Mẹ&Con - Nhiều bậc phụ huynh không hề nghĩ điều này là quan trọng. “Ôi, nó yêu hay ghét thú vật cũng chỉ là chuyện bình thường mà. Con vật chỉ là con vật thôi!”

Suy nghĩ như thế thật ra hoàn toàn không đúng! Dạy con yêu thương thú vật, nhất là những thú nuôi ở quanh mình chính là bước đầu tiên, rất quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của bé. Bé học được sự nhẫn nại, tính bao dung, lòng nhân hậu, v.v.. Tất cả đều bắt nguồn từ tình yêu dành cho thú nuôi ấy!

Chi mà phải phức tạp vậy?

 

Dạy trẻ yêu động vật 4

(Ảnh minh hoạ)

Bạn cho rằng chỉ cần dạy trẻ biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, biết giúp đỡ người già, người tàn tật, nghèo khổ là được rồi! Nhưng… bạn quên mất rằng có một câu nói rất nổi tiếng như thế này: “Một người tốt với người chưa chắc đã tốt với thú vật.

Nhưng một người biết yêu thương con vật từ nhỏ thì rất khó có thể trở thành kẻ sát hại đồng loại”. Tình yêu thương con vật được xem như một thứ nguồn cội sâu thẳm để tiến đến những tình cảm cao hơn.

Một đứa trẻ có thể thản nhiên nhìn người lớn chém lợn, giết chóc thú vật, có thể chơi ác với thú vật như bẻ chân, bẻ cánh, vặt giò, v.v. thì đứa trẻ ấy rất đáng lo ngại về nhân cách. Vì từ cái ác nhỏ đó, nếu không được điều chỉnh, uốn nắn, trẻ sẽ tiến đến cái ác lớn chẳng mấy xa!

Các mẹ có biết rằng tình yêu thương thú vật còn mang đến rất nhiều lợi ích thiết thực cho trẻ, ví dụ như sẽ giúp trẻ giảm được căng thẳng rất nhiều. Một đứa trẻ được hòa mình vào thiên nhiên, được sống cùng muông thú, được có những thú nuôi sẽ rất ít khi gặp những vấn đề trục trặc về tâm lý như trầm cảm, stress, tự kỷ, v.v..

Có một “bạn” thú nuôi để chăm sóc, trẻ sẽ dễ dàng giải tỏa cùng “bạn” những niềm vui, nỗi buồn, những ức chế mà cha mẹ có khi vì quá bận rộn không kịp nhìn ra, không kịp hiểu hết.

Trẻ có “người bạn” thú nuôi để chia sẻ tình cảm sẽ rất hiếm khi nào có cảm giác cô đơn. Một lợi ích thiết thực khác là chính quá trình chăm sóc thú nuôi này sẽ giúp bé rèn luyện được rất nhiều kỹ năng quan trọng, ví dụ như tinh thần trách nhiệm (phải cho thú nuôi ăn, phải chịu trách nhiệm về sự sống của thú nuôi, phải “bảo vệ” thú nuôi), sự kiên trì, nhẫn nại (huấn luyện cho thú nuôi chẳng hạn), tính kỷ luật (giờ nào đưa cún đi dạo), v.v..

Cao hơn, trẻ sẽ học được cả những bài học vô giá mà không sách vở nào dạy được, như tình yêu thương của trẻ dành cho con vật sẽ được đáp lại bằng tình yêu thương, là cảm giác hạnh phúc khi ngắm nhìn thú nuôi của mình đẻ con, là khả năng tạo dựng một “tình bạn” và những cách thức để nâng niu, gìn giữ tình bạn ấy, v.v..

Dạy bé có khó không?

Câu trả lời là không! Bạn có thể bắt đầu bằng những cách thật tự nhiên như cho con nhìn thấy con vật mừng rỡ, bày tỏ tình cảm với bé ra sao. Khi bé nhìn thấy con cún vẫy đuôi, cũng là lúc trong lòng bé rộn ràng niềm vui theo. Khi bé đủ lớn, bạn có thể giao hẳn nhiệm vụ chăm sóc thú nuôi cho con. Bé sẽ rất sung sướng và cảm thấy mình thật quan trọng khi đón nhận “trọng trách” này.

Ngay cả khi nếu nhà bạn quá chật, không có điều kiện để có thể nuôi một thú nuôi trong nhà, thì bạn vẫn có thể hình thành cho bé tình yêu thương thú vật (bạn có thể tham khảo những hướng dẫn trong phần kế tiếp của chuyên đề này).

Đừng quên rằng các loài vật đang tồn tại quanh bạn, chẳng qua là bạn có dành thời gian để hướng dẫn cho bé quan sát, khơi gợi tình yêu trong lòng bé hay không thôi. Đơn giản như khi con muốn giết một đàn kiến chẳng hề làm gì bé ở trước hiên nhà, bạn có thể ngăn bé lại, giải thích với bé một cách thật tình cảm là: “Đàn kiến đang ráng mang thức ăn về tổ để nuôi con, con đừng giết nó tội nghiệp. Kiến con ở nhà sẽ nhớ mẹ lắm! Nếu con thấy khó chịu vì đàn kiến tụ tập thì chỉ cần gọi mẹ quét hoặc xua chúng đi thôi!”.

Dạy trẻ yêu động vật 5

(Ảnh minh hoạ)

Một việc quan trọng nữa là bạn tuyệt đối không nên cho con xem hay tham dự những lễ hội hoặc chương trình, hoạt động mang tính bạo lực, có liên quan đến việc giết chóc thú vật, ví dụ như lễ hội chém lợn mà rất nhiều người đã lên tiếng phản đối thời gian qua.

Vào quán ăn, hạn chế tối đa việc để trẻ thấy người lớn chỉ trỏ chọn con vật còn sống, ví dụ như rắn, bắt ra “làm thịt” ngay trước mặt rồi bày trò… uống tiết canh, uống máu tươi, trước khi cho nhà bếp mang vào chế biến.

Khi trẻ nhìn thấy những điều không hay về việc giết chóc thú vật trên báo, trên tivi hay internet, trẻ sẽ hỏi bạn. Lúc đó bạn cũng đừng thờ ơ bỏ qua mà tùy theo độ tuổi của trẻ, nên chia sẻ cùng trẻ những suy nghĩ của bạn, định hướng cho con biết thế nào là đúng, thế nào là sai, tại sao không nên đối xử tàn ác với con vật, rằng con vật cũng cần được yêu thương, che chở như thế nào, v.v.. 

Có thú nuôi, trẻ đối diện với thất bại dễ dàng hơn!

Bạn không thể bảo bọc con mãi trong vòng tay mình được. Rồi sẽ đến lúc trẻ phải đối mặt với những “thất bại” đầu đời: làm một bài kiểm tra không tốt, bị điểm thấp, không đạt thứ hạng như mong muốn trong một cuộc thi văn nghệ, v.v..

Những lúc ấy, một số trẻ sẽ dễ dàng thổ lộ cùng cha mẹ, nhưng cũng có một số trẻ thích thu mình lại, cảm thấy xấu hổ và mặc cảm khi đối diện với bạn bè, người thân.

Trường hợp này, sẽ thật tốt nếu trẻ có một vật nuôi bên mình. Vật nuôi khiến trẻ cảm thấy mình bớt cô đơn, thấy mình có “đồng minh”, có thể chia sẻ hết mọi cảm xúc, buồn phiền… Cách làm đó khiến trẻ mau chóng bình tĩnh, nhẹ nhõm và vượt qua được thất bại một cách thật dễ dàng.

Tags:

Bài viết liên quan