Đã bao giờ bạn nghĩ rằng, con mình đang có suy nghĩ tự sát? Và nếu chẳng may phát hiện ra con đang có tổn thương về mặt tinh thần và muốn từ bỏ cuộc sống này, cha mẹ nên làm gì? Có lẽ, đây là một câu hỏi khó mà không phải bậc phụ huynh nào cũng có câu trả lời.
“Báo động đỏ” về tỷ lệ tự sát ở trẻ vị thành niên
Các thống kê cho thấy, khoảng 46.000 trường hợp trẻ em tử vong do tự sát mỗi năm và con số này ngày càng gia tăng. Có thể nói, đây là một vấn đề đáng báo động, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển như Mỹ hay Nhật Bản và cả các quốc gia đang phát triển như tại Việt Nam.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng từng đưa ra thống kê, cứ mỗi 40 giây trên thế giới, có 1 người có suy nghĩ tự sát, muốn tìm đến cái chết. Thậm chí, hành vi tự sát được xem là nguyên nhân tử vong cao thứ 2 trên thế giới ở những người trong độ tuổi từ 15 đến 29, chỉ sau số người tử vong do tai nạn giao thông.
Tổ chức Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cũng từng cảnh báo, trên thế giới mỗi ngày có đến khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự sát. Và tự tử cũng nằm trong nhóm 5 nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ từ 10 đến 19 tuổi.
Bạn có thể hình dung rằng, cứ 11 phút trôi qua thì trên thế giới lại có 1 trẻ em chọn cách tự kết thúc cuộc đời mình.
Những con số đau lòng trên chính là hồi chuông cảnh báo đối với nhiều bậc phụ huynh và gia đình trong việc chú ý hơn đến tâm tư, tình cảm và cảm xúc của trẻ để kịp thời hỗ trợ và can thiệp.
Vì sao tỷ lệ trẻ em tự sát ngày càng tăng lên không kiểm soát?
Tại Việt Nam, gần 26.3% trẻ vị thành niên bị trầm cảm. Và trong số đó, hơn 6.3% trẻ nghĩ về cái chết, 4.6% trẻ có suy nghĩ tự sát và lên kế hoạch cho việc này. Và tỷ lệ trẻ cố gắng thực hiện hành vi tự sát lên đến 5.8%.
Có thể thấy, một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy nghĩ tự kết thúc cuộc đời ở trẻ đó chính là do trầm cảm, rối loạn lo âu – những vấn đề sức khỏe tâm thần cực kỳ phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trong lứa tuổi dậy thì hay vị thành niên.
Sự biến đổi nhanh chóng về mặt tâm sinh lý khiến trẻ dễ nhạy cảm hơn với môi trường xung quanh hay những lời nói, tác động từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè,… Vì thế, trẻ cũng dễ rơi vào bế tắc, trầm cảm và chọn tự sát như một cách để kết thúc những vấn đề của mình.
Cụ thể, tại Việt Nam, nhiều trẻ em có suy nghĩ tự sát do áp lực học tập, do chính sức ép của phụ huynh muốn con có được những thành tích học tập tốt nhất. Ngoài ra, những lời chỉ trích từ gia đình hay tình trạng bạo lực học đường, trẻ bị bạn bè cô lập, thường xuyên bị thầy cô phê bình,… cũng chính là nguyên nhân khiến trẻ có suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát, có hành vi tự làm hại bản thân mình và có suy nghĩ tự sát.
Dấu hiệu cảnh báo trẻ đang có ý định tự sát
Khi trẻ có suy nghĩ tự sát, con sẽ có những biểu hiện như thế nào? Theo đó, nhiều trường hợp khi trẻ rơi vào trạng thái chán nản, lo âu và trầm cảm sẽ có những biểu hiện bất thường như không nghe lời cha mẹ, không hứng thú với những hoạt động xung quanh mình.
Cụ thể, các biểu hiện thường gặp ở trẻ bị sang chấn tâm lý và có suy nghĩ tự sát bao gồm:
- Thường xuyên mệt mỏi, ủ rũ, buồn rầu, chán nản
- Không còn hứng thú với những hoạt động diễn ra xung quanh, thậm chí là những hoạt động hay trò chơi mà trước đây trẻ từng yêu thích
- Than thở, cho rằng bản thân mình bất tài, vô dụng hoặc luôn cảm thấy tội lỗi
- Sống khép kín, không giao tiếp nhiều với cha mẹ hay bạn bè, người thân xung quanh
- Suy giảm trí nhớ, mất tập trung
- Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ
- Tự hạ thấp giá trị bản thân
- Đề cập đến cái chết
- Có hành vi tự làm tổn thương bản thân
- Không nghe lời, chống đối cha mẹ, thầy cô hay người lớn
- Tò mò, tỏ ra có hứng thú hoặc tàng trữ những món đồ có thể giúp trẻ thực hiện hành vi tự sát
Dù những biểu hiện này tương đối dễ nhận biết nhưng nhiều cha mẹ lại cho rằng đó là dấu hiệu khi trẻ hư hỏng hoặc tính khí “ẩm ương” do tuổi dậy thì nên ít quan tâm.
Xem thêm:
- 5 Tư tưởng nuôi dạy con cực sai lầm mà bố mẹ nên tránh xa
- Cách nuôi dạy con thành người vừa “có tài, có đức”
Làm gì nếu thấy trẻ có suy nghĩ tự sát?
Không trách phạt trẻ
Với tâm lý lo lắng cho con và nghĩ rằng “thương cho roi cho vọt”, nhiều cha mẹ chọn cách la mắng, trách phạt trẻ khi biết con có suy nghĩ tự sát. Tuy nhiên, việc này chỉ khiến trẻ thêm tổn thương và đẩy những suy nghĩ của trẻ theo chiều hướng tiêu cực hơn, khiến con dễ tự vẫn hơn.
Tìm cách cất giấu và thu hồi những vật dụng nguy hiểm
Nếu có suy nghĩ tự sát, trẻ sẽ bắt đầu lên kế hoạch và cất giấu những đồ vật có thể tự sát như thuốc hay các đồ vật sắc nhọn. Do đó, nếu thấy trẻ có sự bất thường trong biểu hiện tâm lý thì cha mẹ nên tìm kiếm và cất giấu, thu hồi đi những vật dụng nguy hiểm này.
Quan tâm, dành thời gian chia sẻ với con
Khi con có suy nghĩ tự sát, điều mà cha mẹ có thể hành động đó chính là sự chia sẻ với con cái của mình. Hãy dành thời gian để quan tâm con, lắng nghe con tâm sự. Chính sự san sẻ và đồng cảm của cha mẹ chính là liều thuốc quý giá để trẻ có thể chữa lành những thương tổn trong tâm hồn và giải thoát trẻ khỏi những suy nghĩ tiêu cực.
Mỗi người cha, người mẹ cần dành nhiều thời gian để động viên con, lắng nghe con, trò chuyện với con. Và đừng quên, việc kiềm chế cảm xúc bản thân, không đưa ra những lời trách móc hay phán xét sẽ cực kỳ quan trọng khi bạn “vỗ về” cảm xúc của trẻ.
Nhìn nhận bản thân
Những suy nghĩ tự sát của trẻ có thể xuất phát từ chính áp lực hay tổn thương tâm lý do cha mẹ tạo ra. Vì thế, bạn nên tự nhìn nhận bản thân và chấp nhận rằng, người lớn cũng sai và cũng cần sửa sai. Sự thay đổi từ cha mẹ sẽ phần nào bù đắp cho trẻ và có thể xoa dịu suy nghĩ tự sát của trẻ.
Giải quyết nguyên nhân
Để giải quyết được vấn đề thì bạn phải giải quyết từ nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Với trẻ muốn tự tử, để ngăn chặn hành vi này thì cha mẹ cần tìm ra nguyên nhân khiến trẻ hình thành suy nghĩ tiêu cực là gì. Liệu con có đang bị bạn bè trêu chọc hay có đang bị ai tấn công? Điều gì đã khiến con trở nên trầm cảm? Con có đang bị lạm dụng tình dục?
Sau khi tìm ra nguyên nhân, cha mẹ nên giải quyết triệt để nguyên nhân này để tránh trẻ có suy nghĩ tự sát về sau. Và cần nhớ rằng, trẻ sẽ không dễ dàng chia sẻ với cha mẹ về nguyên nhân thật sự nên bạn cần bình tĩnh và kiên nhẫn với trẻ, tránh “tra khảo” hay bắt ép trẻ phải nói vì đây cũng là một biểu hiện bạn đang “tra tấn tinh thần” của con.
Đưa trẻ đến khám tại chuyên khoa tâm thần
Khi trẻ có suy nghĩ tự sát, điều đó cho thấy trẻ đang có vấn đề về sức khỏe tinh thần. Do đó, tốt nhất cha mẹ nên tìm cách để đưa con đến gặp các chuyên gia tâm lý để có thể hỗ trợ và tư vấn cho trẻ.
Có thể ban đầu trẻ sẽ không chấp nhận việc đi khám này và cho rằng mình vẫn hoàn toàn bình thường. Vì thế, cha mẹ nên dùng lời nói nhẹ nhàng để khuyên bảo con thay vì bắt ép con phải “đi khám bệnh”.
Và dù cho có đưa con đi khám thì cha mẹ cũng không nên phó mặc mọi chuyện cho bác sĩ hay chuyên gia tâm lý mà vẫn phải đồng hành cùng con trong quá trình thăm khám, điều trị bởi chính tình yêu thương, sự chia sẻ của cha mẹ mới là liều thuốc tốt nhất mà trẻ cần trong mọi giai đoạn cuộc đời.
Chấp nhận sự thật rằng con cái đang đối diện với những khó khăn về mặt tâm lý có thể là một trong những thách thức lớn nhất mà cha mẹ có thể gặp phải. Đôi khi, đứng trước sự thật đau lòng là con mình có suy nghĩ tự tử, lòng can đảm để đối mặt và sự sẵn lòng để hỗ trợ là điều quan trọng nhất.
Trên con đường đầy gai góc này, việc đầu tiên mà cha mẹ cần làm không chỉ là tìm hiểu về những gì con mình đang trải qua mà còn phải học cách làm thế nào để bảo vệ trẻ và chữa lành những tổn thương bên trong con, tuyệt đối tránh xa suy nghĩ tự sát.