Đây là một số kỹ năng bạn có thể hướng dẫn cho con, hoặc kết hợp với các cô giáo ở trường mầm non để “rèn” cho con từ trước Tết nhé!
1. Dạy con biết chào hỏi
Khách đến nhà, nếu bé chỉ lo… trốn tịt dưới bếp, mẹ gọi mãi mới lên chào thì không hay rồi. Nhiều bé rất nhát, sang nhà họ hàng hay bạn của bố mẹ, mặc cho mọi người giục giã vẫn chỉ nép sau lưng mẹ, im thin thít và lắc đầu nguầy nguậy thay cho một câu chào. Làm thế nào nhỉ?
(Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạt)
>> Bạn nên:
Từ lúc con đi học mẫu giáo, bạn có thể phối hợp cùng nhà trường để hướng dẫn con cách dạn dĩ chào hỏi mọi người. Khi về nhà, có thể tập dần cho con từ chào bố mẹ, đến chào bác hàng xóm, chào ông bà… Hướng dẫn con cách khoanh tay cũng như từng câu nói thật rõ ràng: “Thưa ba con mới về!”, “Cháu chào ông bà cháu mới đến!”… Khi tập luyện nhiều lần từ trước Tết thành quen, bé sẽ hiểu rằng việc chào hỏi là một việc cần làm và làm rất dễ dàng. Bạn cũng nên làm gương cho con bằng cách chào hỏi mọi người thật rõ ràng để bé nghe và bắt chước.
2. Dạy con cách cảm ơn
Bé sẽ được cho quà bánh, lì xì những lúc đến nhà người khác chúc Tết. Đừng đợi đến lúc ấy bạn mới hối hả giục con: “Cảm ơn đi con!”, “Chúc Tết đi con!”. Nên nhớ, trẻ nhỏ chỉ có thể làm tốt những việc này nếu bạn thật sự xem đó là một kỹ năng và rèn luyện nghiêm túc cho trẻ đến lúc trẻ thật sự thân thuộc.
>> Bạn nên:
Dạy con một số câu chúc Tết cũng như cách cảm ơn khi được người lớn cho thứ gì. Hãy thử ứng dụng thành trò chơi cho bé chơi hàng ngày. Ví dụ như chơi cảm ơn. Bé đưa cho bạn cái gì, bạn sẽ cầm và nói: “Mẹ cảm ơn con!”, sau đó thử làm ngược lại với bé. Nên tạo cho con thành thói quen, luôn nhận đồ vật bằng hai tay, luôn biết cảm ơn lúc ở nhà. Bằng cách ấy, bé sẽ không ngỡ ngàng khi sang nhà người khác.
3. Biết giữ im lặng khi cha mẹ tiếp khách
Khoảng 3-4 tuổi trở lên, bé đã biết ngồi ngoan trong khi cha mẹ trò chuyện. Muốn nói gì, bé biết cách ra dấu hoặc nói nhỏ với mẹ mà không cắt ngang. Tuy nhiên, nếu bạn cứ xem như con còn “nhỏ mà”, không hướng dẫn thì bé sẽ không tự làm được. Bởi lẽ, bé chưa hề ý thức được việc cắt ngang người lớn hay quấy quả trong lúc bố mẹ đang nói chuyện là… hư!
>> Bạn nên:
Thỏa thuận một ký hiệu với con và hướng dẫn con ra dấu với mẹ trước khi muốn nói điều gì. Cho con “thực tập” bằng cách tham gia bữa cơm của gia đình, tham gia những buổi bố mẹ đang ngồi nói chuyện. Hãy cho con biết khi nào con nên ngoan ngoãn chơi yên lặng, không quấy khi nhà đang có khách. Có thể ban đầu việc này khá khó khăn, nhưng nếu bạn kết hợp thêm với cô giáo ở trường để rèn cho bé, bé sẽ ý thức được lúc nào nên giữ im lặng đấy.
4. Dạy con không xem ngay bao lì xì
Rất khó xử khi người lớn vừa lì xì mừng tuổi xong, bé đã vội vàng… mở phong bao, lôi tờ tiền ra và ríu rít: “Mẹ ơi, tiền này… Mẹ cất dùm con!”, hoặc tệ hơn: “Trời ơi, sao có ít tiền thôi vậy! Tiền này không mua được đồ chơi. Tiền của mẹ màu xanh mới mua được đồ chơi!”. Đã có những trường hợp, cả chủ lẫn khách đều ngượng đỏ mặt với những “tình huống” tréo ngoe như thế đấy!
(Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạt)
>> Bạn nên:
Giải thích với con phong bì lì xì là để chúc con may mắn, hay ăn chóng lớn. Con không nên mở ra xem ngay lúc ấy, cũng không nên đưa ra lời khen chê nhiều ít gì cả. Cách tốt nhất là con chúc Tết mọi người, cảm ơn và cất bao lì xì vào túi rồi chơi ngoan. Để thuận tiện cho con, bạn có thể tặng cho bé gái một chiếc ví xinh xắn hoặc cho bé mặc áo có túi để cất bao lì xì của riêng mình vào.
5. Lễ phép trên bàn ăn
Ngày Tết, chắc chắn sẽ có vài lần gia đình bạn dùng cơm chung với những gia đình khác. Sẽ rất bất tiện khi bé nghịch ngợm, đòi hết món này đến món kia, giãy khóc, không chịu ăn, tệ hơn nữa là làm đổ cơm, vỡ ly tách, chén dĩa ngay ngày đầu năm mới.
>> Bạn nên:
Tập cho con sử dụng thuần thục muỗng đũa nếu bé đã đủ lớn. Hoặc hướng dẫn con cần ngồi ngoan để mẹ dễ dàng đút cho bé ăn. Tuổi này trẻ rất thiếu kiên nhẫn nên bạn chỉ nên cho bé ăn nhanh, sau đó rời bàn tiệc của người lớn chứ đừng để trẻ ngồi suốt từ đầu buổi đến cuối buổi. Nếu bé từ 5 tuổi trở lên, bạn có thể hướng dẫn con các tác phong như ngồi như thế nào là đúng, ăn uống nhẹ nhàng, từ tốn, nếu ho phải che miệng… Đừng quên phối hợp với các cô giáo ở trường, vì những điều này sẽ được dạy khá kỹ trong giờ ăn của bé tại trường đấy.
6. Nhường nhịn các bạn khác
Khi trẻ sang nhà người khác chơi, nhà khách có em bé nhỏ. Bạn để hai đứa trẻ cùng chơi với nhau, song chỉ một lát là chúng… chí chóe, tranh giành đồ chơi, kéo nhau ra “méc mẹ”. Thậm chí, có lúc người lớn trở nên mất vui và khó xử khi mấy nhóc tì khóc nhè, đánh nhau nữa chứ!
(Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạt)
>> Bạn nên:
Chuyện này sẽ không xảy ra nếu bạn có thể “huấn luyện” con biết nhường nhịn bạn khác. Bạn có thể kể cho con nghe những câu chuyện ngụ ngôn như “Hai con dê cùng qua một chiếc cầu”, đưa ra những tình huống để bé suy nghĩ và học được cách “nhường”. Khi có bạn muốn giành một món đồ chơi, hãy gợi ý cho trẻ chơi sang món khác, hoặc nói với bạn là: “Chúng mình chơi cùng nhau nhé!”. Sẽ khá khó lúc ban đầu, nhất là với các bé còn nhỏ, song nếu bạn tìm cách giám sát trẻ lúc chơi, khéo léo can thiệp đúng lúc cũng như tập cho con: “Nhường cái này cho anh nhé!” quen nhiều lần thì tình trạng khó xử kia sẽ không còn nữa.
Chuyên viên kỹ năng sống Nguyễn Thị Hiên
(Giám Đốc chương trình Kỹ năng sống FasTracKids tại Hệ Thống Giáo DụcQquốc Tế cho Trẻ em CitySmart)