Mẹ&Con - Lên ba, trẻ bắt đầu chính thức rời gia đình để gia nhập một môi trường mới: trường mẫu giáo. Trẻ lên ba cũng là giai đoạn mẹ “sợ” nhất, vì đứa con bé bỏng ngoan ngoãn ngày nào bỗng trở nên… ương bướng và khó bảo một cách đáng ngạc nhiên! Lên 3, con thay đổi tâm lý, tính cách Tâm lý trẻ khi cha mẹ ly hôn Dạy con theo tính cách

Như trang giấy trắng bắt đầu được… viết vẽ!

Khủng hoảng tuổi lên 3

Ở tuổi lên 1, lên 2, dù trẻ vẫn có tiếp xúc chút ít với những người xung quanh nhưng thật ra điều đó không nhiều. Tất cả những tiếp xúc và ảnh hưởng của trẻ chủ yếu đến từ bố mẹ, ông bà. Tuy nhiên, bắt đầu ở tuổi lên 3, bước vào môi trường mẫu giáo, trẻ sẽ ảnh hưởng rất lớn từ những thầy cô, bạn bè mà trẻ quen biết tại trường.

Môi trường lạ, bước đầu trẻ có thể có những “cú sốc tâm lý” nho nhỏ. Ngoài ra, trẻ sẽ nhanh chóng hình thành thêm nhiều khả năng mới và cảm xúc mới tại trường. Bố mẹ cũng khá bất ngờ vì con mình ở tuổi này thường có những biểu hiện tâm lý khá đặc biệt và phức tạp. Trẻ xuất hiện tính ngang bướng, ích kỷ, không chịu cho bạn bè chơi cùng, không cho khách chạm đến những đồ vật trong nhà… Với những yêu cầu bố mẹ đưa ra, trẻ cũng thích làm trái lại, thích tự làm chứ không muốn để cho bố mẹ “giúp” nữa.

Một số bé (nhất là bé gái) vượt qua giai đoạn này khá dễ dàng. Tuy nhiên, một số bé khác, đặc biệt là bé trai, giai đoạn này là một thử thách khó khăn của con. Bé cần nhận được sự quan tâm, yêu thương và hỗ trợ của cả bố mẹ lẫn nhà trường.

Khủng hoảng tuôi lên 3

Một số mẹo bạn có thể áp dụng với trẻ lên 3

      Khi trẻ…                                                 Bạn nên…
Hét hò, quẫy đạp, khóc lóc ăn vạ, đòi cho bằng được cái gì đó, bạn không chịu thì bé lăn ra đất…  Đừng gào thét, đánh mắng con. Bạn chỉ cần không quan tâm, lờ đi và tập trung làm việc của mình hoặc bỏ sang phòng khác. Những cơn “hét hò” của trẻ lên 3 chẳng qua chỉ là chiến thuật thu hút sự chú ý mà thôi. Khi không nhận được sự quan tâm thì chúng sẽ tự kết thúc. Giống như vở kịch không thể trình diễn nếu không có khán giả. Cách làm này của bạn còn giúp trẻ hiểu ra rằng làm nư, quấy khóc, hét hò không phải là biện pháp tốt và nó chẳng mang đến tác dụng gì cho trẻ cả. 
Trẻ phạm lỗi, bị bố mẹ phạt. Thế là con khóc thảm thiết, bày đủ cách “xin” bố mẹ… động lòng.  Hãy cương quyết! Trẻ lên 3 đã đến tuổi cần học được thế nào là kỷ luật và quy tắc. Một khi bạn đã ra những quyết định cuối với con thì nên cố đừng nhượng bộ, dù trẻ có giở trò khóc, dỗi, xin xỏ một cách “đáng thương” thế nào đi nữa. Bạn không nên đánh mắng hay dùng những biện pháp “trừng phạt” khắc nghiệt. Nhưng một khi đã đưa ra kỷ luật, chẳng hạn “con hư vậy thì sẽ không được đi chơi cuối tuần cùng gia đình”, hãy chứng tỏ cho trẻ thấy quy tắc là bất di bất dịch. Sự cứng rắn này của bạn chỉ sau vài lần áp dụng sẽ mang đến kết quả mỹ mãn ngay. Trẻ trở nên ngoan một cách không ngờ. 
Trẻ quyết liệt đòi một thứ gì đó mà bạn không thể cho, không thể làm theo…  Thay vì ngồi đó tranh cãi, hò hét với con lý do tại sao bạn không đồng ý, hãy đề nghị trẻ làm một việc gì đó hoàn toàn không liên quan. Chẳng hạn như, bé nằng nặc đòi ra công viên trong khi đã quá trễ, bạn có thể bảo: “A, bố về… bố về… chúng ta thi chạy ra cổng đón bố xem ai chạy nhanh hơn”. Chiến thuật “phân tâm” này có tác dụng với trẻ lên 3. Bé sẽ dễ dàng quên ngay thứ vừa đòi, bị thu hút vào một điều mới mẻ khác. 
Có biểu hiện “vâng lời” dù chỉ một chút, chịu “thỏa hiệp” với bố mẹ một chút sau những cơn đòi hỏi, ăn vạ “quá đáng”… Lập tức khen ngợi và khuyến khích trẻ. Dùng lời lẽ ôn hòa, thuyết phục, để trẻ nhận ra rằng cách “thỏa hiệp”, vâng lời bố mẹ sẽ mang đến kết quả tốt hơn. Nhớ là với trẻ lên 3, bạn cần tỏ thái độ tôn trọng bé, hỏi ý kiến bé một số vấn đề rồi nhé. Trẻ sẽ thấy khi trẻ “thỏa hiệp” được với người lớn thì kết quả mang đến sẽ tốt hơn. 
Con muốn tự mình đưa ra những quyết định thay vì nghe lời bố mẹ.  Không sao cả! Phản ứng này rất bình thường trong quá trình khẳng định cái tôi cá nhân. Bạn hãy học cách tôn trọng con và đưa ra cho bé những chọn lựa khác nhau để bé được quyền “chọn” một. Chẳng hạn, có thể cho bé chọn giữa ăn loại trái cây nào, mặc chiếc áo màu nào… 

Những kỹ năng bạn nên dạy bé lên 3

Khủng hoảng tuổi lên 3

– Tập cho bé quen với môi trường có bạn bè, thầy cô. Bước đầu có thể đưa bé đến trường chơi, xem các bạn học. Sau đó cho bé dự thính vào lớp và tăng dần thời gian bé ở trường cho đến khi bé thật sự quen. 

– Tập cho bé các kỹ năng như tự rửa tay, rửa mặt, xúc ăn và mặc quần áo.

– Nói với cô giáo, bảo mẫu thói quen ăn uống, sinh hoạt, tính cách của bé để họ biết cách chăm sóc bé, tránh mọi sự thay đổi quá đột ngột.

– Nếu bé bắt nạt hay không chia sẻ đồ chơi với bạn cùng lớp, bạn nên uốn nắn ngay khi bé kể chuyện ở lớp hoặc thông qua giáo viên.

Bé lên 3 ương bướng là hiện tượng tâm lý bình thường. Vì vậy, khi thấy con có những hành vi thái quá thì chớ nên quy chụp cho bé là hư. Không nên quát mắng, nhất là đánh. Bởi điều đó chỉ làm các bé thêm “dữ dội”. Tuy nhiên, chiều chuộng theo mọi yêu cầu của con cũng không phải cách, nó sẽ khiến bé nghĩ rằng khóc lóc, ăn vạ hay đập phá là cách tốt, để bố mẹ đáp ứng yêu cầu.

Những thay đổi nổi bật của con

* Ba tuổi, thị giác của bé đã phát triển rất tốt. Bé có thể nhìn được mọi thứ trong tầm ngắm giống như mắt người lớn, trong đó có khả năng nhận biết về khoảng cách, chiều sâu và sự chuyển động. Bé cũng đã nhận biết được về màu sắc.

—> Bạn có thể cho con chơi trò chơi ghép những đồ vật cùng nhóm lại với nhau, dựa trên sự tương đồng về màu sắc, kích thước, hình dáng. Bằng cách này, có thể luyện cho bé phát triển kỹ năng nhận biết về màu sắc.

* Trẻ 3 tuổi rất tò mò. Bé có thể đặt đủ mọi câu hỏi khác nhau và bất cứ căn phòng nào trong nhà cũng thích vào. Người lạ đến nhà chơi, bé rất thích được “khám phá” trong giỏ xách của khách… có gì. Những điều này khiến bạn đôi khi phát mệt để “chạy theo” con, ngăn con không được làm điều này điều kia.

—> Thay vào đó, bạn nên đưa bé đến một số nơi để con có thể thỏa sức khám phá, học hỏi mà không bị ngăn cấm. Bạn cũng cần dạy cho bé biết một số giới hạn “không được” (ví dụ không được vào phòng riêng của cô chú, không được lục giỏ xách của khách…). Tuy nhiên cần làm điều này hết sức nhẹ nhàng.

* Trẻ lên 3 đã có khả năng bước đầu xử lý những thông tin mà bé thu nhận được, cũng như đã hiểu biết khá nhiều về nguyên nhân, kết quả. Bé sẽ hỏi bạn khá nhiều và đưa ra những suy luận khiến bạn bất ngờ.

—> Có thể công việc của bạn khá bận rộn, nhưng hãy dành khoảng thời gian này để trò chuyện với con càng nhiều càng tốt. Đây là quá trình rất quan trọng của bé, để học hỏi, rèn luyện trí não, tập cách suy nghĩ logic… Nên cho bé chơi những trò chơi giúp phát triển khả năng suy nghĩ.

Chơi trò gì giúp bé thông minh?

Ba tuổi, não bộ của trẻ sẽ có sự phát triển vượt bậc, đặc biệt là não trước. Đây là vùng não phụ trách tư duy, nên khả năng suy nghĩ của trẻ lên 3 tiến bộ đáng kể. Trước 3 tuổi, việc giáo dục chủ yếu tập trung vào dạy trẻ quan sát, ghi nhớ. Song từ 3 tuổi trở đi cần phải chuyển dần sang giáo dục tư duy, tức là khuyến khích trẻ tự suy nghĩ.

Vào thời kỳ này, phải cho trẻ chơi những đồ chơi đòi hỏi sự vận dụng đầu óc suy nghĩ. Ví dụ như bộ đồ chơi gồm các miếng gỗ dẹt hình tam giác, hình tròn, hình vuông bằng các màu khác nhau (xanh, đỏ, vàng…). Trẻ có thể xếp thành vô vàn những hình thù khác nhau, tạo ra “thế giới” theo cách suy nghĩ và kinh nghiệm của trẻ. Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ xếp thành tàu, xe, chim, vườn thú, công viên…

Trẻ 3 tuổi đôi khi có đồ chơi thường giấu đi không cho bạn mượn. Đây là những biểu hiện thiếu kỹ năng tương tác nhóm. Khi thấy con có biểu hiện đó, cha mẹ nên đưa trẻ ra chơi ở các khu vui chơi công cộng, công viên nhiều hơn, để trẻ làm quen với bạn bè, học dần cách phát triển kỹ năng xã hội như hợp tác nhóm.

 

Tags:

Bài viết liên quan