Mẹ&Con – Không phải khả năng đọc hay, viết giỏi mà chính tâm lý trẻ mới là điều mẹ cần quan tâm khi chuẩn bị cho bé đi học lớp 1 10 điều bé nên tự biết làm trước khi vào lớp 1 Phụ huynh Việt bàn chuyện bé vào lớp 1 học thêm gì Ứng phó với những thay đổi tâm lý khi con chuyển từ mẫu giáo lên lớp 1

Để chuẩn bị cho bé đi học lớp 1, các nhà giáo dục chỉ ra rằng, khó khăn không ở việc học chữ, học tính, học đọc, học viết… mà là học cách hoà nhập với ngôi trường mới, hoạt động mới và cách giáo dục mới.

Trên thực tế, nhiều phụ huynh có con trước khi vào lớp 1 đã cố gắng chuẩn bị cho bé thật nhiều kiến thức do tâm lý “sợ con chưa biết những cái đó sẽ không theo kịp các bạn”. Vì vậy, khi các bé mầm non vừa được nghỉ hè, ba mẹ đã lo tìm chỗ gửi con đến nhà giáo viên dạy tiểu học để nhờ các cô rèn chữ, tập đọc, làm toán.

Việc lo trước là không sai, nhưng đôi khi nó cũng phản tác dụng. Với một số bé, khi đã được học trước, lúc đến trường các bé sẽ thấy nhàm chán, không chú ý, thiếu tập trung. Mặt khác, việc “nhồi kiến thức” cũng làm bé sinh ra tâm lý sợ học, sợ đến trường. Ngoài ra, khi học ở nhà, giáo viên thường chỉ chú ý đến việc dạy sao cho bé có biết đọc, biết viết mà quên rèn luyện cho bé các kĩ năng khác.

Vậy cần chuẩn bị cho bé đi học lớp 1 những gì để bé vừa học kiến thức, vừa có tâm lý thật tốt khi bước vào trường mới mà không cần phải mất cả mùa hè để đến nhà giáo viên?

Chuẩn bị cho bé đi học lớp 1, mẹ lưu ý gì? 4

Mẹ cần chuẩn bị những gì cho bé đi học học lớp 1? (Ảnh minh họa).

1. Khơi dậy ở bé lòng hứng thú đến trường  

Nhằm giúp bé giảm bớt áp lực ở môi trường mới, bố mẹ có thể đánh thức ở bé sự thích thú khi đến trường bằng cách dẫn bé đến thăm trường trước năm học để bé giảm bớt cảm giác bỡ ngỡ, lạ lầm. Chỉ cho bé biết các phòng, lớp học, sân chơi; Nói cho bé những điều mới lạ sẽ được học ở đó giúp bé có mong muốn được đi học. Xây dựng góc học tập cho bé gọn gàng, đẹp mắt, phù hợp với điều kiện sẵn có, lựa chọn sách vở, đồ dùng học tập giúp kích thích sự hứng thú, tò mò ở bé.

Cùng bé xây dựng một môi trường chuyển tiếp giữa gia đình/trường mẫu giáo và trường tiểu học. Trong môi trường đó, bé vẫn được chơi đùa, được tận hưởng tuổi thơ nhưng cũng được làm quen dần với những kỹ năng học tập như đánh vần, phát âm “tròn vành rõ chữ” hay nhận biết mặt chữ, phép tính qua các trò chơi .

Những ngày đầu, khi bé từ trường về, nên trò chuyện với bé về chuyện trường lớp nhiều hơn, hỏi bé những câu hỏi như: Hôm nay ở trường (lớp) con có gì vui, có thể kể bố (mẹ) nghe được không? Bạn nào được cô khen?…Hạn chế những câu hỏi như: Hôm nay con được điểm mấy? Mẹ cũng nên dành thời gian hướng dẫn bé cách sắp xếp sách vở, đồ dùng học tập chuẩn bị cho buổi học ngày hôm sau.

2. Giúp bé biết làm chủ bản thân và xây dựng tính độc lập

Điều khác biệt cơ bản giữa trường mầm non và trường tiểu học là việc học ở tiểu học, bé buộc phải trở nên độc lập hơn so với ở trường mẫu giáo hay ở nhà. Không còn chỉ “biết ăn ngủ” mà con phải “biết học hành”. Do đó, để giúp bé vào lớp 1 một cách tự tin và vững vàng, ba mẹ nên giúp bé biết được cách làm chủ bản thân mình, biết nêu ra ý kiến, trò chuyện rõ ràng, rành mạch cùng cô giáo và bạn bè.

Chuẩn bị cho bé đi học lớp 1, mẹ lưu ý gì? 5

Giúp con xây dựng tính độc lập, chủ động để học tập chủ động hơn (Ảnh minh họa).

Bố mẹ cũng cần tạo cho bé thói quen tự lập bằng cách khuyến khích bé tự làm việc nhà đơn giản, tự tạo thời gian biểu học tập, tự chọn quần áo hay chuẩn bị đồ dùng học tập, hướng dẫn bé cách học ở nhà để từng bước xây dựng thói quen học tập tự giác, đặc biệt là biết cách tự học.

3. Dạy bé cách hòa nhập với môi trường xung quanh

Nhiều bé khi ở nhà thường rất dạn dĩ và năng nổ, nhưng khi ra ngoài, thường có xu hướng thu mình, khép kín. Do đó, để chuẩn bị cho bé thâm thế tốt nhất khi học chủ động, cần cho bé hòa nhập với bạn bè và môi trường xung quanh. Dạy con biết cách ứng xử với mọi người, lễ phép, kính trọng người lớn để bé thích ứng với những quan hệ xã hội ở nhà trường cũng như cách chào hỏi thầy cô, bạn bè trước khi dến lớp và khi ra về. Gần gũi, trò chuyện để bé mạnh dạn. Hoàn thiện cho bé kĩ năng giao tiếp thông thường, nghe, tiếp nhận và phản xạ lại với mọi người xung quanh.

Ba mẹ có thể gợi ý cho bé tham gia vào hoạt động trực nhật lớp, biết thỏa thuận phân công trực nhật, có ý thức tự giác thực hiện và giúp đỡ các bạn. Khuyến khích cho bé tham gia các hoạt động thảo luận, thoả thuận để bé có khả năng hợp tác, biết chia sẻ để hình thành tính tập thể, phát triển ngôn ngữ.

Bạn đang chuẩn bị cho bé đi học lớp 1, Mẹ&Con hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn định hướng hơn trong việc trang bị cho bé một tâm thế tự tin, vững vàng để bước vào năm học mới.

Tags:

Bài viết liên quan