Đau dạ dày khi mang thai là tình trạng khá phổ biến ở thai phụ, đặc biệt mẹ bầu nào có tiền sử bệnh dạ dày thì chắc chắn sẽ khó chịu rất nhiều. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Cách giảm đau nào an toàn và hiệu quả? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu ngay, bầu nhé!
Dấu hiệu của đau dạ dày khi mang thai
Một số triệu chứng của đau dạ dày dễ bị nhầm lẫn với ốm nghén trong quá trình mang thai. Do đó, các dấu hiệu được tổng hợp dưới đây có thể giúp thai phụ xác định được rõ hơn tình trạng sức khỏe của bản thân.
Buồn nôn, ợ chua và ợ nóng
Buồn nôn là dấu hiệu đặc trưng khi bị ốm nghén. Triệu chứng này thường xuất hiện trong 3 tháng đầu của thai kỳ, thậm chí là cho tới lúc sinh mới hết. Tuy nhiên, buồn nôn cũng là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh dạ dày do trào ngược thực quản gây ra.
Chán ăn
Người có bầu thường thay đổi khẩu vị, chưa kể nếu cộng hưởng với việc đau dạ dày thì rất dễ dẫn tới chán ăn, ăn không ngon miệng. Tình trạng chán ăn do đau dạ dày khi mang thai này kéo dài có thể khiến thể trạng suy nhược, mệt mỏi và thai nhi bị nhẹ cân.
Nóng rát dạ dày
Mẹ bầu bị đau dạ dày sẽ xuất hiện tình trạng đầy hơi và cảm giác nóng rát ở dạ dày trong khoảng tháng thứ 3 đến tháng thứ 6 của thai kỳ.
Chướng bụng
Dạ dày bị viêm loét làm ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa thức ăn. Thức ăn tiêu hóa chậm sẽ tồn đọng lâu ngày từ đó gây ra tình trạng khó tiêu, chướng bụng và đầy hơi. Vì thế, đau dạ dày khi mang thai thường đi kèm với tình trạng chướng bụng gây khó chịu cho các mẹ bầu trong thai kỳ.
Đau dạ dày
Từ tuần thứ 7 và thứ 8 của thai kỳ, dạ dày người mẹ bắt đầu tăng dần cảm giác khó chịu. Những cơn đau xuất hiện thường xuyên hơn ở vùng hõm dưới xương ức và trên rốn (hay còn gọi là vùng thượng vị). Đặc biệt những lúc đói hoặc sau khi ăn quá no thì mẹ bầu có thể cảm thấy rất đau. Ngoài ra, cơn đau nằm ở phía bên trên bên trái rốn cũng được cho là dấu hiệu của đau dạ dày.
Phân lẫn máu
Trong trường hợp chảy máu dạ dày khi đi đại tiện sẽ thấy phân có lẫn máu hoặc phân màu đen. Mặc dù tình trạng này ít khi xuất hiện nhưng mẹ vẫn cần để ý để tới ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Vì sao mẹ bầu dễ đau dạ dày khi mang thai?
Những thay đổi trong cơ thể khi mang thai cũng khiến mẹ bầu dễ cảm thấy khó chịu dạ dày và đau dạ dày hơn dù trước đó chưa có bệnh nền về dạ dày. Dưới đây là một số nguyên nhân chủ yếu mà bạn có thể tham khảo:
Ốm nghén
Hội chứng ốm nghén ở phụ nữ mang thai thường gây cảm giác buồn nôn và nôn mửa thường xuyên. Mặc dù không ảnh hưởng tới thai nhi nhưng ốm nghén có tác động đến hoạt động tiêu hóa, kích thích dạ dày co bóp quá mức và làm tăng tiết dịch vị, phát sinh cơn đau.
Nội tiết tố bất ổn
Hormone progesterone có xu hướng tăng lên đột ngột trong khi mang thai. Hormone này có chức năng giữ bào thai trong tử cung và hạn chế nguy cơ sảy thai. Tuy nhiên, progesterone tăng lên bất thường có thể khiến nhu động ruột giảm, làm tăng áp lực ổ bụng và gây kích thích dạ dày. Lúc này dạ dày có xu hướng bài tiết nhiều dịch vị, co bóp quá mức và thường xuyên phát sinh cơn đau.
Tử cung giãn nở
Để bé có đủ không gian phát triển, tử cung của mẹ bắt đầu giãn nở từ tháng thứ 4 của thai kỳ. Hoạt động này đã làm tăng áp lực ổ bụng, gây kích thích dạ dày và ống hậu môn. Thống kê cho thấy, 80% mẹ bầu trong 3 tháng cuối thai kỳ gặp phải các vấn đề tiêu hóa, trong đó phổ biến nhất là đau dạ dày và bệnh trĩ.
Thói quen ăn uống
Thói quen ăn uống cũng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động tiêu hóa của dạ dày. Một số thai phụ bị đau dạ dày là do tăng số lượng thực phẩm trong bữa một cách đột ngột, ăn quá nhiều trái cây có vị chua, thường xuyên ăn đêm…
Căng thẳng thần kinh
Căng thẳng khi mang thai có thể làm tăng áp lực lên dây thần kinh não ruột khiến nhu động ruột giảm, dạ dày co bóp và bài tiết axit quá mức. Việc căng thẳng này xuất phát từ việc nội tiết tố bất ổn, lo lắng về việc nuôi dưỡng và chăm sóc con cái.
Đau dạ dày khi mang thai ảnh hưởng thế nào đến mẹ và bé?
Thông thường đau dạ dày khi mang thai không ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi cũng như không đe dọa quá lớn tới sức khỏe của mẹ bầu. Song, tình trạng này có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống sinh hoạt và hiệu suất lao động của bà bầu.
Nếu bệnh lý tiến triển theo chiều hướng xấu thì mẹ bầu có thể bị sút cân, cơ thể xanh xao và suy nhược. Trẻ sinh ra có hệ miễn dịch kém và trong dạ dày của mẹ hình thành ổ viêm loét nặng ở niêm mạc, tá tràng và thực quản.
Rất ít trường hợp bị đau dạ dày khi mang thai có thể dẫn đến các biến chứng nặng như xuất huyết tiêu hóa và thủng dạ dày. Chính vì thế nếu nhận thấy đau dạ dày khởi phát với tần suất dày đặc và mức độ nghiêm trọng mẹ bầu nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được chỉ định các biện pháp điều trị an toàn.
Cách chữa dạ dày cho bà bầu an toàn
Thiết lập một lối sống và chế độ ăn uống khoa học để giảm thiểu được phần nào các triệu chứng đau dạ dày. Để bản thân không mệt mỏi, các mẹ có thể tham khảo những cách dưới đây nhé!
Thay đổi chế độ ăn uống
Một thói quen ăn uống khoa học sẽ giúp kiểm soát cơn đau dạ dày khi mang thai:
- Mẹ bầu không nên tăng số lượng thức ăn đột ngột. Thay vào đó, cân nhắc theo từng giai đoạn của thai kỳ để bổ sung các nhóm thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe của mẹ và đáp ứng nhu cầu của thai nhi.
- Chia nhỏ khẩu phần ăn (4 – 5 bữa) để giảm áp lực lên dạ dày và cơ quan tiêu hóa.
- Phụ nữ mang thai nên ăn chín uống sôi, ăn chậm nhai kỹ và tránh nằm vận động ngay sau khi ăn.
- Tránh các nhóm thực phẩm và đồ uống gây kích thích lên dạ dày như: rượu bia, nước ngọt có gas, thức ăn nhanh…
- Tăng cường bổ sung nước, vitamin và chất xơ vào chế độ dinh dưỡng. Ngoài tác dụng bù nước và cân bằng điện giải, các thành phần này còn trung hòa dịch vụ, giảm đau dạ dày và ngăn ngừa táo bón.
- Ưu tiên sử dụng các món ăn ít gia vị, kết cấu mềm, lỏng và dễ nuốt, dễ tiêu hóa nhưng giàu dinh dưỡng.
Thói quen sinh hoạt khoa học
- Trong thời gian đầu, thai phụ nên dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể thích nghi với sự thay đổi đột ngột về tâm sinh lý.
- Khi tử cung phát triển lớn, mẹ bầu nên ngừng hẳn công việc và dành toàn bộ thời gian để nghỉ ngơi. Làm việc trong giai đoạn này có thể khiến đầu óc căng thẳng và kích thích đau dạ dày.
- Đặt sức khỏe của con lên vị trí ưu tiên, cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi nhằm hạn chế stress và lo âu quá mức.
- Sau 3 tháng đầu thai kỳ nên bắt đầu luyện tập các động tác có cường độ nhẹ nhàng. Việc luyện tập không chỉ cải thiện khung xương và nâng cao sức khỏe mà còn giúp điều hòa nhu động ruột và giảm cơn đau dạ dày
- Giải tỏa căng thẳng với một số biện pháp như ngồi thiền, nghe nhạc, đọc sách,…
Bị đau dạ dày khi mang thai có được dùng thuốc?
Khi mang thai mẹ không nên dùng bất kỳ loại thuốc giảm đau dạ dày nào vì có thể gây ra tác dụng phụ, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, các cơ quan như tim, thần kinh trung ương, tay, chân… của thai nhi hình thành, nên việc sử dụng một số thuốc chữa đau dạ dày khi mang thai 3 tháng đầu dễ gây ra dị tật, quái thai.
Ba tháng giữa thai kỳ, dù thai nhi ít nhạy cảm với thuốc hơn nhưng vẫn có những bộ phận tiếp tục biệt hóa như hệ thần kinh và sinh dục bên ngoài nên thuốc có thể gây hại trực tiếp lên những bộ phận này. Chính vì thế, nếu đau dạ dày ở những tháng giữa này và muốn sử dụng thuốc thì nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Đối với thai nhi ở ba tháng cuối thai kỳ, mặc dù các bộ phận của bé đã gần như hoàn thiện nhưng vẫn chưa thực sự hoạt động tốt, ví dụ như gan thận chưa đào thải, gan chưa làm tốt chức năng chuyển hóa nên thuốc cũng gây ảnh hưởng đến thai nhi, cho trẻ sinh ra và cho cả mẹ khi sinh nở. Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải dùng thuốc trong trường hợp nặng thì mẹ bầu không nên tùy tiện mua về sử dụng mà phải được sự đồng ý và kê đơn của bác sĩ.
Đau dạ dày khi mang thai là hiện tượng thường thấy khi phụ nữ mang thai. Mặc dù không quá nguy hiểm tới sức khỏe của thai nhi và mẹ, nhưng nếu quá đau thì mẹ bầu nên đi khám để xin lời khuyên từ bác sĩ nhé!