Con trai tôi 3 tuổi. Cháu bị xác định là rối nhiễu tâm lý, chậm nói, có nguy cơ tự kỷ. Tôi đã đăng ký cho cháu theo học lớp đặc biệt (1 thầy 1 trò), chuyên hỗ trợ những trẻ có tình trạng như con. Song, tôi vẫn muốn tìm hiểu thêm, xem có thể giúp được gì cho cháu tại nhà. Xin chuyên gia tư vấn giúp cách chăm trẻ rối nhiễu tâm lý như thế nào.
Lê Phượng Quỳnh
(Quận 8)
Khác với nhiều bệnh lý khác, khi mà chỉ cần phát hiện sớm, điều trị tích cực thì chỉ trong một thời gian ngắn, tình trạng bệnh tật sẽ có sự biến chuyển tốt, với tình trạng rối nhiễu tâm lý ở trẻ, kết quả nhận được vẫn rất vô chừng. Do đó, điều đầu tiên bạn cần làm không phải với cháu mà là với chính mình: Cần ý thức rõ để không đặt sự kỳ vọng vào con, không tạo thêm áp lực cho con và cho chính mình rằng cần giúp con nhanh chóng “khỏi bệnh”.
Kế đến, bạn cần trang bị cho mình thật nhiều kiến thức liên quan đến rối nhiễu tâm lý trẻ em, vì người mẹ sẽ chính là “người thầy” tốt nhất giúp đỡ con cải thiện tình hình. Có hai việc quan trọng cần nhớ. Thứ nhất là trẻ cần có thời gian để vượt qua từng giai đoạn theo một trình tự rõ ràng để đạt được sự phát triển và khả năng độc lập. Thế nên bạn đừng… gấp! Thật kiên trì với trẻ trong tất cả mọi việc, đó mới là cách hành xử cần làm.
Thứ hai, bạn cần tin vào khả năng của trẻ, tránh làm thay cho trẻ trong những mức độ mà bạn biết và tin rằng trẻ có thể làm được. Tất nhiên là nó không thể dễ dàng và nhanh chóng, nhưng đó là điều kiện quan trọng cho sự tiến bộ của con bạn.
Cụ thể, bạn nên giữ 3 nguyên tắc sau tại nhà
– Không nói thay đứa trẻ: Khi trẻ không chịu nói, bạn có thể tìm hiểu mong muốn của con, nhưng không nói ra điều đó nếu trẻ không nói một từ nào mà chỉ ra dấu.
– Để trẻ tự di chuyển: Không tìm cách nâng đỡ mà cần khuyến khích trẻ thêm.
– Để tự trẻ ăn cơm, ngay cả khi chưa cầm muỗng tốt, có thể làm rơi vãi cơm ra bàn.
Chăm sóc trẻ tốt không có nghĩa là giúp đỡ và làm thay trẻ mọi việc. Bởi lẽ, ở trẻ bị rối nhiễu tâm lý, làm hộ sẽ dẫn đến làm trễ bước tiến triển của trẻ, đình trệ khả năng phát triển vận động, từ đó đưa tới sự chậm trễ về ngôn ngữ. Trẻ sẽ thấy không cần phải cố gắng và không tự tin vào bản thân.
Bạn cũng cần khuyến khích con thường xuyên để trẻ nỗ lực hơn trong việc bày tỏ ý muốn. Nhớ không gây áp lực cho trẻ nhưng đừng chỉ im lặng chờ đợi. Bạn có thể hỏi con thường xuyên, không vội đáp ứng các nhu cầu mà hỏi thêm, khuyến khích thêm để trẻ diễn tả những gì trẻ muốn.
Lúc ở nhà, bạn cũng cần tạo cho trẻ một không gian tự do hoạt động. Một phòng nhỏ cũng được, nhưng không gian này giúp trẻ hiểu đây là nơi trẻ được phép chơi đùa. Không gian cần được thiết kế an toàn cho trẻ và thuận lợi để bạn và trẻ cùng thực hiện những bài tập tại nhà. Chúc bạn vững tâm, kiên trì và luôn bước cùng con trên chặng đường không dễ dàng này.