Nhiều người dạy con đánh trả mỗi khi con bị bạn đánh. Cũng có người cho rằng, “một điều nhịn là chín điều lành” nên khuyên con nên nhẫn nhịn chịu đựng. Tuy nhiên, có nhiều cách hơn để ứng xử trong trường hợp này. Hãy cùng tham khảo cách ứng xử của bố mẹ văn minh khi con bị bạn đánh nhé!
4 Kiểu bố mẹ dễ thấy khi con bị bạn đánh
Kiểu 1: Không có lửa sao có khói
Nhiều bố mẹ khi nghe tin con mình bị bạn bè bắt nạt thì thái độ đầu tiên chính là hỏi con xem liệu con đã làm gì bạn và chắc chắn rằng bạn bè của con phải có lý do thì mới cư xử với con như vậy. Kiểu bố mẹ này không đặt niềm tin vào con mình mà luôn cho rằng, người có lỗi là con.
Vì cách cư xử của bố mẹ chưa bao giờ đứng về phía trẻ khi con bị bạn đánh mà nhiều đứa trẻ vừa phải chịu bạo hành thể xác từ bạn bè vừa chịu tổn thương tinh thần từ chính bố mẹ của mình. Những vết thương do con bị bạn đánh có thể sớm lành nhưng những vết thương từ sự thiếu tin tưởng của những người mình yêu thương có thể sẽ kéo dài cả đời…
Kiểu 2: Đáp trả
“Tại sao con không đánh lại bạn” là câu hỏi mà nhiều người bố, người mẹ đã thốt lên khi con bị bạn đánh.Không khó để thấy, nhiều bố mẹ dạy con mình phải đánh trả nếu bị bạn bè bắt nạt hay mỗi khi có xung đột với những người xung quanh mình.
Còn nếu như con nhút nhát, không tự tin và không dám tấn công ngược lại bạn bè của mình thì sẽ như thế nào? Lúc này, bố mẹ sẽ trực tiếp tìm đến người đã đánh con mình để “dằn mặt”, thậm chí đánh trả cả phụ huynh bạn của con chỉ để “trả thù” giúp cho con của mình.
Nếu bạn chỉ dạy con đáp trả mỗi khi con bị bạn đánh thì con sớm muộn sẽ trở thành kiểu người bạo lực và chỉ viết sử dụng nắm đấm để giải quyết vấn đề.
Xem thêm:
- Vấn nạn bạo lực học đường đã phát triển thành những dạng nào?
- Dạy con ứng xử văn minh trên mạng xã hội, làm sao cho đúng?
Kiểu 3: Tìm người chịu trách nhiệm
Khi con bị bạn đánh, phụ huynh có thể lên trường tìm giáo viên chủ nhiệm và trách móc vì sao lại không quản lý học sinh, để xảy ra tình trạng học sinh đánh nhau. Hoặc họ có thể tìm phụ huynh của đứa trẻ bắt nạt con mình để “hỏi tội”.
Với kiểu bố mẹ này, phải có người chịu trách nhiệm cho hành vi đánh con mình mà không cần quan tâm đến việc con đúng hay sai. Có người chỉ mong muốn một lời xin lỗi nhưng cũng có người mong muốn phải có vật chất để bù đắp thì mới gọi là chịu trách nhiệm.
Kiểu bố mẹ bất chấp đứng về phía trẻ này rất dễ biến trẻ thành kiểu người không biết đúng sai bởi với trẻ, bắt buộc phải có người chịu hậu quả cho những việc xảy ra với cuộc đời của mình và mình cần tìm được người để “ăn vạ”.
Kiểu 5: Tố cáo trên mạng xã hội
Không thể phủ nhận mạng xã hội giúp chúng ta tiếp cận với thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn. Vì thế, cũng có không ít phụ huynh mang mọi thứ lên mạng, kể cả việc con bị bạn đánh, dù không rõ đúng sai.
Họ có thể sẵn sàng đăng tải toàn bộ hình ảnh, thông tin của đứa trẻ đã đánh con mình hay thậm chí là gia đình của đứa trẻ ấy. Họ sẵn sàng để cộng đồng mạng chỉ trích đứa trẻ, lấy lại công lý cho mình và thấy vui vẻ khi câu chuyện được nhiều người quan tâm.
Kiểu 4: Lắng nghe và phân định đúng sai
Đây là kiểu bố mẹ hành xử văn minh khi biết con bị bạn đánh. Phản ứng đầu tiên sẽ là kiểm tra tình trạng sức khỏe của con và các vết thương của con. Kiểu bố mẹ này sẽ cho con biết rằng, bố mẹ hiểu được cảm giác của con hiện tại và an ủi để trấn an tinh thần của trẻ, rồi mới tâm sự cùng con và cùng con tìm hiểu ngọn ngành sự việc.
Làm gì khi con bị bạn đánh hoặc bị bạn bắt nạt?
Có rất nhiều cách để chúng ta phản ánh nếu thấy con bị bạn đánh hoặc có xảy ra xung đột với bạn bè của mình. Tuy nhiên, không phải cách xử lý nào cũng tốt.
Thậm chí xử lý không khôn khéo còn khiến trẻ tổn thương nhiều hơn và làm hại cho con và những người xung quanh hơn. Chẳng hạn như khi bạn đánh lại người đã đánh con mình thì gia đình của họ có thể tiếp tục tìm đến bạn để trả thù và lặp lại một vòng luẩn quẩn không bao giờ kết thúc. Hoặc khi con bị bạn đánh ở ngoài trường nhưng bạn chỉ chăm chăm vào việc trách móc giáo viên thì bạn đã vô tình khiến người giáo viên này bị bạo hành tinh thần.
Xem thêm:
- Vì sao chúng ta dễ thất bại trong việc nuôi dạy con cái?
- Có nên dạy con đánh lại bạn khi bị bắt nạt?
Nếu phát hiện con bị bạo lực học đường, việc đầu tiên chúng ta cần làm chính là trấn an tinh thần của trẻ và kiểm tra mức độ tổn hại thể chất và tinh thần của con. Có thể tâm sự với trẻ về những việc xảy ra trong thời gian gần đây xem con và bạn có học cùng lớp không, đây là lần đầu tiên con bị bạn đánh hay như thế nào, trước đây con với bạn có mâu thuẫn gì không, bạn chỉ đi một mình hay đi cùng nhiều người,…
Sau đó, hãy thông báo sự việc với giáo viên chủ nhiệm cũng như các bộ phận đảm bảo an toàn trong nhà trường như bộ phận Giám thị hoặc phòng Công tác học sinh. Nên giữ thái độ bình tĩnh và lý trí khi làm việc, không nên chỉ đổ lỗi cho nhà trường. Sau đó, nếu cần thiết, phụ huynh cần hợp tác với nhà trường và các cơ quan bên ngoài để bảo vệ con và đảm bảo lợi ích của con.
Cần lưu ý cung cấp thông tin chính xác nhất, không chỉ trích hay đổ lỗi nếu chưa tìm hiểu rõ nguyên nhân.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể hướng dẫn con làm thế nào để tự bảo vệ bản thân mình khi con bị bạn đánh, chẳng hạn như bỏ chạy hoặc kêu cứu thật lớn. Và tuyệt đối không được trách móc hay la mắng trẻ, tránh để con thêm sợ hãi và tổn thương.
Con bị bạn đánh sẽ khiến bố mẹ đau lòng đến mất bình tĩnh, đôi khi có lời nói hoặc hành vi mất kiểm soát. Vì thế, Mẹ và Con hy vọng thông qua những chia sẻ này, bạn sẽ có thể tìm thêm được một số giải pháp khi tình huống này lại xảy đến với gia đình của mình.