Tinh dầu không những có tác dụng to lớn trong việc làm đẹp, nó còn giúp ích rất nhiều trong việc nâng cao sức khỏe và trị 1 số bệnh thông thường nữa đấy. Bạn có thể mua các loại tinh dầu bán sẵn trên thị trường nhưng để đảm bảo an toàn, Mẹ&Con sẽ hướng dẫn bạn cách làm một số loại tinh dầu ngay tại nhà nhé. Vừa tiết kiệm, vừa nâng cao tay nghề “nữ công gia chánh”, tại sao chúng ta không thử nhỉ?
1. Cách làm tinh dầu bưởi
Chuẩn bị
Vỏ bưởi tươi: 3 – 4 quả
Nồi, chén sứ
Hũ đựng bằng sứ hoặc thủy tinh
Thực hiện
Bước 1: Rửa sạch vỏ bưởi, không lấy phần cùi trắng mà chỉ cắt lấy phần vỏ xanh. (Càng bỏ bớt cùi trắng, tinh dầu bưởi càng chất lượng hơn và cũng đỡ cồng kềnh).
Bước 2: Cho vỏ bưởi vào nồi, đổ ngập nước khoảng 1/3 vỏ. Để vào giữa 1 cái chén thủy tinh.
Bước 3: Đun sôi trên lửa liu riu, úp ngược vung nồi lại và rải đá lạnh lên trên. Cách này khiến tinh dầu khi tiết ra bay lên, gặp lạnh đọng thành hơi nước rơi xuống chén.
Bước 4: Khi đá tan hết, dùng thìa hớt nước trên vung ra và lại tiếp tục cho đá mới vào. Làm liên tục khoảng 30 phút. Nước rơi xuống chén chính là tinh dầu bưởi nguyên chất. Đợi dầu nguội, bạn sớt vào hũ và dùng dần.
Lưu ý: Vỏ bưởi dùng làm tinh dầu, tốt nhất là khi đã được phơi qua 1 nắng. Vung nồi và chén phải thật khô ráo, sạch sẽ.
Tác dụng: Tinh dầu bưởi nguyên chất do chính bạn làm ra có rất nhiều tác dụng như: Kháng khuẩn, chống viêm, giảm béo, chăm sóc tóc, trị rụng tóc… Vì là tinh dầu nguyên chất, không pha tạp nên mỗi lần sử dụng, bạn chỉ cần lấy ra một vài giọt thôi nhé!
2. Cách làm tinh dầu hoa hồng
Chuẩn bị
Hoa hồng: 8 bông
Dầu oliu
Túi nilong
Khăn xô
Hũ thủy tinh hoặc sứ
Thực hiện
Bước 1: Tách từng cánh của 4 bông hoa hồng đầu tiên, rửa sạch, để ráo nước sau đó cho vào túi ni nông buộc lại. Lấy chày lăn qua lăn lại cho cánh hoa dập nát đều nhau, sớt cánh hoa vào hũ và đổ dầu oliu ngập cánh hoa.
Bước 2: Lắc đều hũ cho dầu oliu và cánh hoa hòa quyện vào nhau, ủ ấm hoặc cất ở nơi có nhiệt độ ấm khoảng 24 giờ. Cứ 30 phút – 1 tiếng bạn lắc hũ một lúc cho cánh hoa tiết hết tinh dầu, qua 24 giờ sau dùng khăn xô lọc lấy phần dầu, bỏ phần xác cánh hoa.
Bước 3: Thực hiện với 4 bông hoa hồng tiếp theo giống như bước 1. Sau khi nghiền nát cánh hoa, bạn ngâm với phần dầu dừa chắt được ở bước trên và công đoạn sau đó cũng giống y hệt bước 2. Sau 24 giờ, bạn dùng khăn xô lọc bỏ xác cánh hoa đi, phần nước này chính là tinh dầu hoa hồng nguyên chất.
Lưu ý: Những bông hoa hồng cho ra nhiều tinh dầu nhất là những bông chỉ chớm nở, vào buổi sáng khi sương vẫn còn đọng trên cánh. Hoa không bị dập, xước hoặc côn trùng xâm hại.
Tác dụng: Tinh dầu hoa hồng có rất nhiều tác dụng hữu ích như: Mát xa da mặt, mát xa body, thư giãn, giảm căng thẳng…
3. Cách làm tinh dầu gấc
Chuẩn bị
Gấc chín: 1 quả
Tinh dầu dừa (dầu oliu hoặc dầu đậu nành): 300 ml
Vải xô
Hũ thủy tinh hoặc sứ
Rây lọc, khăn xô
Thực hiện
Bước 1: Bổ đôi quả gấc, dùng thìa nạo lấy toàn bộ phần ruột gấc ra. Tách lấy hạt và cùi, bỏ vào một cái chậu nhỏ phơi ngoài nắng hoặc đặt trong tủ lạnh khoảng 3 tiếng sao cho phần thịt gấc se lại, dễ dàng tách ra khỏi hạt.
Bước 2: Dùng dao tách phần thịt gấc ra khỏi hạt gấc. Đem phơi thịt + cùi gấc thu được 2 tiếng dưới nắng (hoặc dùng máy sấy tóc, sấy khô), đến khi sờ vào không thấy dính tay là được.
Bước 3: Đổ tinh dầu đã chuẩn bị vào nồi, cho phần gấc khô thu được vào đun trên lửa liu riu, liên tục khuấy đều tay phòng dầu cháy khét.
Bước 4: Đợi dầu nguội bạn dùng rây lọc bỏ bã, lọc qua khăn xô cho đảm bảo không còn cặn rồi sau đó sớt tinh dầu vào hũ, dùng dần.
Lưu ý: Khi đổ dầu vào nồi, thấy dầu hơi lăn tăn thì tắt bếp, để 1 – 2 phút lại bật bếp lên. Thời gian nấu tinh dầu gấc là khoảng 30 phút. Dầu gấc đạt tiêu chuẩn có màu đỏ tươi, mùi thơm nhẹ. Nếu dầu có màu sậm hoặc mùi khét do lửa quá to, đây là dầu không đạt tiêu chuẩn và bạn không nên sử dụng.
Tác dụng: Dầu gấc giúp dưỡng trắng da, mượt tóc, dài lông mi, hạn chế mụn trứng cá và thậm chí còn dùng cả để tẩy trang nữa đấy.
4. Cách làm tinh dầu sả
Chuẩn bị
Sả: 20 củ
Rượu Vodka hoặc rượu đế loại tốt
Hũ thủy tinh hoặc sứ: 1 hũ to, 1 hũ nhỏ
Máy xay sinh tố, dao hoặc chày
Rây lọc, khăn xô
Thực hiện
Bước 1: Sả rửa sạch, cắt thành từng khúc khoảng 5cm rồi dùng cán dao hoặc chày đập nhẹ cho phần thân hơi dập nát.
Bước 2: Xếp các khúc sả đã đập dập nát vào hũ thủy tinh. Pha rượu Vodka với nước sạch theo tỉ lệ 1:1 rồi đổ ngập mặt sả, đậy kín nắp.
Bước 3: Ba ngày sau, bạn đổ hỗn hợp trên vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn rồi lại đổ vào bình như cũ, để thêm 3 tuần nữa cho tinh dầu sả được điều tiết.
Bước 4: Hết thời gian ba tuần, bạn dùng rây lọc bỏ bã sả, phần thu được chính là tinh dầu sả nguyên chất. Dùng vải xô lọc lại đến khi nào tinh dầu sả trong veo, không còn lợn cợn bởi cọng sả vụn rơi vào. Sớt tinh dầu sả nguyên chất vào hũ và dùng dần.
Lưu ý: Loại sả cho nhiều tinh dầu nhất là loại sả được trồng vào khoảng tháng 10 – 12 hàng năm. Khi đập dập, tuyệt đối không đập quá mạnh và quá nát vì sẽ khiến lượng tinh dầu bị hao hụt.
Trong quá trình ngâm, phải đảm bảo không có cọng nào nhô lên và không được để ánh sáng mặt trời chiếu vào. Nếu bỏ qua những bước này, toàn bộ tinh dầu sả của bạn sẽ bị hỏng.
Tác dụng: Hương thơm của sả giúp bạn thư giãn, giảm mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng. Ngoài ra, nó còn là mùi khiến các loại côn trùng sợ hãi, tránh xa, không dám mon men đến căn nhà của bạn. Khử trùng, diệt khuẩn, làm chất thích thích hay thuốc bổ, giúp bài tiết mồ hôi khi bị cảm lạnh, cảm cúm hoặc chữa trị mồ hôi tay, mồ hôi chân… cũng là những tác dụng không thể không kể đến của tinh dầu sả.
5. Cách làm tinh dầu gừng
Chuẩn bị
Gừng tươi: 300g
Dầu dừa: 200ml
Khăn xô
Hũ sứ hoặc thủy tinh
Thực hiện
Bước 1: Gừng rửa sạch, cạo lớp vỏ bên ngoài rồi xắt miếng mỏng sau đó đem giã hoặc xay nhuyễn.
Bước 2: Dùng khăn xô vắt lấy nước cốt, cố gắng vắt sạch và không cho thêm nước để tinh dầu gừng thu được là tinh dầu nguyên chất nhé.
Bước 3: Đổ dầu dừa vào chảo trên lửa liu riu, khi dầu lăn tăn thì đổ nước cốt gừng vắt được vào, khuấy đều và đun sôi. Lúc này bạn đã thu được tinh dầu gừng nguyên chất. Chỉ cần tắt bếp, đợi nguội là bạn có thể sớt vào lọ và dùng dần rồi.
Lưu ý: Gừng tươi sẽ cho ra nhiều tinh dầu hơn gừng héo, gừng già. Bên cạnh đó, có rất nhiều loại dầu dùng làm tinh dầu gừng nhưng tốt nhất vẫn là dầu dừa.
Tác dụng: Tinh dầu gừng nguyên chất vừa giúp phụ nữ sau sinh hết rụng tóc, vừa giúp chữa trị một số bệnh vặt hay mắc phải như: Tiêu chảy, chóng mặt, buồn nôn, ợ hơi, khó tiêu, đau khớp hay thậm chí là cả yếu sinh lý nữa đấy!
Trên thị trường hiện nay có bán rất nhiều các loại tinh dầu, thế nhưng không gì đảm bảo an toàn bằng tự tay mình làm ra thành phẩm phải không nào? Nguyên liệu dễ kiếm, cách thực hiện dễ làm. Còn chần chừ gì nữa mà không bắt tay vào làm ngay cho cả nhà mình cùng sử dụng nào?
Chúc bạn thành công!