Mẹ&Con - Mỗi lần đưa con về bà nội ăn giỗ, chị Lan (Q.Phú Nhuận) lại dặn trước cô con gái 6 tuổi của mình: 'Nếu nội có bảo mẹ con mình ở lại chơi lâu hơn, con nhớ nói ngày mai con phải đi khám răng nhé!'. Cứ như vậy, vô tình chị Lan đã tập cho bé thói nói dối lúc nào chẳng hay… Dấu hiệu giúp mẹ nhận biết trẻ đang nói dối Dạy con... nói dối ngày cá tháng tư Trẻ nói dối, cha mẹ nên làm gì?

Vô tình thành… “bệnh”

Không ít phụ huynh, chỉ vì mục đích riêng hay lợi ích trước mắt, cứ thản nhiên nói dối hoặc nhờ con nói dối mà quên mất bé đang tuổi hình thành và phát triển nhân cách, rất dễ bị “lây nhiễm”.

Chị Lan ở trên là một ví dụ, dù lý do nói dối của chị khá chính đáng: “Khổ, mình nói bận công việc thật thì bà lại giận lẫy rằng là xem trọng công việc hơn bà, nên cứ để con bé nói là hay nhất!”. Thấy con nói rất trơn tru, lúc đầu chị Lan còn mừng, khen con lanh, giỏi. Dần dần, bé thường xuyên sử dụng “chiêu” đó với cả mẹ khiến chị không thể không giật mình. Chị than thở: “Ai đời mới tí tuổi đã biết viện cớ nhức đầu, đau bụng để trốn học, lừa cả mình lẫn cô giáo ở trường. Lo lắng, tưởng nó bệnh thật, có ngờ đâu mới khuất bóng cô giáo, mình bảo đưa đi bác sĩ là nó đã tung tăng chạy nhảy lại rồi!”.

day-be-noi-doi

Với gia đình chị N.Ái (nhân viên một công ty TMDV ở Q.11) lại khác. Hai vợ chồng thường bàn bạc, nói chuyện điện thoại với bạn bè trước mặt con. Khi viện cớ bận việc để từ chối một cuộc gặp với bạn, khi lại đồng ý nhận lời mời của một sếp mà mình không ưa, chị đều bị cậu con trai lên 10 thắc mắc: “Sao mẹ mới nói là mai rảnh không biết làm gì cơ mà!?” hay “Mình không thích bác đó thì đi làm gì hở mẹ?”… Trả lời qua quýt: “Chuyện người lớn, con hỏi làm gì!” nhưng chị Ái không ngờ điều đó lại “nhập tâm” con đến vậy. Mãi khi biết tiền mua sách vở học tập mà con xin bữa giờ đều được nướng sạch vào các tiệm game, chị Ái mới tá hỏa vì cái sự nói dối “chuyên nghiệp” của con. “Đau hơn nữa là khi tôi giả vờ hỏi Sách tập bữa giờ con xin mẹ mua đâu hết rồi? với hi vọng thằng bé nhột mà nhận lỗi. Ấy vậy mà nó bảo… Chuyện của con, mẹ hỏi làm gì! Thế có điên người không cơ chứ.” , chị Ái tâm sự.

Còn chị Nguyệt (Q.5) chỉ vì tin con mà “mất mặn mất nhạt” với chị nhà bên. Lúc biết ra thủ phạm của “đống hoang tàn” trước nhà là… con mình chứ không phải con người ta, chị vừa giận sôi lên với con, vừa áy náy mãi với hàng xóm.

Lời nói dối… dễ thương

Nếu như các phụ huynh vẫn bao biện do các mối quan hệ xã hội, công việc, không phải lúc nào cũng nói thật hết được thì nói dối ở bé lại là tật khiến các mẹ rất đau đầu vì bé dễ học mà khó sửa. Tuy nhiên, không phải lời nói dối nào của bé cũng làm các mẹ nhảy dựng lên vì tức giận.

day-be-noi-doi

Chị M.Anh (có con học lớp 7 một trường THCS ở Q.3) là một trường hợp. Chưa kịp la mắng vì cái tội dối mẹ buổi chiều có giờ học (làm chị mất công ghé qua trường đón mà không thấy), vừa vào nhà, chị M.Anh đã sững người trước bữa ăn mà cô con gái chuẩn bị mừng sinh nhật mình. Chị cho biết: “Nếu được báo trước hay con bé bảo chiều nó được nghỉ thì có lẽ mình đã không vui và bất ngờ đến vậy! Mình nghĩ nói dối mà cố tình chối bay chối biến, đổ lỗi hay lừa dối người khác thì mới đáng lo chứ những kiểu lừa đáng yêu, thú vị thế này thì ba mẹ nào mà giận cho nổi.”

Hay cũng là nói dối nhưng chị Thu Yến (Q.11) rất hài lòng khi nghe bé của mình (9 tuổi) thú nhận: “Mẹ ơi, lúc nãy con nói thích con Buby (tên một con gấu nhồi bông) là con nói dối đấy, vì con sợ dì buồn. Dì có yêu con mới tặng con phải không mẹ? Con nói dối như vậy có sao không hả mẹ?”.

Còn chị N.Thái (nhân viên văn phòng, Q.Bình Thạnh), sau vài lần cảm xúc biến chuyển đột ngột theo lời nói, hành động của con thì cũng kịp thích ứng với kiểu thích… nói ngược của bé (13 tuổi). Chị kể: “Thằng bé rất hay làm trò. Hỏi nó dọn phòng chưa, làm bài tập đến đâu rồi… nó toàn bảo chưa, khiến tôi bực lắm. Đang định la mắng một trận, mở cửa phòng ra đã thấy ngăn nắp, sạch sẽ. Hối thúc làm bài, 5 -10 phút sau đã thấy nó tót đi chơi với bài vở đã hoàn thành trước đó làm tôi chẳng kịp…giận nữa. Tôi nghĩ tuổi này, thỉnh thoảng cháu nghịch một tí cũng không phải lừa gạt gì!”.

Điều quan trọng mà các chị đều nhất trí khi bé nói không đúng sự thật, đó là giúp bé biết đâu là những chuyện tế nhị nên nói dối và giới hạn của những việc có thể nói dối mà không ảnh hưởng nhiều đến những người xung quanh.

Làm gương cho con

Muốn thực hiện được điều trên, trước tiên, vợ chồng bạn phải làm gương cho bé, thực hiện tốt những lời hứa của mình. Bạn nên hạn chế nhờ bé nói dối giùm hoặc nếu có những việc cần nói dối hay bé chưa đủ nhận thức để hiểu chuyện, tốt nhất bạn không nên nói trước mặt con. Dạy bé biết “nói dối” đúng lúc, đúng chỗ sẽ giúp bé hiểu rõ hơn về cái tật vốn được xem là không tốt này.

Khi phát hiện hay nhận ra những dấu hiệu nói dối của bé, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân, động cơ bé nói dối vì biết đâu đó có thể là một lời nói dối dễ thương như những trường hợp ở trên mà bạn chưa kịp nhận ra. Còn nếu chắc chắn bé đang cố tình lừa dối, đổ lỗi cho ai đó, bạn nên khuyến khích để con nhận lỗi, nói ra sự thật. Tránh dồn ép, đe dọa gây áp lực với bé vì như vậy bé sẽ càng sợ mà giấu diếm. Hết lần này đến lần khác, lâu dần sẽ thành thói quen khó sửa.

Hơn ai hết, bạn thừa biết việc gian dối sẽ ảnh hưởng thế nào đến công việc và các mối quan hệ xã hội của bé lúc trưởng thành.

Phân biệt các mức độ nói dối của bé sẽ giúp bạn có giải pháp xử lý phù hợp:

– Tưởng tượng: Bé dưới 6 tuổi chưa hiểu rõ được sự khác biệt giữa nói thật, nói dối và có thể có những ý nghĩ phóng đại lên do trí tưởng tượng phong phú.

– Sợ bị phạt, đòi cái mình muốn: Bé ở lứa tuổi tiểu học, sợ bị ba mẹ trách phạt nên hay chối đẩy trách nhiệm. Hay nói dối để đạt được điều mà mình muốn (như nói dối làm bài tập rồi để được xem tivi hay nói dối trong các cuộc chơi để thắng bạn bè).

– Thể hiện mình: Ở tuổi THCS, những lời nói dối của bé bắt đầu “lắt léo” hơn vì bé muốn gây ấn tượng mạnh, thể hiện cái tôi của mình. Khiển trách chứ không nên nhiếc móc, chê bai, bạn sẽ có được sự hợp tác của con.

Tags:

Bài viết liên quan