Những cảm xúc tức giận hay phấn khích đều là những phản ứng tự nhiên của con người trước một sự kiện, một sự việc hay một nhân vật nào đó. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể bộc lộ toàn bộ cảm xúc của mình. Việc học cách kiềm chế đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, các mối quan hệ và cuộc sống của chúng ta.
Để kiềm chế cảm xúc chưa bao giờ là điều dễ dàng và việc dạy trẻ cách để kiềm chế những cảm xúc của mình lại còn khó khăn hơn. Vậy lúc này, bố mẹ cần làm gì?
Vì sao nên dạy trẻ cách kiềm chế cảm xúc?
Tốt cho sức khỏe
Việc hạn chế những cảm xúc tiêu cực như tức giận hay khó chịu có thể giúp các chức năng sinh lý, hệ miễn dịch và các chất truyền dẫn thần kinh (neurotransmitters) hoạt động tốt hơn. Bên cạnhh đó, những suy nghĩ tích cực còn giúp tạo ra hormone endorphin có tác dụng giảm đau hay serotonin có tác dụng tăng khả năng nhận thức và dopamine có tác dụng giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn.
Dễ dàng đạt được mục tiêu hơn
Việc kiềm chế cảm xúc đóng vai trò rất quan trọng để bạn hoàn thành các mục tiêu của mình. Khi bạn quá phấn khích, bạn thường dễ nhìn cuộc sống một cách màu hồng và không có sự chuẩn bị trước cho những khó khăn sắp phải trải qua. Ngược lại, việc mang tâm trạng buồn bực, bi quan sẽ giúp bạn mất đi động lực để cố gắng, hoàn thành những mục tiêu phía trước.
Vì thế, cần phải học cách cân bằng và cảm xúc của mình để có những hành động đúng đắn hướng đến mục tiêu đặt ra, không đi chệch hướng, có sự chuẩn bị rõ ràng và cẩn thận cho những điều sắp đến và cũng có động lực, niềm tin với chính mục tiêu của mình.
Cảm xúc tích cực mang đến năng lượng tích cực
Nếu bạn thường xuyên có những suy nghĩ tiêu cực hay cảm thấy buồn bã, chán nản, hãy học cách kiềm chế cảm xúc bởi theo luật hấp dẫn, cảm xúc tích cực sẽ thu hút năng lượng tích cực và mang đến những điều may mắn, tốt đẹp. Ngược lại, những suy nghĩ tiêu cực sẽ dễ thu hút những điều kém may mắn, khiến bạn cảm thấy chán chường.
Cải thiện các mối quan hệ
Việc kiềm chế cảm xúc có thể giúp các mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn. Khi bạn biết cách để hạn chế cảm xúc bực dọc, khó chịu hay phấn khích quá mức của mình, bạn có thể tránh được những lời nói, suy nghĩ sai lầm làm tổn thương người khác. Điều này sẽ giúp các mối quan hệ của bạn được duy trì bền vững hơn.
Ngoài ra, kiềm chế cảm xúc còn giúp bạn rèn luyện và trở thành một người khéo léo, biết ăn nói, làm hài lòng người khác. Mọi người sẽ thích một người điềm tĩnh, có thể suy nghĩ cẩn thận trước khi nói, giữ hòa khí hai bên và không vì những cảm xúc nhất thời của mình mà làm tôn thương đến người khác.
6 cách dạy trẻ kiềm chế cảm xúc bố mẹ có thể áp dụng
1. Dạy trẻ cách nhận diện và thể hiện cảm xúc
Để có thể giúp trẻ kiềm chế cảm xúc, trước tiên con cần hiểu được những cảm giác trong lòng mình là gì và nói ra được chúng. Nếu không thể nói lên được cảm xúc của mình, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, bất lực, từ đó có những hành động quá mức để gây chú ý đến bố mẹ và những người xung quanh.
Đặc biệt, tâm lý trẻ 3 tuổi trở xuống chưa rõ ràng, khó có thể hiểu được chính những cảm xúc của mình và chưa bộc lộ hết được cảm xúc nên thường sẽ dễ có những hành động như vơ đồ chơi ném xuống sàn, đập phá đồ chơi, khóc ầm ĩ,… để bố mẹ nhìn thấy.
Tốt nhất, hãy nhẹ nhàng chia sẻ với con và cho con biết rằng nếu con cảm thấy “khó chịu”, con có thể cho người lớn biết cảm giác của mình bằng lời nói. Việc khuyến khích trẻ thể hiện cảm xúc sẽ giúp con không dồn nén và dần có thể kiềm chế cảm xúc của mình.
2. Dạy trẻ kỹ năng xử lí tình huống
Trong một số những kỹ năng cần thiết mà trẻ cần học trong những năm tháng phát triển chính là kỹ năng xử lý tình huống. Khi trẻ biết đưa ra giải pháp cho những vấn đề mà con gặp phải thì trẻ sẽ có thể hạn chế được việc đổ lỗi hay thể hiện cảm xúc bực bội, khó chịu vì những vấn đề mà mình gặp phải, từ đó học được cách kiềm chế cảm xúc của mình.
Mỗi khi có vấn đề xảy ra, mẹ hãy khuyến khích trẻ bình tĩnh và sau đó cùng trẻ nói về vấn đề, hỏi xem con nghĩ gì về vấn đề này, nếu có cơ hội thì con sẽ xử lí như thế nào,…
3. Khuyến khích trẻ chơi thể thao thường xuyên
Tập thể dục, chơi thể thao là một trong những biện pháp để trẻ có thể giải phóng năng lượng tiêu cực, khó chịu, bực dọc của mình. Hơn nữa, khi vận động, cơ thể sẽ tiết ra hormone hạnh phúc, giúp trẻ cảm thấy sảng khoái dễ chịu hơn và dễ dàng kiềm chế cảm xúc của mình.
4. Nói đến hậu quả của việc không thể kiềm chế cảm xúc
Mỗi khi trẻ có những hành động, biểu hiện của việc bùng nổ cảm xúc, bạn có thể nói với con về những hậu quả mà con có thể gặp phải nếu vẫn tiếp tục giữ thái độ này, chẳng hạn như khi con đập phá đồ chơi thì con sẽ không còn đồ chơi để chơi nữa, khi con khóc lóc ầm ĩ thì các bạn sẽ không chơi với con nữa, khi con la hét thì mọi người sẽ nhìn con và cho rằng con không phải là một đứa trẻ ngoan,…
Hãy nói với con về những hậu quả mà con có thể gặp khi con không kiềm chế cảm xúc của mình, từ đó giúp con có thể cố gắng để cân bằng những cảm xúc đang có.
5. Đưa ra phần thưởng khuyến khích
Những đứa trẻ và người lớn đều cần thời gian để có thể xây dựng những thói quen tốt. Trong khi con đang tập làm quen với các nguyên tắc của việc kiềm chế cảm xúc, bạn có thể đặt ra những phần thưởng để khuyến khích trẻ cố gắng hơn, không bỏ cuộc quá sớm.
6. Trở thành tấm gương tốt của con
Trẻ em là một tờ giấy trắng và con sẽ nhìn vào những thái độ, hành động của bố mẹ, người lớn để học theo. Vì thế, nếu bạn kỳ vọng trẻ có thể kiềm chế cảm xúc của mình, trước tiên bạn phải là tấm gương của con. Không nên để con chứng kiến những khoảnh khắc bố mẹ cãi nhau, nóng giận với nhau hay khi bố mẹ lớn tiếng với người khác vì trẻ sẽ dễ dàng học theo những điều này đấy nhé!
Kiềm chế cảm xúc là một kỹ năng cần thiết mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng phải học để có thể dần hoàn thiện bản thân. Vì thế, bên cạnh việc dạy con kiến thức, đừng quên dạy con làm sao để đối mặt và xoay xở với những cảm xúc của mình đúng cách bạn nhé!