Mẹ&Con - Dạy con trung thực là điều chưa bao giờ dễ dàng. Làm thế nào mẹ biết được con mình liệu có đang nói dối? Tham khảo một số dấu hiệu dưới đây để biết cách ứng phó trước những tình huống không mong muốn này nhé! Dạy con... nói dối ngày cá tháng tư Trẻ nói dối, cha mẹ nên làm gì? Giải mã tiếng khóc của trẻ

Thật khó khăn khi phải chấp nhận một sự thật rằng con bạn đang nói dối. Tuy nhiên đừng vội lảng tránh hay quát mắng bé. Ít nhất và trước tiên, hãy để ý những dấu hiệu nhận biết sau đây để biết bé có đang gian dối hay không:

Nói năng lắp bắp

Không chỉ trẻ em thôi mà ngay cả phần đông những người lớn cũng dễ mắc phải hiện tượng này khi đang nói ra những điều không có thật. Tâm trạng lo lắng và sợ hãi sẽ khiến bé bối rối không nói thành câu liền mạch được. Biểu hiện dễ thấy nhất là đột nhiên “cà lăm”.

dau-hieu-giup-me-nhan-biet-tre-dang-noi-doi

Khi bị bố mẹ hỏi dồn, để tranh thủ thời gian suy nghĩ cho câu trả lời, bé sẽ cố gắng trì hoãn bằng cách lặp lại câu hỏi của bố mẹ: “Mẹ hỏi con gì cơ?” hay “Mẹ hỏi giày của con đâu rồi ạ?”,… Những bé lanh lợi sẽ nhanh trí nghĩ ra câu trả lời thỏa đáng, tuy nhiên một số bé không quen với việc nói dối thường dễ đưa ra các câu trả lời mâu thuẫn nhau.

Một dấu hiệu dễ nhận thấy khác nữa là những cô nhóc cậu nhóc có tật nói dối thường hay thêm thắt các chi tiết để cố gắng tăng sự tin cậy, tuy nhiên lại làm dài dòng cho câu chuyện một cách “lộ liễu”.  Lúc này, mẹ nên ứng xử nhẹ nhàng, đừng quá nghiêm nghị sẽ khiến bé càng khó nói ra sự thật hơn.

Ánh mắt khác thường

“Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Trẻ có thể cười đùa hay tỏ thái độ bình thường, tuy nhiên ánh mắt sẽ “tố cáo” sự lo lắng hay gian dối bên trong bé. Thông thường, khi đang cố giấu giếm một vấn đề gì đó, trẻ có xu hướng lảng tránh ánh nhìn trực diện vào đối phương. Theo nghiên cứu khoa học, một người nói sai sự thật thì hay hướng đôi mắt lên trên hoặc sang phải và hạn chế nhìn thẳng vào mắt người nghe.

Những đứa trẻ lớn hơn và bạo dạn hơn thì có một phản ứng rất ‘tinh vi”, đó là không hề lảng tránh mà nhìn chằm chằm vào mắt người khác khi nói dối.  Một số khác lại chớp mắt liên tục không kiểm soát được, có bé còn rơm rớm nước mắt và việc chớp mắt là để giấu đi biểu hiện lo lắng thái quá đó.

Biểu hiện lúng túng

Nếu mẹ đang tra hỏi con một vấn đề nào đó mà bắt gặp trạng thái thiếu thoải mái trong cách trả lời của con, tay chân lóng ngóng, đi đứng vụng về hay có những hành động không bình thường như gãi tai, xoa mũi, gãi đầu, thậm chí toát mồ hôi…  hãy cảnh giác!

dau-hieu-giup-me-nhan-biet-tre-dang-noi-doi

Không có đứa trẻ nào là không lo lắng khi định bụng nói ra những điều không có thật, và những biểu hiện trên cho thấy rằng con bạn chưa hề quen với việc nói dối. Đó là một dấu hiệu đáng mừng. Mẹ nên bắt kịp cảm xúc này của con và tìm cách xử lý thích hợp để có cách giáo dục lại con ngay từ đầu, giúp con hiểu ra rằng nói dối là một việc không những không tốt mà còn để lại những hậu quả đáng tiếc cho mình và những người xung quanh con.

Giọng nói cũng thay đổi

Đương nhiên khi làm khác đi một điều đúng đắn, không có đứa trẻ nào cảm thấy thoải mái cả. Sự mất bình tĩnh sẽ “lộ diện” sau giọng nói của bé. Một đứa trẻ thường ngày hoạt bát bỗng dưng nói năng vấp váp và lạc giọng đi, giọng trầm hơn bình thường hoặc nói không ra tiếng,… thì rất có khả năng đang che giấu một điều gì đó “ghê gớm”, ít nhất là “ghê gớm” ở góc nhìn của bé.

Phản ứng phòng thủ

Tâm trạng bồn chốn, thắt thỏm sẽ thôi thúc bé kháng cự mạnh mẽ trước những lời buộc tội của người lớn. Hãy thử hỏi dồn bé một vài câu hỏi và quan sát xem bé phản ứng như thế nào. Chối phăng, lắc đầu, giận dữ, òa khóc,… có thể là một vài biểu hiện cho thấy bé đang rất hoảng sợ và hoang mang cực độ. Lúc này, mẹ nên dừng việc “ép con vào chân tường” và nhẹ nhàng kéo bé vào lòng hỏi han, xoa dịu, dẫn dắt bé dần nói ra chân tướng sự thật và hứa không trách mắng bé.

dau-hieu-giup-me-nhan-biet-tre-dang-noi-doi

Chẳng có bậc phụ huynh nào mong muốn mình rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười này cả. Tuy nhiên, hãy nhớ lại xem: Trong quá khứ chẳng phải ai trong chúng ta cũng đã từng lo lắng vì sợ “cái mũi sẽ dài ra” hay sao? Nói dối là một chuyện, và chuyện con bạn có tiếp tục nói dối hay không, chuyện một lời nói dối vô hại thật ra cũng có thể cứu sống được một linh hồn,… và hàng tỉ những thứ khác nữa. Tất cả phụ thuộc vào sự tinh tế, lòng yêu thương mà bố mẹ “rót” vào những lời dạy bảo con. Thế nên, hãy là một người cha, người mẹ kiên nhẫn và nhạy cảm bố mẹ nhé!

Tags:

Bài viết liên quan