Sau khi sinh không phải ai cũng có khả năng ngay lập tức quay lại guồng làm việc. Do đó, nhà làm luật đã có quy định chặt chẽ về việc nghỉ dưỡng sức sau sinh. Chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh thể hiện trách nhiệm đối với người lao động.
Vậy pháp luật về chế độ dưỡng sức sau sinh mới nhất hiện nay quy định như thế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau của Tạp chí Mẹ và Con.
Điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh
Quy định về việc nghỉ dưỡng sức nhằm bù đắp một phần thu nhập, hỗ trợ người lao động khi mang thai, sinh con hoặc nhận nuôi trẻ sơ sinh. Người lao động có thể yên tâm nghỉ ngơi, lấy lại sức mà không cần quá lo lắng về thu nhập. Điều này vừa đảm bảo sức khỏe thể chất vừa giúp ổn định tâm lý cho các gia đình.
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản như sau:
“1. Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.”
Nghĩa là, khi hết thời hạn nghỉ thai sản, trong vòng 30 ngày đầu đi làm, nếu điều kiện sức khỏe chưa ổn định thì người lao động có thể nộp hồ sơ để yêu cầu hưởng dưỡng sức sau sinh.
Mức hưởng dưỡng sức sau sinh
Khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định rõ: “Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.” Thời gian nghỉ như sau (lưu ý tính cả ngày lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần):
- 10 ngày nếu sinh một lần từ 2 con trở lên;
- 7 ngày nếu sinh mổ;
- 5 ngày đối với các trường hợp khác.
Lao động nữ đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong năm nào thì thời gian nghỉ việc được tính cho năm đó. Như vậy, tùy thuộc vào thời gian nghỉ dưỡng sức cũng như mức lương cơ sở tại thời điểm nghỉ mà mức hưởng nghỉ dưỡng sức sau sinh sẽ khác nhau.
Về lương cơ sở thì ngày 11/11/2022 vừa qua Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Mức lương cơ sở sẽ tăng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng. Vậy:
Tiền dưỡng sức sau sinh 1 ngày = 1.800.000 x 30% = 540.000 đồng
Thủ tục hưởng dưỡng sức sau sinh
Theo điểm 2.4 khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH, cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ dưỡng sức sau sinh cho người lao động theo hồ sơ là Danh sách 01B-HSB do đơn vị sử dụng lao động lập.
Có nghĩa là muốn nhận chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh thì người lao động phải có tên trong danh sách nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày người lao động đủ điều kiện nhận chế độ dưỡng sức sau sinh thì người sử dụng lao động phải lập hồ sơ nộp cho bảo hiểm xã hội.
Trong vòng 6 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tiến hành chi trả tiền dưỡng sức.
Thắc mắc phổ biến về chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh
Nếu nghỉ làm sau khi nghỉ thai sản thì có được tiền dưỡng sức không?
Trường hợp người lao động nghỉ 6 tháng thai sản, sau đó không quay lại làm việc mà nghỉ dưỡng sức tiếp 5 ngày làm việc thì 5 ngày đó không được hưởng tiền dưỡng sức.
Tuy vậy, nhiều công ty vẫn chấp nhận cho hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh trong trường hợp này. Nếu được chấp nhận thì người lao động sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả.
Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý?
Trường hợp sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, thời gian nghỉ là như sau:
- 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi
- 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi
- 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi
- 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
Trường hợp con chết sau khi sinh thì tính như thế nào?
Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định rõ trường hợp con chết sau khi sinh thì:
- Nếu con dưới 2 tháng tuổi: Mẹ được nghỉ 04 tháng tính từ ngày sinh
- Nếu con từ 2 tháng tuổi trở lên thì mẹ được nghỉ 02 tháng tính từ ngày con chết.
Nhưng thời gian nghỉ theo chế độ nghỉ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều này. Thời gian nghỉ này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của Luật Lao động.
Trên đây là thông tin về chế độ dưỡng sức sau sinh đối với người lao động nữ. Nếu có ý định hoặc đang mang thai, bạn nên tìm hiểu thật kỹ về quy định này để đảm bảo quyền lợi cho mình.