Bệnh “nước ăn chân” là gì?
Bệnh nước ăn chân là bệnh do một số loại nấm gây ra (Ảnh minh họa)
“Nước ăn chân” hay còn được gọi là bệnh nấm kẽ chân, thông thường do các loại nấm Trichophyton mentagrophytes và Trichophyton rubrum gây ra trên da. Đôi khi còn do loài nấm Epidermophyton Floccosum tham gia tạo nên bệnh.
Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh
Mưa to dẫn đến ngập úng, nước mưa hòa với nước thải và bùn đất làm nước bị nhiễm khuẩn. Tiếp xúc phải nguồn nước này sẽ tạo cơ hội cho nấm bám trên da, phát triển thành bệnh. Y học gọi đây là bệnh nấm kẽ chân, còn theo tên gọi trong dân gian là “nước ăn chân”.
Biểu hiện của “nước ăn chân” như thế nào
– Phần da ở trong kẽ chân bị mụn trắng, có kẽ nứt và bên dưới thì da đỏ ướt và ngứa ngáy.
– Lòng bàn chân, gót chân và các cạnh ngoài của bàn chân xuất hiện mụn nước hoặc các lớp da dày nâu đỏ.
– Một số trường hợp bị bội nhiễm có thể dẫn đến sốt, nổi hạch bẹn, bàn chân sưng đau và có mủ rất ngứa ngáy, khó chịu.
Phòng tránh “nước ăn chân”
– Không để chân tiếp xúc với nguồn nước bẩn ngập úng, nếu vì lý do nào đó bạn bắt buộc phải di chuyển, đi lại trong dòng nước này thì nên mang ủng.
– Rửa sạch chân với xà phòng và lau khô khi chẳng may tiếp xúc với nước bẩn, để tránh vi khuẩn và các loại nấm có cơ hội bám vào da.
– Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ giày, tất, đặc biệt là đối với những người hay ra mồ hôi chân.
Điều trị nước ăn chân
Một số trường hợp nhẹ, bạn có thể tham khảo những công thức dưới đây khi bị “nước ăn chân”. Còn đối với bệnh nhân đã bị bội nhiễm thì nên thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Muối
Muối giúp trị “nước ăn chân” hiệu quả nhờ có tính sát trùng (Ảnh minh họa)
Muối có tính sát trùng nên có thể giúp bạn trị được “nước ăn chân” rất hiệu quả. Bạn chỉ cần pha lẫn muối với nước ấm và ngâm chân khoảng 15-20 phút. Sau đó, lau khô chân với khăn bông mềm và bôi kem trị bệnh nấm kẽ chân lên.
Lá trầu không
Lá trầu không có thể trị được “nước ăn chân” hiệu quả (Ảnh minh họa)
Trong lá trầu không có chứa thành phần kháng sinh tự nhiên giúp sát khuẩn, ngăn chặn viêm nhiễm và còn làm giảm sưng tấy.
Để trị “nước ăn chân” với lá trầu không, bạn hãy dùng một ít lá trầu giã nát và vắt lấy phần nước, rồi thoa nhẹ vào các kẽ ngón chân bị tổn thương.
Phèn chua
Phèn chua có khả năng sát khuẩn và loại bỏ mùi hôi, ngứa ngáy (Ảnh minh họa)
Phèn chua thông dụng với việc lọc nước trong mùa mưa lũ, nhưng ít người biết đến công dụng khử mùi hôi, sát khuẩn và loại bỏ sự ngứa ngáy, khó chịu khi bị “nước ăn chân” của nó.
Bạn hãy thử dùng phèn chua và bột hoàng đằng trộn đều với nhau theo tỉ lệ 1:1và bôi vào vùng da bị nước ăn sẽ đạt được hiệu quả bất ngờ.
Giấm ăn
Giấm ăn là “thần dược” trị bệnh nấm kẽ chân (Ảnh minh họa)
Giấm ăn không chỉ là loại gia vị giúp món ăn trở nên ngon hơn mà còn là “thần dược” trị “nước ăn chân” vô cùng hiệu nghiệm, nhờ có chứa axit giúp diệt khuẩn và giảm vết lở loét lan rộng.
Với cách trị “nước ăn chân” bằng giấm ăn, bạn chỉ cần đổ 100ml giấm vào một chậu nước ấm nhỏ. Cho toàn bộ phần chân bị nấm ăn vào trong chậu nước khoảng 15 phút. Kiên trì thực hiện cách này mỗi ngày cho đến khi hết bệnh.