Mẹ và Con - Tim thai là dấu hiệu quan trọng hàng đầu để xác định sự phát triển ổn định của thai nhi trong tử cung. Tuy nhiên, không hiếm trường hợp dấu hiệu không có tim thai khi siêu âm dù phôi đã được 7 thậm chí 10 tuần tuổi.

Dấu hiệu không có tim thai khiến nhiều chị em lo lắng cực kỳ. Bởi vì không có tim thai có thể là chỉ báo cho rất nhiều nguy cơ sức khỏe của mẹ lẫn bé. Do đó, khi phôi thai phát triển nhưng không có tim thai thì cần kiểm tra thật kỹ. Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin quan trọng về sự phát triển tim thai, nguyên nhân dấu hiệu không có tim thai cũng như cách xử lý.

Tim thai khi nào xuất hiện?

Kể từ khi kiểm tra được kết quả có thai thì tim thai là dấu hiệu quan trọng hàng đầu kế tiếp để biết được tình trạng của bé. Siêu âm tim thai cũng là bước cực kỳ thiết yếu khi chẩn đoán tiền sản. Quá trình phát triển của tim thai nhìn chung như sau:

  • Vào khoảng ngày thứ 22 kể từ khi thụ thai thì tim hình thành và bắt đầu đập khá rõ. Thông thường là tuần 6-7 đã có tim thai. Thậm chí nhiều trường hợp lúc mẹ biết mình có thai thì đã có nhịp tim thai rồi.
  • Tuần 8-10 thai kỳ thì tim phát triển từ dạng ống đơn giản thành dạng 4 ngăn với van tim. Đây là lúc nhịp tim đập rõ, và có thể siêu âm được rõ ràng.
  • Từ khoảng tuần thứ 20, nhịp tim bé đập mạnh mẽ và chỉ cần áp tai là có thể nghe được.

Nhịp tim của thai to, dễ nghe chứng tỏ thai nhi khỏe mạnh và phát triển bình thường. Cũng chính vì thế, dấu hiệu không có tim thai khi siêu âm là dấu hiệu quan trọng cần đặc biệt chú ý.

dấu hiệu không có tim thai ở tam cá nguyệt đầu

Siêu âm tim thai như thế nào?

Siêu âm tim thai có thể thực hiện vào tuần thứ 6 nhằm xác định hoạt động của tim. Tuy nhiên, vì nhiều trường hợp tim thai xuất hiện chậm cũng như phát hiện có thai chậm nên nhiều nơi sẽ xếp lịch siêu âm vào giữa tuần 7 đến tuần 8 thai kỳ.

Thậm chí một số cơ sở y tế khuyên bạn xếp lịch siêu âm lần đầu sau 11 tuần thai. Trong lần siêu âm đầu tiên này, bác sĩ sẽ xác định các thông tin:

  • Xác nhận mang thai, kiểm tra vị trí thai xem có bất thường như thai ngoài tử cung hay không.
  • Xác nhận dấu hiệu tim thai.
  • Đo chiều dài từ đầu đến chân bé, có thể giúp tính tuổi thai.
  • Đánh giá các bất thường nếu có.

Nguyên nhân dấu hiệu không có tim thai

Dấu hiệu không có tim thai đơn giản là khi siêu âm không thấy có nhịp tim đập. Đây có thể chỉ là một lỗi kỹ thuật hoặc do siêu âm sớm hoặc là dấu hiệu sảy thai sớm. Cụ thể:

Nguyên nhân không nguy hiểm

Trước hết nếu bạn siêu âm sớm (trước 10 tuần) thì dấu hiệu không có tim thai có thể đơn giản là do còn quá sớm. Tim thai chưa hình thành hoặc phôi còn quá bé chưa thể phát hiện được tim thai. Cũng có trường hợp không tìm được tim thai vì tính sai tuổi thai.

Một nguyên nhân khác là do thiết bị siêu âm hoặc nhầm lẫn của kỹ thuật viên. Thai nhi còn rất bé nên muốn nghe được và kiểm tra thấy tim thai cần thiết bị tốt, hiện đại. Trường hợp siêu âm bụng không có tim thai thì bạn cũng có thể cân nhắc thử đổi sang siêu âm đầu dò âm đạo.

Ngoài ra, trong một số ít trường hợp bé có thể bị rối loạn nhịp tim hoặc do thai nhi nằm quay lưng nên không quan sát được. Tình trạng rối loạn tim thai thường chỉ là tạm thời trong giai đoạn đầu. Trong đó, tim thai đột ngột ngừng, đập nhanh hơn hoặc chậm hẳn đi khiến bác sĩ khó phát hiện dấu hiệu tim thai.

Nguyên nhân là sảy thai

Đây cũng là lý do nhiều mẹ rất lo lắng khi thấy dấu hiệu không có tim thai. Bởi vì sảy thai là tình trạng khá phổ biến, đặc biệt là trong tam cá nguyệt đầu tiên.

Tuần thai càng lớn thì nguy cơ không có tim thai do sảy thai càng cao. Một số dấu hiệu nghi ngờ sảy thai đi kèm dấu hiệu không có tim thai:

  • Nồng độ hormone hCG giảm.
  • Phôi thai lớn hơn 5mm nhưng vẫn không có nhịp tim.
  • Túi thai lớn hơn 8mm không có túi noãn hoàng.
  • Túi thai lớn hơn 16mm không có phôi thai bên trong.

Bên cạnh kết quả siêu âm, một số dấu hiệu bất thường khác sau đây cũng là dấu hiệu nghi ngờ sảy thai mẹ nên lưu ý:

  • Ra máu âm đạo bất thường
  • Đau bụng lâm râm hoặc đau quặn thắt
  • Các dấu hiệu mang thai như căng ngực biến mất

dấu hiệu không có tim thai khi bị đau bụng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sảy thai:

  • Sảy thai không xác định nguyên nhân, xảy ra tự nhiên trong khi sức khỏe mẹ vẫn hoàn toàn ổn định.
  • Bất thường nhiễm sắc thể, trứng hoặc tinh trùng kém chất lượng, phân chia tế bào bất thường,… chiếm đến 50% trường hợp sảy thai tự nhiên.
  • Sảy thai vì sức khỏe của mẹ không tốt như đa nang buồng trứng, rối loạn tuyến giáp, tiểu đường… Các bệnh lý do virus như rubella, sởi, quai bị, viêm gan B…, cũng tăng nguy cơ sảy thai ở phụ nữ.
  • Do mẹ bị chấn thương hoặc va đập mạnh vào bụng.
  • Do mẹ bị stress, trầm cảm trong thời gian dài.
  • Mẹ tiếp xúc môi trường độc hại, hít phải khói thuốc lá, sử dụng chất kích thích,…

Vì sao phôi thai phát triển nhưng không có tim thai?

Phôi thai phát triển nhưng không có tim thai là thắc mắc của nhiều mẹ. Đó có thể là do mẹ mang thai ngoài tử cung. Phôi phát triển nhưng túi phôi trong tử cung phát triển nhưng không chứa phôi.

dấu hiệu không có tim thai khi mang thai ngoài tử cung

Hoặc đó có thể do phôi thai ngừng phát triển nhưng túi phôi bên ngoài vẫn lớn lên và tiết hormone thai kỳ. Đây cũng là lý do khiến dù túi phôi lớn lên, vẫn ốm nghén, nhưng siêu âm thì không có tim thai.

Làm gì nếu siêu âm không có tim thai?

Nếu thai tuần thứ 7 hoặc tuần thứ 8 không có tim thai, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện xét nghiệm HCG. Nếu sức khỏe bạn ổn định, không có gì bất thường thì chỉ cần tiếp tục theo dõi và siêu âm lại vào lúc khác là được nhé.

Tuy nhiên, khi dấu hiệu không có tim thai đi kèm với các dấu hiệu sảy thai hoặc thai đã trên 12 tuần tuổi mà không có tim thai thì phải kiểm tra xử lý ngay. Khả năng sảy thai, thai chết lưu là cực kỳ cao. Nếu xác định dấu hiệu không có tim thai là do sảy thai thì căn cứ vào tuổi thai sẽ có các cách xử lý phù hợp để đẩy thai ra ngoài.

Cần phải có phương án xử lý phù hợp khi thấy dấu hiệu không có tim thai. Nếu bác sĩ kết luận là sảy thai nhưng bạn nghi ngờ kết quả này thì nên khám thêm ở nơi khác trước khi có quyết định xử lý. Tuy nhiên, cần nhanh chóng quyết định vì nếu thai chết lưu càng lâu thì nguy cơ sức khỏe cho mẹ càng lớn.

Bài viết liên quan