Bạn đã biết cách chữa lành đứa trẻ bên trong bạn? Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói, “Trong lòng chúng ta ai cũng có một em bé đang đau khổ. Chúng ta đeo lên lớp mặt nạ của người lớn và chôn sâu trong mình đứa bé đang ngày đêm bị tổn thương trong lòng.”
Nếu trong mỗi người lớn đều tồn tại một “đứa trẻ”, và đứa trẻ này rất có thể đã chịu nhiều tổn thương vô hình. Chữa lành đứa trẻ bên trong bạn là bước đầu tiên trên hành trình chữa lành chính mình. Hành trình chữa lành này có thể sẽ mất không ít thời gian, đây là những phương pháp hiệu quả nhất để bạn bắt đầu.
Đứa trẻ bên trong là gì?
“Đứa trẻ bên trong” hiểu một cách đơn giản chính là chúng ta khi còn nhỏ. Nhưng không giống như chúng ta, đứa trẻ này không lớn lên, nó lưu giữ tất cả kỷ niệm và cảm xúc ta trải qua trong thời thơ ấu.
Bạn cũng có thể tưởng tượng đứa trẻ này là chính bạn trong những năm tháng đầu đời. Nó là “bộ sưu tập” những niềm vui lẫn tổn thương mà bạn đã từng trải. Thậm chí nó còn nhớ cả những chuyện bạn cũng không còn nhớ.
Việc nhận thức được đứa trẻ bên trong cũng tựa như hành trình quay lại quá khứ. Đó có thể là những kỷ niệm vui tươi, những năm tháng vô âu vô lo. Nhưng đồng thời, đó cũng có thể là những tổn thương mà bạn đã cố lờ đi. Nếu bạn từng bị bỏ rơi, từng gặp chấn thương, từng cảm thấy bất công… thì đứa trẻ bên trong của bạn sẽ giữ lại tất cả chúng dẫu bạn đã lờ đi chúng.
Tại sao chúng ta cần chữa lành đứa trẻ bên trong?
Rất nhiều người trong chúng ta có thói quen kìm nén những cảm xúc không thoải mái. Từ bé đến lớn ta cứ ôm đồm và cố gắng lờ đi những chuyện không vui. Thế nhưng, che giấu nỗi đau không phải là cách để chữa lành. Vết thương vẫn âm ỉ và ảnh hưởng đến đời sống hiện tại của bạn, dù bạn có ý thức được sự ảnh hưởng này hay không. Nó có thể biểu hiện qua các mối quan hệ cá nhân phức tạp, khả năng chăm sóc bản thân hoặc sự tự tin, tự công nhận bản thân. Nỗ lực chữa lành đứa trẻ bên trong bạn có thể giúp bạn giải quyết một số vấn đề này.
Chữa lành đứa trẻ bên trong bạn chính là đi vào thế giới nội tâm để khám phá lại những cảm xúc thực sự. Là để đối diện, thấu hiểu, yêu thương và vỗ về chính mình ngày bé. Việc đối diện này không dễ dàng nhưng là cách để “chữa tận gốc” thay vì phớt lờ bằng những hình thức giải trí khác bên ngoài.
Liệu bạn có đang mang những vết thương này?
Theo chuyên gia trị liệu Sarah Pacaro, dưới đây là 3 vết thương lòng mà đứa trẻ trong ta có thể đang chịu đựng:
Vết thương tội lỗi (guilt wound)
Nguyên nhân: Đây là những người bị thao túng tâm lý và cảm xúc khi còn nhỏ. Cha mẹ họ thường sử dụng cảm xúc tội lỗi để muốn con nghe lời. Họ đã quen với sự “yêu thương có điều kiện”. Nghĩa là, để được yêu thương, được quan tâm thì phải làm vừa lòng cha mẹ: Học giỏi, nghe lời. Tương tác của họ với người khác cũng bị định hình theo phương thức này.
Khi lớn lên, những người này có xu hướng tự đổ lỗi cho bản thân dù mình chẳng làm gì sai. Họ thường ngại ngùng khi nhờ người khác giúp đỡ và dù tự mình giải quyết được vấn đề thì cảm giác của họ vẫn là đơn độc, thấy không được quan tâm.
Trong công việc, típ người này dễ an phận, ngại đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho mình. Trong mối quan hệ với người khác, đặc biệt là chuyện tình cảm, họ rất dễ bị lợi dụng, thao túng. Nguy cơ bị vướng vào các mối quan hệ độc hại không lối thoát là cực cao.
Vết thương bị bỏ rơi (abandonment wound)
Nguyên nhân: Cha mẹ hiếm khi hoặc không thể hiện tình cảm với con. Họ luôn có cảm giác mình là “người thừa”, là “người vô hình” ngay trong chính gia đình của mình.
Người mang vết thương này sẽ thấy mình như người thừa trong xã hội, đội nhóm. Họ luôn có cảm giác bị bỏ rơi dù có thể có nhiều bạn bè xung quanh. Những người này sợ ở một mình hoặc phải tự ra quyết định. Họ cũng không biết cách chia sẻ cảm xúc và thường gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, dễ mắc chứng sợ giao tiếp xã hội.
Vết thương lòng tin tưởng (trust wound)
Nguyên nhân: Những người bị lừa dối, đối xử thậm tệ, bị bắt nạt hoặc bị lạm dụng tình dục khi còn bé thường mang theo vết thương này.
Họ không tin tưởng chính mình lẫn người khác. Họ sợ hãi phải cam kết trong các mối quan hệ và cần được trấn an liên tục. Điều này thường khiến đối phương mệt mỏi và các mối quan hệ hiếm khi ổn định.
Cách chữa lành đứa trẻ bên trong bạn
Thừa nhận sự tồn tại của đứa trẻ bên trong
Trước hết, bạn cần phải thừa nhận rằng đứa trẻ bên trong mình có tồn tại. Nếu bạn cảm thấy quá mơ hồ, chỉ cần hình dung đây là quá trình tự tìm hiểu bản thân và tăng cường sự tự nhận thức. Việc đưa những tổn thương này ra ánh sáng không phải là dễ dàng nên bạn cảm thấy khó chịu là bình thường. Tuy vậy, đây là điều cần thiết nên bạn chỉ cần cố gắng từng chút một.
Lắng nghe những gì đứa trẻ bên trong bạn nói
Khi đã có thể chấp nhận, mở ra được cánh cửa kết nối. Bạn hãy thử lắng nghe không phán xét ngay khi các cảm xúc xuất hiện. Bạn có khi nào cảm thấy các cảm xúc tiêu cực như:
- Tức giận vì những nhu cầu chưa được đáp ứng.
- Lo lắng bất an.
- Cảm giác tội lỗi.
- Bị bỏ rơi hay bị từ chối.
- Cảm giác không an toàn.
Viết để chữa lành
Viết cũng là một cách để chữa lành rất hiệu quả. Chẳng có quy định nào cả, bạn hãy viết như một cách trò chuyện với chính mình:
- Mình đang cảm thấy thế nào?
- Mình thực sự cần gì?
- Mình có thể làm gì ngay lúc này để cảm thấy dễ chịu hơn không?
Có lẽ sẽ mất một lúc thời gian trước khi đứa trẻ bên trong bạn cảm thấy đủ an toàn để mở lòng và chấp nhận sự chữa lành.
Thiền để chữa lành đứa trẻ bên trong bạn
Thiền yêu thương (thiền định) là một cách để bản thân cảm thấy bình tĩnh và an toàn. Thiền quán thì là công cụ để bạn quan sát bản thân và hình dung được đứa trẻ bên trong để trò chuyện với nó. Bạn chỉ cần tập trung để chú ý đến cảm xúc bản thân và không phán xét, chỉ quan sát cảm xúc và lắng nghe xem đứa trẻ bên trong bạn nói gì.
Trò chuyện với một nhà tâm lý
Những tổn thương trong quá khứ có thể gây rất nhiều đau khổ. Không phải lúc nào bạn cũng có thể tự đối mặt và xử lý được chúng. Tìm đến một nhà trị liệu tâm lý có thể sẽ giúp bạn có phương pháp thực hành tốt nhất. Thông thường thì liệu pháp tâm lý theo tâm động học có thể phù hợp với bạn.
Và thực tế là không phải lúc nào cũng nên đi sâu và khám phá những sự kiện trong quá khứ. Nếu bạn mở một vết thương mà không biết cách khép lại thì nó có thể bị “nhiễm trùng” và để lại những hậu quả khó kiểm soát. Đây cũng là lý do bạn nên tìm chuyên gia tâm lý hỗ trợ cho quá trình chữa lành đứa trẻ bên trong bạn.
Không bao giờ là quá muộn để chữa lành đứa trẻ bên trong bạn. Một khi đã khỏe mạnh bạn sẽ có một đời sống thoải mái và dễ dàng hơn.