Trong những năm đầu đời, trẻ đã có thể nhận thức về thế giới sống xung quanh cũng như kích thích các giác quan và hoàn thiện các kĩ năng sống cần thiết. Vì vậy, bố mẹ có thể tham khảo 5 cách nuôi dạy con thông minh dưới đây để hình thành cho trẻ một nền tảng vững chắc giúp trẻ phát triển trí thông minh từ thuở nhỏ, bố mẹ nhé!
Học từ lúc sinh ra
Nhà tâm lý học nổi tiếng Ivan Petrovich Pavlov đã nói rằng “trẻ sơ sinh đến ngày thứ 3 mới bắt đầu được dạy dỗ là đã chậm mất hẳn 2 ngày”. Do đó, bố mẹ đừng nghĩ “trẻ nhỏ không biết gì” mà hãy kích thích cả năm giác quan của con ngay từ khi trẻ vừa lọt lòng thông qua các trò chơi, vật thể hình khối, màu sắc xung quanh. Thông qua các cuộc trò chuyện, những âm thanh kích thích sự tò mò ở trẻ. Những biện pháp nhận biết và kích thích các giác quan của trẻ cần được áp dụng hàng ngày và ở mỗi thời kỳ khác nhau nên có những phương pháp áp dụng phù hợp.
Việc học của trẻ nên bắt đầu từ lúc trẻ vừa chào đời (Ảnh minh họa).
Sức khỏe là điều quan trọng nhất
Muốn trẻ phát triển về mặt trí tuệ, trước tiên trẻ cần có một sức khỏe tốt. Khi trẻ khỏe mạnh, não bộ được chăm sóc tốt thì trẻ mới thực sự tích lũy được nhiều kiến thức cũng như kích thích khả năng sáng tạo, học hỏi, tìm tòi, khám phá mọi thứ xung quanh.
Bố mẹ nên chú trọng đến sức khỏe của trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Cần theo dõi sát sao sự phát triển của trẻ để bổ sung dinh dưỡng và các chất thiết theo từng giai đoạn để đảm bảo trẻ được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết để phát triển.
Nên kiên trì và bước từng bước một
Dù trẻ sinh ra đã có thể nhận thức thế giới xung quanh nhưng không có nghĩa trẻ sẽ biết “tất tần tật” mọi thứ. Vậy nên, bố mẹ có cách nuôi dạy con thông minh đúng phải kiên trì và thực hiện từng bước một. Nên xem xét sự phát triển của con ở từng thời kì để có biện pháp giáo dục thích hợp, tránh các hiện tượng nhồi nhét, bắt ép quá mức. Bước nhanh không có nghĩa là bước đúng. Do đó, những hành động mang tính nhồi nhét không chỉ không có tác dụng trong việc giáo dục con cái, mà đôi khi nó con phản tác dụng, sinh ra cảm giác “phải chịu đựng” và “sợ học hỏi”. Làm kiềm hãm cảm giác say mê, hứng thú tìm tòi ở trẻ.
Luôn dõi theo và điều chỉnh cho trẻ kịp lúc
Bố mẹ nên biết rằng, dạy con không phải là “làm mọi thứ cho con” mà là “cùng con làm mọi thứ”. Trên hành trình lớn lên của con, bố mẹ nên là người bạn đồng hành tuyệt vời nhất mà con có được.
Khi trẻ con nhỏ, nên tập cho trẻ thói quen tự lập. Bắt đầu từ những việc nhỏ hàng ngày xung quanh trẻ. Trong quá trình trẻ tự lập và lớn lên, bố mẹ phải luôn dõi theo con để có những hành động khuyến khích, động viên cũng như có sự điều chỉnh hành động của trẻ khi cần thiết.
Bố mẹ hãy luôn là người bạn đồng hành của con (Ảnh minh họa).
Không nên so sánh con
Mỗi trẻ sinh ra sẽ có các bước phát triển khác nhau. Vì thế, sẽ là sai lầm lớn nếu bố mẹ đem con mình ra để so sánh với những đứa trẻ cùng trang lứa khác. Việc so sánh con ở thời điểm này dù là khen hay chê cũng đều không mang lại hiệu quả tích cực. Mọi sự so sánh trên đời đều mang tính khập khiễng, nếu bạn so sánh con với “con nhà người ta” hoặc sẽ hình thành cho bé tính tự mãn khi được khen hoặc tâm lí sợ hãi, tự ti khi bị chê.
Do đó, thay vì tự “đặt con mình lên bàn cân” để so sánh, bố mẹ có thể khích lệ, cổ vũ tinh thần trẻ khi trẻ làm chưa được. Động viên, khen thưởng xứng đáng cho những việc trẻ đã làm được hay răn phạt nhưng điều trẻ làm chưa đúng. Nhờ vậy, trẻ sẽ có động lực để cố gắng hơn và có lòng tin vào chính mình.
Việc nuôi dạy con cái chưa bao giờ là một công việc dễ dàng. Do đó, bố mẹ nên biết các cách nuôi dạy con thông minh ngay từ khi trẻ lọt lòng để có định hướng phương pháp giáo dục phù hợp cho trẻ.