Mẹ&Con – Chăm sóc vết mổ sau sinh cần hết sức cẩn thận nếu mẹ không muốn bị nhiễm trùng hay để lại vết sẹo xấu trên cơ thể…

Chăm sóc vết mổ sau sinh nhanh lành

Chăm sóc vết mổ sau sinh

Trong tuần đầu mới sinh mổ, vết mổ vẫn chưa khô nên các bác sĩ, điều dưỡng sẽ chăm sóc vết mổ sau sinh cho mẹ, kê các loại thuốc giảm đau, chống viêm để giảm sưng đau, đồng thời tránh các biến chứng, nhiễm trùng có thể xảy ra. Về phía bạn, cần nỗ lực đi lại nhẹ nhàng (dù thấy đau), vì nó giúp tăng lưu thông máu, thúc đẩy việc chữa lành vết sẹo. Bạn cũng cần hạn chế cười lớn, tránh khuân vác vật nặng hơn em bé và sử dụng gối hỗ trợ khi cho con bú thay vì ôm trực tiếp con vào bụng để tránh ảnh hưởng đến vết mổ.

Ngoài ra, bạn nhớ luôn giữ khu vực vết mổ càng khô sạch càng tốt và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng kem bôi cho vết mổ. Bạn cũng đừng quên thay băng gạc theo lịch của bác sĩ và nhớ vệ sinh tay thật sạch trước khi thao tác! Với các mẹ đã được phép tháo bỏ băng gạc thì chú ý giữ vết mổ thông thoáng bằng cách mặc quần áo rộng rãi. Cách làm này sẽ ngăn ngừa được việc vết mổ bị cọ xát, kích thích bởi quần áo dẫn tới nhiễm trùng.

Muốn vết rạch nhanh lành, bạn còn có thể dùng túi nước ấm để chườm vào khu vực vết mổ. Nhiệt độ cao sẽ thúc đẩy tuần hoàn máu đến vết rạch, giúp vết rạch nhanh lành hơn. Nếu không có túi chườm, bạn có thể thay thế bằng khăn ấm cũng mang đến tác dụng tương tự.

Về ăn uống thì trong ngày đầu sau sinh, khả năng tiêu hóa vẫn còn yếu. Vì vậy, bạn chỉ nên uống nước lọc, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu như súp, cháo trắng để kích thích dần nhu động ruột và thúc đẩy “xì hơi” cũng như bài tiết dễ dàng. Sang ngày thứ hai, mẹ có thể bắt đầu áp dụng chế độ ăn uống như bình thường để vết mổ và cơ thể nhanh phục hồi.

Để chăm sóc vết mổ sau sinh tốt nhất, mẹ cũng cần nhớ thêm các thực phẩm chứa những dưỡng chất có lợi cho vết mổ như: protein (nguyên liệu thiết yếu tạo ra tế bào mới, hình thành nên lớp da non và làm liền vết mổ), vitamin C (thành phần giúp phòng ngừa nhiễm trùng) và sắt (dưỡng chất đóng vai trò quan trọng trong việc cầm và tạo máu, làm lành vết mổ).

Tuy nhiên, để phòng tránh táo bón sau sinh do ít vận động, mẹ nên tăng cường rau xanh và củ quả tươi vào khẩu phần ăn hàng ngày. Những thực phẩm ức chế sự ngưng tụ của máu, không có lợi cho việc đông máu, khiến vết thương lâu lành như cua, ốc cũng cần tránh ăn sớm. Nếu không muốn xuất hiện sẹo lồi, mẹ còn cần tạm ngưng món ăn từ nếp và rau muống.

Chăm sóc vết mổ sau sinh đặc biệt lưu ý:

  • Sau sinh mổ, mẹ cần hết sức phòng tránh cảm cúm, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những người đang bị cảm. Mắc cảm cúm vào thời điểm này, sức đề kháng của cơ thể suy giảm, vết thương do mổ đẻ vì thế cũng lâu lành và dễ bị nhiễm trùng hơn.
  • Trong quá trình chăm sóc vết mổ sau sinh, nếu nhận thấy vết mổ sưng mủ, tấy đỏ, nhiễm trùng, có dịch hoặc máu chảy ra… thì mẹ cần tái khám ngay với bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ kịp thời.

Ăn gì sau sinh mổ?

Ngoài việc chăm sóc vết mổ sau sinh từ bên ngoài, mẹ cũng cần nạp đủ dưỡng chất quan trọng, phù hợp với mẹ sinh mổ dưới đây. Điều này giúp vết thương sau mổ nhanh lành và không để lại sẹo.

Thịt bò

Một số quan niệm ngày trước cho rằng, phụ nữ sau sinh mổ ăn thịt bò sẽ bị ngứa và hình thành sẹo lồi ở vết mổ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu khoa học, thịt bò cung cấp một nguồn dưỡng chất dồi dào như vitamin B12, B6, protein, sắt, magie, kẽm, kali, axit amin… rất tốt cho việc phục hồi năng lượng và lợi sữa cho mẹ mới sinh. Đặc biệt, đạm và sắt trong thịt bò giúp vết mổ mau liền và chống thiếu máu ở mẹ.

Để bồi bổ cho cơ thể, tăng lượng sữa về và nhất là ăn ngon miệng hơn, mẹ có thể chế biến thịt bò thành các món ngon như thịt bò hầm khoai tây, thịt bò xào cà tím, xào nui, xào mướp hay gân bò hầm đu đủ…

Đu đủ

Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến món ăn “huyền thoại” – Chân giò hầm đu đủ, món ăn giúp tăng tiết sữa mẹ.

Lợi ích của đu đủ không chỉ dừng lại ở đó. Nhờ 2 loại enzym tiêu hóa protein hiệu quả, đu đủ còn giúp vết mổ nhanh lành hơn, đồng thời giúp hạn chế nguy cơ viêm nhiễm. Hàm lượng đáng kể vitamin A, C, E trong đu đủ cũng giúp tăng cường sức đề kháng, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cảm cúm thông thường ở mẹ sau sinh.

Cam, quýt

Với hàm lượng vitamin C dồi dào, cam, quýt là lựa chọn tuyệt vời cho mẹ chăm sóc vết mổ sau sinh chóng liền sẹo. Vitamin C hỗ trợ quá trình tổng hợp collagen, giúp vết mổ nhanh hồi phục và chống lại sự nhiễm trùng.

Bên cạnh vitamin C, cam, quýt còn giàu chất xơ, tốt cho hoạt động của hệ tiêu hóa, giảm thiểu táo bón.

Chuối

Chuối chứa hầu hết các vitamin cần thiết cho cơ thể như A, B1, B2, B6, B12, C, D, E và chất khoáng như magie, kali, sắt, photpho, fluor, iốt. Mẹ sau sinh ăn 1-2 quả chuối mỗi ngày không chỉ giúp phục hồi thể chất, hỗ trợ sản xuất sữa mẹ đều đặn mà còn tốt cho tinh thần. Sở dĩ chuối có được tác dụng này là nhờ các hydroxytryptamine tổng hợp có trong loại quả này làm tâm trí được thư giãn, chống lại căng thẳng.

Sữa và các chế phẩm từ sữa

Sữa cùng các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai thường có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho mẹ sau sinh, bao gồm protein, chất béo, đường, vitamin và khoáng chất. Sữa đặc biệt giàu canxi, khoáng chất thiết yếu giúp mẹ sau sinh củng cố hệ thống xương, răng và cung cấp đủ lượng canxi cần thiết cho con thông qua sữa mẹ. Axit lactic tồn tại trong sữa chua còn ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn có hại, sản sinh ra kháng thể thúc đẩy quá trình làm lành vết thương.

Mặc dù sữa tốt cho phụ nữ sau sinh nhưng 3 ngày đầu sau mổ, mẹ không nên uống sữa ngay vì dễ gây tiêu chảy.

Cá hồi

Cá hồi là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời dành cho mẹ sau sinh. Loại cá biển này chứa lượng lớn omega 3 (DHA). Vì vậy, khẩu phần ăn của người mẹ có cá hồi, đồng nghĩa rằng hàm lượng Omega 3 (DHA) trong nguồn sữa mẹ tăng lên. Điều này giúp con phát triển trí não, thông minh và nhanh nhẹn hơn.

Không chỉ vậy, cá hồi cũng giúp cải thiện tâm trạng, đóng vai trò quan trọng trong việc phòng tránh trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, có một lưu ý là mẹ cho con bú tốt nhất nên giới hạn lượng cá hồi ở mức khoảng 340g/ tuần để thận trọng với việc con có thể tiếp xúc với nhiều thủy ngân.

Các loại rau lá xanh

Các loại rau lá xanh như rau mồng tơi, rau ngót, rau lang, rau dền… chứa rất nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất. Mẹ sau sinh mổ tích cực ăn các loại rau lá xanh trong bữa cơm hàng ngày là cách vừa đảm bảo sức khỏe bản thân lại kích thích tăng tiết sữa mẹ nhiều hơn.

Hy vọng những chia sẻ về cách chăm sóc vết mổ sau sinh trên đây đã mang lại thông tin bổ ích cho mẹ. Đừng quên theo dõi Mẹ&Con thường xuyên để cập nhập nhiều bài viết hữu ích khác, mẹ nhé!

Bài viết liên quan