Cứng đầu, bướng bỉnh, không nghe lời… Đó chỉ là những nét tâm lý điển hình ở tuổi teen mà nếu biết cách, bạn vẫn có thể phá vỡ được bức tường vô hình giữa mình và bé.
1. Chấp nhận những “phá cách” của con
Tuổi này, bé luôn muốn gậy sự chú ý của mọi người xung quanh nên việc chăm chút hơn đến ngoại hình, thay đổi 180 độ so với những trang phục mà mẹ đã chọn sẵn trước đó… là điều dễ hiểu. Thậm chí, không tránh khỏi việc một số bé còn học đòi theo ngôi sao này, thần tượng kia để mang những thứ mà bạn cho là “quái dị” lên người. Tuy nhiên, nếu bạn phản ứng mạnh, kiểu như: “Con ăn mặc kiểu gì thế hả?” hay “Có bỏ ngay mấy cái thứ áo quần/ trang sức dị hợm đó không thì bảo!”, thể nào bé cũng ăn mặc ngày càng “dị hợm” hơn.
Điều bạn nên làm là tạm thời “lùi một bước”, chấp nhận ở một mức độ nào đó những nhu cầu thời trang và mỹ phẩm của con. Từ đó mới có thể gần gũi, góp ý con “Thêm cái này vô thì đẹp”, “Mặc với cái này thì hay” hoặc “Con nên nhuộm màu sẫm hơn một tí để không bị nhầm là tóc cháy nắng”… Qua giai đoạn này thì bé sẽ hiểu đâu là “thời trang thực sự” và không lập dị.
2. Tránh ra lệnh, áp đặt con
Đừng nghĩ là ba mẹ thì bạn luôn đúng và có quyền ra lệnh cho con. Bé sẽ không bao giờ hiểu được ý tốt của bạn cho đến khi trưởng thành. Và nên nhớ là ở độ tuổi này, bé cũng đang có tâm lý hiếu thắng, mình là trên hết. Do đó càng ra lệnh, cấm đoán bé cái này, cái kia, bạn chỉ toàn nhận được những kết quả ngược lại.
Thay vì “Con phải làm thế này”, “Con phải làm thế kia”, hay đưa ra một danh sách dài dằng dặc những điều bé không được làm, bạn nên hỏi ý kiến con, lắng nghe con. Thay những quy định cứng nhắc như “Học xong phải về nhà ngay”, bạn có thể trao đổi với bé: “Nếu kẹt việc gì không thể về nhà sau khi học xong, con nhớ báo để mẹ biết nhé!”. Như vậy, bé sẽ ý thức và có trách nhiệm hơn với hành vi của mình.
Bạn cũng nên tránh việc công kích, nói mãi những lỗi lầm cũ của con hay áp đặt theo kiểu “ăn cắp một ngày thành tay ăn trộm” sẽ khiến bé bị ức chế.
3. Tôn trọng sự riêng tư của con
Bất cứ một cô bé, cậu bé tuổi teen nào cũng mong muốn có một không gian của riêng mình và bạn cần tôn trọng điều đó. Không nên cố gắng kiểm soát con bằng việc đọc lén nhật ký, thư tình hay soi mói từng góc phòng xem con có giấu thứ gì bậy bạ trong đó không. Khi đã mất niềm tin với ba mẹ thì bé không thể chia sẻ hay làm theo những lời khuyên bảo của bạn ngay cả khi bé cũng đồng tình với ý kiến đó.
Đừng để phòng riêng của con thành “pháo đài” bạn bất khả xâm phạm, hay con phải khóa phòng kể cả khi ở nhà và làm gì trong ấy bạn không hề hay biết. Tuổi teen rất nhạy cảm, vừa thích riêng tư lại vừa muốn được chia sẻ nên chỉ cần bạn khéo léo quan sát, và biết gợi chuyện đúng lúc, đảm bảo không phản ứng thái quá, bé sẽ tin tưởng tâm sự với bạn hết mọi chuyện.
4. Không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào con
Nghe thì có vẻ hơi… nghịch lý vì nhiều mẹ đã không thể không thốt lên: “Sinh con ra mà, đầu tư bao nhiêu công sức mà không được kỳ vọng vào nó thì còn gì vui sống nữa!”, nhưng thực tế là các bé đều rất sợ ba mẹ kỳ vọng quá nhiều vào mình. Vô hình nó tạo nên một áp lực làm bé căng thẳng và phản ứng ngược lại, không nỗ lực nữa. Điều mà bạn có thể làm được là giúp bé tự tin vào những điểm mạnh của mình, không phải là những việc tốt nhất mà là những việc con thích nhất, phù hợp nhất.
Trên hết, bạn cần thông cảm, khuyến khích con, biết chấp nhận sự giận giữ hay chán nản của con ở một mức độ nào đó. Đồng thời tránh dọa nạt, chê bai bé (mà nhiều mẹ vẫn lầm tưởng là khích tướng để con thay đổi). Khi bạn và con có được sự gần gũi, gắn bó thì tuổi teen của bé sẽ đi qua yên bình và bạn cũng không cần phải lo đối phó với sự “cứng đầu”, khó bảo của con nữa.
Những dấu hiệu bất thường, bạn nên chú ý ở con để sự “cứng đầu” của bé không sa đà vào cực chống đối với ba mẹ:
– Bé hào hứng khi nói chuyện về việc phạm lỗi, ca ngợi những hành động chống đối… Điều này có nghĩa là bé đang nhầm tưởng “cứng đầu”, không nghe lời với những hành động “anh hùng”.
– Bé tự cô lập mình (lẩn trốn, bỏ học giữa chừng), không chịu tham gia các hoạt động chung với mọi người, sống thờ ơ, lặng lẽ.
– Hành vi và tâm trạng của bé có nhiều biến đổi, dễ cáu gắt. Ăn uống thất thường, không còn hứng thú với những món ăn yêu thích trước đó. Ngủ li bì hoặc mất ngủ thường xuyên.
– Sự chán nản cũng có thể làm bé trở nên lì lợm hơn. Do đó, bạn nên cảnh giác khi bé bỗng nhiên mất hết hứng thú trong các hoạt động, thường có cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi. Nghiêm trọng hơn, bé có thể bị ảo tưởng, trở nên hoài nghi người khác hoặc hoài nghi chính mình.
– Nếu bé hay lo sợ, không làm chủ được cảm xúc của mình, thường xuyên gặp ác mộng hay bị ám ảnh bởi những hình ảnh, nhóm nhạc, băng đĩa video… nghĩa là con bạn đang căng thẳng, hoang mang.
– Bé có những biểu hiện xa lánh gia đình, xem thường các quy tắc cư xử và đạo đức. Bắt đầu dùng ngôn ngữ đường phố, kết bè phái hay chúi đầu vào những thứ phục trang chẳng giống ai.