Làm lơ vì muốn con đạt học sinh giỏi
Trước hôm con thi học kỳ môn Lịch sử một ngày, chị L.T.H (Q. Gò Vấp) phát hiện trong cặp con có một mảnh giấy nhỏ ghi chi chít các số liệu, ngày tháng. Chị truy hỏi thì cậu nhóc thú nhận: “Môn này lớp con bạn nào cũng làm thế. Số nhiều quá con không nhớ hết được. Mà mẹ đừng lo vì con chỉ quay mỗi môn này thôi. Mấy môn khác như Toán, Văn con học đàng hoàng lắm!”.
Nghe con nói mà chị muốn… há hốc miệng. Biết xử trí như thế nào với con? Bảo rằng con hư quá, không được gian lận như thế, thà mẹ chấp nhận con bị điểm kém còn hơn thì chính chị cũng không an tâm. Nếu thằng bé không làm bài thi được vì không có “phao”, trong khi các bạn khác trong lớp đều quay cóp và qua được hết thì sao? Người ta sao mình vậy. Chị muốn con cũng đạt điểm tốt, cũng giữ vững danh hiệu học sinh giỏi. Có phải mình thằng bé quay cóp đâu, các bạn khác của nó cũng đều thế mà. Chị tự nhủ như vậy nhưng rồi vẫn băn khoăn: Liệu đồng tình, im lặng với con thì có phải là chính mình đã bao che cho con làm chuyện gian dối, thiếu trung thực hay không?
Khác với câu chuyện của chị H., tình huống chị N.N.N rơi vào còn khó xử hơn. Con gái chị mới học lớp 6. Trong các môn thi học kỳ của cháu, có một bài thủ công được tính như điểm thi nhưng cô lại cho phép về nhà làm, chỉ phải mang lên nộp sản phẩm. Chị đã để con tự làm bằng chính sức của con, nhưng “thành quả” của một ngày trời đánh vật với giấy màu, kéo, hồ chỉ là một sản phẩm xộc xệch, vụng về. Hỏi thăm mấy bé khác, chị… té ngửa khi phát hiện hầu như cha mẹ của bé nào trong lớp con chị cũng đều làm giùm con bài tập này.
Giờ chị phải làm sao? Làm giùm con, phụ con một tay để con đạt điểm tốt như bạn bè, hay chấp nhận con đem nộp sản phẩm của mình để rồi nhận lấy một điểm số thấp hơn hẳn các bé khác? Hỏi đến anh xã, anh xì một tiếng như thể đây chỉ là… chuyện nhỏ: “Thì em cứ làm giùm con đi. Trời ơi, quan trọng là nó học giỏi mấy môn chính. Chứ mấy môn phụ này, chuyện làm giùm là chuyện thường ngày ở huyện mà…”.
Chị gọi điện cho chuyên viên tư vấn tổng đài 1088, băn khoăn: “Tôi cứ nghĩ hoài, không biết nên làm sao với con. Cháu nó cứ giục tôi là mẹ làm giùm con đi, các bạn con ai cũng được làm giùm hết. Nhưng nếu tôi làm thay cho cháu, có phải là cháu sẽ ỷ lại, học thói xấu gian lận, thiếu trung thực trong học hành, thi cử hay không?”.
Hãy giữ cho con điểm 10 về lòng trung thực!
Quả thật, cứ đến mùa thi, không ít phụ huynh lại đau đầu với chuyện trung thực hay không trung thực của trẻ. Chị Ngọc Tú than thở: “Thật sự tôi rất mong cháu học và thi bằng sức của mình, cũng sợ cháu quay bài thì bị hổng kiến thức dù đạt điểm tốt. Song, khi thấy giáo viên canh thi dễ, con hỏi bài được bạn đọc cho chép thì trong bụng tôi thú thật cũng… mừng thầm!”.
Mâu thuẫn trong suy nghĩ nên nhiều phụ huynh có la con chuyện thiếu trung thực cũng chỉ la cầm chừng. “Chính tôi đi học tại chức buổi tối cũng quay cóp nên giờ thấy con quay cóp mình la con cũng… ngại ngại sao đó. Có nhắc nhở cũng chỉ nhắc nhở qua loa rồi để con tự quyết định. Biết quay cóp là xấu. Nhưng ở đời, thật thà thường thua thiệt. Con mà trung thực quá thì con sẽ thua kém điểm số bạn bè. Lúc đó tôi biết làm sao?”, chị Nguyễn H.Y (Q. Tân Phú) thở dài.
Tuy nhiên, theo chuyên viên tư vấn Thu Hiên (tổng đài 1088), cái giá của chuyện cho phép trẻ gian lận trong thi cử sẽ là rất đắt chứ không phải chuyện nhỏ như nhiều phụ huynh vẫn tưởng. “Tôi từng trò chuyện với một mẹ, chị kể rằng chị không biết làm sao vì con chị bị đình chỉ thi, hạ bậc hạnh kiểm, mời phụ huynh vì gian lận trong thi cử. Thì ra, đã quen với chuyện quay cóp trót lọt những lần trước nên đến kỳ thi này, cháu vẫn tiếp tục trò ấy. Không ngờ có một thay đổi nho nhỏ, giáo viên canh thi lần này là một người hết sức nghiêm túc. Cháu lãnh ngay hậu quả…”, chuyên viên Thu Hiên cho biết.
Cái “được” của chuyện gian lận thi cử có thể chỉ là một vài điểm số được nhích cao hơn một chút. Nhưng cái “mất” thì lại lớn hơn nhiều. Trẻ vào phòng thi với thái độ khúm núm, sợ hãi, căng thẳng vì lỡ gian dối. Trẻ phải đối mặt với những hình thức kỷ luật nghiêm khắc nếu chẳng may bị phát hiện. Và quan trọng hơn hết là trẻ có thể mất luôn niềm tin vào sự trung thực, ngay thẳng trong cuộc sống. Trẻ sẽ cho rằng gian lận là cách tốt nhất để đạt điểm cao, để rồi từ đó gian lận với cả cha mẹ, với mọi chuyện khác bên ngoài chứ không chỉ là với một bài thi, một bài kiểm tra trên lớp.
“Lần đầu tiên khi phát hiện con chuẩn bị phao trước kỳ thi, tôi đã ngồi xuống để nói chuyện với con. Tôi phân tích cho cháu rằng nếu dành thời gian làm phao như thế để tập trung học thì con sẽ học thêm được một phần lớn bài vở. Tôi cũng nói để cháu hiểu rõ chuyện trung thực quan trọng như thế nào. Cuối cùng, cháu đã nghe ra. Bài thi học kỳ của con tôi năm đó chỉ đạt điểm 4, nhưng tôi khen ngợi cháu vì đó là kết quả của sự trung thực. Từ đó về sau, cả đến giai đoạn con đi du học, con đều rất nghiêm túc, được đánh giá tốt. Trong khi đó, có những đứa trẻ cùng lớp với con tôi ngày xưa, đến khi đi du học cùng với cháu lại bị đánh rớt, bị kỷ luật vì vẫn quen tật, có hành động gian dối trong thi cử. Đó là cái giá rất đắt cho bài học về lòng trung thực”, chị H.Thư (một người mẹ có con đang du học tại Mỹ) chia sẻ.
VÌ SAO CON NÊN TRUNG THỰC? Khi trẻ nói với bạn rằng: “Nếu con gian lận trong thi cử, con sẽ đạt kết quả thi tốt hơn!”
>> Hãy trả lời con:
Kết quả đó không thật sự là của con. Nó không phản ánh đúng sức học của con. Liệu sau này con lớn lên với một kiến thức hổng nhiều như vậy, con có thể thành công được không?
Khi trẻ nói với bạn rằng: “Các bạn con ai cũng làm thế…”
>> Hãy trả lời con:
Mẹ không nghĩ rằng trong việc này con nên bắt chước các bạn của mình. Mẹ sẽ rất vui nếu con ở trong nhóm không quay cóp, để mẹ có thể tự hào về con.
Khi trẻ nói với bạn rằng: “Tại sao con cần trung thực?”
>> Hãy trả lời con:
Bởi vì đó là đức tính cực kỳ quan trọng. Khi con trung thực và làm hết sức mình một bài thi hay một công việc gì đó, con sẽ thấy rất hạnh phúc với kết quả mình đạt được. Ngược lại, con sẽ không bao giờ có thể tự hào về mình.
Khi trẻ nói với bạn rằng: “Nhưng cô giáo con canh thi dễ lắm, bạn nào cũng quay và hỏi bài nhau…”
>> Hãy trả lời con:
Con có nghĩ đến chuyện cô giáo này sẽ được thay bằng một cô giáo canh thi khác nghiêm khắc hơn hay không? Con sẽ phải nhận hậu quả của việc gian lận. Cô giáo con canh thi dễ vì cô tin cậy các con. Nếu con cũng hỏi bài, quay bài thì nghĩa là con đã không xứng đáng với sự tin cậy của cô nữa.
Khi trẻ nói với bạn rằng: “Hồi bằng tuổi con, mẹ có quay cóp không?”
>> Hãy trả lời con:
Mẹ đã phạm phải sai lầm đó và đã nhận ra rằng trung thực quan trọng như thế nào. Còn con, con sẽ làm tốt hơn mẹ phải không? Con sẽ không gian lận và xứng đáng là một đứa con mà mẹ có thể học hỏi theo?