậy mà còn thương cháu hơn. Bọn nó không coi thường cháu…”.

Cũng theo các chuyên viên tâm lý, cách phản ứng tùy thuộc vào tính cách của từng đứa trẻ. Những trẻ hiền lành thì có xu hướng thu mình lại, trở nên lầm lì, không bộc lộ bản thân hoặc tự ti. Những trẻ hiếu động thì có thể trút giận lên những đồ vật hoặc mọi người xung quanh như đá vào thùng rác, vào bàn ghế hoặc đánh em, đánh bạn, chưa kể còn có em thậm chí còn bỏ nhà đi bụi.

Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, những lời lẽ thô bạo có ảnh hưởng rất xấu tới trẻ. Nó không những làm tổn thương tới trẻ, gây cho trẻ một tâm lý sợ sệt, một cảm giác thiếu an toàn dẫn đến tự ti trong giao tiếp mà đôi khi còn ngấm sâu vào vô thức và ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ lúc trưởng thành.

Tất nhiên, không tránh khỏi những lúc bạn nổi giận hoặc vì thói quen, vì cách nói chuyện hàng ngày mà có thể tuôn ra những lời mắng mỏ kiểu: “Sao mày ngu thế!”, “Đồ vô tích sự, sai có một chút chuyện cũng làm không xong…”. Nhưng hãy cẩn thận! Hãy biết rằng, mỗi lời nói của bạn có đủ sức mạnh để con bạn trở thành một đứa trẻ ngang ngược hay ngoan ngoãn, lạnh lùng hay tình cảm, thành đạt hay co mình lại trong nỗi sợ hãi suốt cả đời… 

Tags:

Bài viết liên quan