Dạy bé tập nói trong những năm đầu đời là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất nhưng cũng nhiều gian nan, vất vả nhất của bố mẹ. Phải mất rất lâu để bé có thể nói và hiểu những gì mọi người nói một cách rõ ràng. Vì vậy, ở những năm đầu đời của bé, bố mẹ cần làm rất nhiều thứ để hình thành lời nói và kỹ năng giao tiếp cho bé.
1. Dành nhiều thời gian trò chuyện cùng bé
Khẩu hình miệng của bố mẹ khi trò chuyện cùng bé đã là một ví dụ sống động về hành động giao tiếp. Kể cả khi quá bận rộn, bố mẹ cũng nên nở nụ cười với bé khi ở gần bé, nói chuyện với bé, hát cho bé nghe, đọc cho bé nghe những gì bố mẹ thấy.
Bằng cách này, bé sẽ cảm nhận được các âm thanh xung quanh mình từ đó sinh ra phản xạ phản ứng lại bằng cách có gắng “bi bô tập nói”.
Dành nhiều thời gian trò chuyện cùng bé là một động lực to lớn khuyến khích các nô lực ban đầu để bé tập nói (Ảnh minh họa).
Khi trò chuyện, kể hay hát cho bé nghe, bố mẹ nên cố gắng hình thành thói quen dùng khẩu hình miệng nhiều nhất có thể. Nói tròn vành rõ chữ, chậm rãi. Và có biểu cảm thích hợp để bé có thể bắt chước học theo.
Chỉ bằng cách đơn giản là trò chuyện và biểu cảm cùng bé, nhưng bố mẹ đã tạo cho bé một động lực to lớn để khuyến khích các nỗ lực ban đầu của bé để bé tập nói.
2. Cố gắng hiểu những điều bé nói trong lúc “bập bẹ tập nói”
Đối với trẻ con, những giao tiếp phi ngôn ngữ của bé đều là những dấu hiệu của niềm vui hay sự thất vọng, khó chịu mà bé muốn truyền tải với mọi người. Vì vậy, khi bé cố gắng giao tiếp với bố mẹ bằng những nụ cười hay âm thanh ríu rít, bi bô tập nói. Bố mẹ nên cố gắng hiểu và giải mã các tiếng bi bô hay biểu cảm trên nét mặt của bé. Hãy nhìn vào bé và cùng bé bặp bẹ. Nở nụ cười yêu thương để khuyến khích bé trò chuyện, đừng làm gián đoạn sự bặp bẹ của bé.
Bố mẹ có thể đáp lại bé bằng cách bắt chước những âm thanh bặp bẹ của bé, chờ đợi những âm thanh khác và trao đổi lại với bé bằng những âm thanh tương tự hoặc điệu bộ, nét mặt tương ứng.
3. Trò chuyện thông qua các loại sách vở hay thẻ card hình ảnh
Khi bé đã bắt đầu biết bi bô, bố mẹ có thể sử dụng các loại sách ảnh được đồ họa, mô phỏng sinh động, nhiều màu sắc. Có ngôn ngữ phong phú và hình ảnh đa dạng. Hay các bài thơ, câu tục ngữ có âm điệu dễ nhớ để đối thoại cùng bé.
Thông qua việc đọc sách, kể chuyện, bố mẹ chỉ và nói cho bé nghe các hình ảnh trong sách rồi để bé tương tác với sách bằng các hành động như là lật trang kế tiếp hay tự chọn sách cho mình dựa vào sở thích của bé.
Thông qua hình ảnh bé có thể vừa tập nói vừa phát triển khả năng nhận thức thế giới xung quanh (Ảnh minh họa).
Một cách đơn giản hơn khi dạy bé tập nói bằng hình ảnh, bố mẹ có thể sử dụng các thẻ Flashcard hình ảnh về thế giới động vật, các loại đồ vật, rau quả, trái cây… để tập nói cùng trẻ. Thông qua những tấm thẻ card có hình thức sinh động và phong phú về màu sắc, hình ảnh kèm theo tiếng kêu khác nhau của từng con vật, đồ vật bé có thể vừa tập nói vừa phát triển khả năng nhận thức.
Khi bé đã có thể nhận biết được một thứ gần gũi xung quanh, bố mẹ nên sử dụng những câu đố về con vật, đồ vật để giúp bé phát triển thêm vốn từ. Các câu đố sẽ giúp bé có sự tương tác qua lại với mọi người từ đó giúp bé phát triển vòng tròn giao tiếp với các bạn và mọi người xung quanh.
Việc dạy bé tập nói bằng hình ảnh là một phương pháp dạy hỗ trợ rất nhiều cho quá trình tập nói của bé. Tuy nhiên, khi dạy trẻ tập, bố mẹ cần hình thành cho con thói quen tập trung cao độ và cố gắng dạy bé cách phát âm càng chuẩn xác càng tốt. 2 điều này sẽ liên quan rất nhiều đến sự thành công trong việc phát triển các kỹ năng nghe, đọc, viết và kỹ năng giao tiếp của bé sau này.