Một đám cưới hoàn chỉnh không thể nào thiếu đội bưng quả, bê tráp khi làm lễ. Đây được xem là một phong tục đẹp trong truyền thống Việt Nam ta.
Tuy nhiên, xoay quanh phong tục này vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh cãi như người đã ly hôn thì không được bê tráp đám cưới hoặc chưa kết hôn thì không nên bưng quả, bê tráp. Vậy thực hư như thế nào? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết bạn nhé!
Bê tráp đám cưới là gì?
Bê tráp đám cưới (bưng quả, bưng lễ) là một nghi lễ mở đầu trong ngày ăn hỏi trước đám cưới, khi đội bê tráp nam cho đằng trai (nhà chú rể) mang lễ vật được chuẩn bị trước trao cho đội bê tráp nữ cho nhà gái (nhà cô dâu).
Đây là phong tục truyền thống đầy ý nghĩa, như lời mở đầu của gia đình chú rể xin được phép rước cô dâu về nhà. Phong tục bê tráp đám cưới còn mang ý nghĩa trao duyên, mong cho cô dâu chú rể được răng long đầu bạc, hạnh phúc bên nhau mãi mãi.
Sau khi bê trái, cô dâu chú rể sẽ chuẩn bị sẵn các phong bao lì xì và trao cho đội bê tráp. Sau đó, 2 đội sẽ tiến hành trao đổi bao lì xì cho nhau và thường trao/nhận phong bao lì xì đúng với người bê cặp với mình. Phong tục này được xem là phong tục “trao duyên” để mong đội bê tráp cũng có tình yêu hạnh phúc trong tương lai và tránh bị “mất duyên”.
Bê tráp cần kiêng gì?
Khi bê tráp đám cưới, cần lưu ý:
- Không nhầm lẫn trong thứ tự bê tráp. Với lễ ăn hỏi 5-7 tráp thì cần trao theo thứ tự là tráp cau – tráp rượu thuốc – tráp hoa quả / rồng phượng – tráp bánh cốm, bánh phu thê, tráp chè, hạt sen. Còn với lễ 9-11 tráp thì thứ tự sẽ là tráp cau – tráp rượu thuốc – tráp lợn sữa – tráp hoa quả / rồng phượng – tráp xôi – tráp bia / nước ngọt – tráp bánh cốm, phu thê, tráp chè, hạt sen.
- Kiêng sai lệch trong quy trình bê tráp. Nên thực hiện mọi thứ giống với quy trình được bàn bạc sẵn để buổi lễ diễn ra suôn sẻ.
- Khi trao tráp xong, cô dâu không được tự ý xuống mà phải đợi chú rể lên phòng đón cô dâu và cùng cô dâu ra mắt hai bên gia đình.
- Đội bê tráp đám cưới cũng cần kiêng việc không trao lì xì cho nhau hoặc trao nhầm lì xì.
- Sau khi nhà gái nhận tráp thì sẽ chia đồ lại quả cho nhà trai. Lúc này, cần chú ý không dùng kéo cắt đồ mà nên chia bằng tay, đồ lại quả là số chẵn và nắp tráp để ngửa lên mâm tráp, không đóng lại như khi nhà trai trao tráp cho nhà gái.
Giải đáp một số câu hỏi liên quan đến bê tráp/bê quả
Chưa kết hôn bê tráp đám cưới được không?
Thông thường, theo phong tục để chọn đội bê tráp thì sẽ là người trẻ. Đội bưng quả, bê tráp đám cưới thường là nam thanh nữ tú với ngoại hình, chiều cao đồng đều nhau để cho đẹp đội hình. Cô dâu chú rể thường nhờ những người thân, bạn bè, đồng nghiệp thân thiết của mình để bê tráp.
Ông bà ta ngày xưa khi chọn người bê tráp đám cưới thường chọn trai chưa vợ, gái chưa chồng để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân của cô dâu chú rể. Tuy nhiên, theo thời gian thì quan niệm này không còn đúng nữa. Hiện nay những người đã lập gia đình vẫn có thể bê tráp đám cưới bình thường nếu nhận được lời mời từ cặp đôi.
Chị em ruột có bê tráp được không?
Điều này còn tùy thuộc vào phong tục của từng vùng miền. Cô dâu có thể hỏi thêm người lớn trong gia đình về phong tục vùng miền của mình.
Ly hôn, cuộc sống hôn nhân dang dở thì có được bê tráp không?
Một quan niệm khác về việc bê tráp đám cưới của ông bà ta ngày xưa đó chính là những người đã ly hôn, tình duyên lận đận thì không nên bưng quả, bê tráp đám cưới.
Sở dĩ có quan niệm này vì ông bà ta sợ rằng người bê tráp sẽ cho “vía” xui xẻo, dang dở trong tình yêu và hôn nhân của mình đối với cặp đôi mới cưới. Với phong tục xưa, những người có tình duyên không suôn sẻ được xem là điềm gỡ, thậm chí không nên xuất hiện trong đám cưới.
Tuy nhiên, cũng như quan niệm phải độc thân mới được bê tráp thì quan niệm đã ly hôn không được bê tráp cũng không còn nữa. Cô dâu chú rể vẫn mời người đã ly hôn tham dự lễ ăn hỏi, đính hôn hay đám cưới và thậm chí nhờ người đã ly hôn bê tráp cho mình bởi với cô dâu chú rể, sự có mặt của những người thân yêu trong ngày trọng đại sẽ quan trọng hơn việc người đó có độc thân hay không.
Không chỉ vậy, hôn nhân được xây dựng từ tình yêu và sự vun vén tổ ấm của cô dâu chú rể. Có thể nói, duyên phận vợ chồng có thể ở bên nhau dài lâu hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không phải phụ thuộc vào người bưng quả.
Do đó, không nên quá khắt khe trong vấn đề quan tâm xem người bê tráp đám cưới đã lập gia đình hay chưa, có phải người đã ly hôn hay không.
Bê tráp có bị mất duyên không?
Một điều mà nhiều người cũng quan tâm không kém cạnh đó chính là thông tin bê tráp mất duyên. Nhiều người cho rằng bê tráp đám cưới dễ mất duyên nên phân vân không biết có người yêu có nên đi bê tráp, sợ bê tráp xong sẽ chia tay hoặc người độc thân bê tráp mất duyên và không tìm được tình yêu.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có chứng minh nào về việc bê tráp mất duyên. Hơn nữa, cô dâu chú rể cũng trao phong bao lì xì cho đội bê tráp và có phong tục trao lì xì cho nhau để trao duyên nên bạn không cần quá lo lắng nếu nhận được lời mời bê tráp đám cưới.
Nhà có tang có được đi bê tráp không?
Phong tục ngày xưa thường hạn chế người đang có tang bê tráp hoặc tham gia đám cưới, các buổi lễ,… Đây là một phong tục nhân văn, tránh mang những điều kém may mắn đến cặp đôi mới cưới. Hơn nữa, người nhà đang có tang cũng thường buồn bã, có cảm xúc không ổn định. Do đó, nếu nhà đang có tang trong 100 ngày, bạn có thể mong cô dâu chú rể thông cảm không bê tráp đám cưới, không tham dự hỷ sự.
Nhìn chung, bê tráp đám cưới là một phong tục đẹp và mang nhiều ý nghĩa. Không nên quá căng thẳng trong việc chọn đội ngũ bê tráp hoặc nhận lời mời bê tráp đám cưới của cô dâu chú rể. Mặc dù “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nhưng chúng ta cũng không nên quá mê tín mà cần đặt lòng tin vào tình yêu của cô dâu chú rể phải không nào?