Mẹ và Con - Đột nhiên bố mẹ phát hiện nhiều điểm thay đổi trên cơ thể con nhưng bé chưa đến tuổi dậy thì. Phải chăng trẻ dậy thì sớm? Hãy cùng Mẹ và Con tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu và hướng điều trị của bệnh lý này nhé!

Theo BSCK2. Hoàng Ngọc Quý – Trưởng khoa Thận – Nội tiết, BV Nhi Đồng 2 – “Hiện tại, bệnh viện Nhi Đồng 2 đang quản lí khoảng 500 trẻ dậy thì sớm.  Nếu như những năm trước, mỗi tháng bệnh viện chỉ tiếp nhận khoảng 5 bệnh nhân mới có chỉ định điều trị, thì chỉ trong 10 tháng đầu năm 2019, bệnh viện có thêm gần 100 ca bệnh mới, làm tăng đột biến số lượng bệnh nhân cộng dồn hàng năm, gây khó khăn cho công tác điều trị…

Ảnh hưởng khi trẻ dậy thì sớm

Gây ảnh hưởng đến tâm lý

Nếu như trẻ dậy thì sớm các bộ phận trên cơ thể của trẻ cũng sẽ có những thay đổi nhất định. Những vị trí này sẽ phát triển hơn bạn bè cùng trang lứa, từ đó tâm lý của trẻ sẽ ngại ngùng vì “mình khác với các bạn”. Điều đó dễ làm cho trẻ có tâm lý tự ti, thậm chí là để lại di chứng cho trẻ đến khi trưởng thành.

Dậy thì đi kèm theo những thay đổi về tâm lý, hành vi, nhận thức của trẻ, thông thường trẻ thường có xu hướng muốn khám phá, tìm tòi những vấn đề riêng biệt, nhạy cảm, kèm theo đó là những bất ổn về cảm xúc, thường xuyên cáu gắt…

Ham muốn tình dục quá sớm

Trẻ dậy thì sớm không chỉ ảnh hưởng về mặt thể chất, ngay cả tâm sinh lý của trẻ cũng có nhiều thay đổi. Đặc biệt là ham muốn về sinh lý trước tuổi. Nhưng do suy nghĩ còn non trẻ, tuổi đời còn nhỏ, khả năng kiềm chế kém nên sẽ dễ sa chân vào cạm bẫy của xã hội. Đã có rất nhiều trường hợp mang thai trước tuổi vị thành niên nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục.

cách khắc phục trẻ dậy thì sớm

Ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ

Ảnh hưởng rõ nhất của trẻ dậy thì sớm là phát triển tăng nhanh theo tuổi xương, làm cho trẻ nhìn cao hơn so với các bạn cùng lớp. Tuy nhiên, dậy thì sớm sẽ làm cho đầu xương đóng khép sớm, rút ngắn thời kỳ sinh trưởng, từ đó ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ khi dậy thì, trưởng thành. Tức là so với bạn bè cùng trang lứa thì trẻ sẽ cao hơn trước, nhưng đến độ tuổi trường thành chiều cao của trẻ khi dậy thì sớm sẽ thấp hơn rất nhiều so với bạn bè.

Tăng nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm

Trẻ dậy thì sớm cần đi khám để xác định rõ nguyên nhân, phòng trường hợp đáng tiếc xảy ra. Nếu dậy thì sớm do sự kích hoạt của não như u não, tổn thương não… rất dễ dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Nếu trẻ dậy thì sớm do bất thường của hormon sinh dục có thể là nguy cơ tiềm ẩn một số bệnh như ung thư vú, ung thư dạ con, ung thư buồng trứng ở bé gái. Dậy thì sớm ở bé trai còn có thể dẫn đến vô sinh nếu không được điều chỉnh kịp thời.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dậy thì sớm

Dậy thì sớm thường được xác định là dậy thì khởi phát trước 8 tuổi (bé gái) và trước 9 tuổi (bé trai). Nhưng các mẹ cần lưu ý là độ tuổi trên chỉ mang tính tham khảo và tương đối thôi nhé, hiện nay có hai luồng ý kiến về độ tuổi của trẻ dậy thì sớm này. Một số chuyên gia cho rằng cần hạ độ tuổi nói trên, những nhóm khác lại nói rằng làm như vậy sẽ khó xác định những trẻ nào cần được điều trị.

Phần lớn dậy thì sớm ở cả bé trai lẫn bé gái đơn thuần chỉ là sự phát triển trước thời hạn. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều trường hợp dậy thì sớm là biểu hiện của một số bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể. Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến:

Dậy thì sớm trung ương: do nồng độ GnRH tăng cao dẫn đến sự bài tiết quá mức hormon sinh dục. GnRH tăng cao có thể do các nguyên nhân sau: khối u trong não hoặc tủy sống, viêm màng não, bức xạ vào não hay cột sống, suy giáp (tuyến giáp không sản xuất đủ hormon)… đối với các trường hợp này bố mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay để có hướng điều trị kịp thời.

Dậy thì sớm ngoại vi: dạng này ít phổ biến hơn so với dậy thì sớm trung ương. Nguyên nhân không phải do nồng độ GnRH, mà do chính bản thân các hormon sinh dục tăng cao. Nhiều bệnh lý có thể dẫn đến việc gia tăng sản xuất estrogen và testosterone gồm: Khối u ở tuyến thượng thận; hội chứng McCune-Albright, Tăng sản thượng thận bẩm sinh; tiếp xúc với các nguồn estrogen hay testosteron bên ngoài, chẳng hạn như các loại kem hoặc thuốc mỡ, u nang buồng trứng, khối u buồng trứng…

Hướng điều trị thích hợp như thế nào?

Nếu bố mẹ nhận thấy con mình có những biểu hiện khi trẻ dậy thì sớm bất thường về ngoại hình, tâm sinh lý so với bạn bè đồng trang lứa thì nên đưa trẻ đến các bệnh viện nhi để có những chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Khi nghi ngờ tình trạng dậy thì của bé do các nguyên nhân bất thường, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm để xác định các bệnh lý tiềm ẩn:

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu để phát hiện hàm lượng hormon bất thường.
  • Chụp cắt lớp, cộng hưởng từ và siêu âm giúp phát hiện các khối u
  • Chụp XQuang cổ tay để xác định tốc độ trưởng thành của xương. Nếu xương già nhanh so với tuổi

Một lưu ý quan trọng để cùng con vượt qua giai đoạn này là bạn nên giữ bình tĩnh, giải thích cho con hiểu đây là những thay đổi bình thường trên cơ thể và ai cũng sẽ trải qua. Bên cạnh đó, các mẹ nên hướng dẫn bé gái dùng băng vệ sinh, cũng như dạy bé biết bảo vệ bản thân trước mọi người.

Phòng ngừa dậy thì sớm cho bé yêu

Trẻ dậy thì sớm ở trẻ có thể bắt nguồn từ một số bệnh lý bên trong cơ thể, nhưng cũng có thể do chế độ ăn uống, sinh hoạt không phù hợp. Dưới đây là một số giải pháp giúp giảm thiểu tình trạng dậy thì sớm ở bé gái:

Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bạn nên xây dựng một chế độ ăn uống cho trẻ thật phong phú, đầy đủ dưỡng chất, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn như đồ đóng hộp, xúc xích… các thức ăn chiên ngập dầu, chất béo bão hòa, nhiều đường.

Bên cạnh đó các bạn cần chọn những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh mua phải những thực phẩm trôi nổi không uy tín, thực phẩm chứa các hormone tăng trưởng ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.

nguyên nhân trẻ dậy thì sớm

Chế độ tập luyện khoa học: Các bạn nên thường xuyên khuyến khích trẻ tập thể dục ít nhất là 30 phút mỗi ngày. Các môn thể thao thích hợp cho bé như bơi lội đá cầu, nhảy dây, đá bóng, bóng rổ… những môn thể thao này không chỉ giúp trẻ rèn luyện thể chất, còn mang đến lợi ích về mặt trau dồi kỹ năng sống của trẻ.

Hạn chế cho tiếp xúc với estrogen và testosterone: ba mẹ cần lưu ý khi cho trẻ sử dụng sản phẩm kem, thuốc có thành phần liên quan đến hormon sinh dục. Tốt nhất là nên thông qua ý kiến của bác sĩ khi bôi hay cho trẻ dùng bất kỳ loại thuốc lạ nào.

Bản thân trẻ dậy thì sớm sẽ rất hoang mang, nên bố mẹ cần giữ bình tĩnh và luôn đồng hành cùng con để vượt qua giai đoạn này. Mẹ và Con chúc gia đình bạn luôn vui khỏe nhé!

Bài viết liên quan