Mới đây nhất, trong bài viết “Con gái là người tình kiếp trước của cha: Suy nghĩ ấy thật đáng sợ!”, MC Thảo Vân đưa ra quan điểm trái với suy nghĩ của nhiều người rằng: “Làm sao có thể so sánh cách một người cha âu yếm con gái, yêu thương con gái mình lại giống như cách một người đàn ông âu yếm người yêu của mình được?” thì câu nói này đã tạo nên một làn sóng tranh luận gay gắt.
Trước làn sóng dư lận này, nhà văn Hoàng Anh Tú – người được mệnh danh là nhà văn yêu vợ thương con “nhất vịnh Bắc bộ” đã có những suy nghĩ cũng như chia sẻ thẳng thắn trên một tờ báo mạng. Chúng tôi xin được trích lại nguyên văn lời mà ông bố hai con này trăn trở: “Trời ạ, chúng ta đang sống trong một xã hội đáng sợ đến thế sao?”
“Bác thợ mộc nói sai rồi/ Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa/ Sao rãnh nước trong veo đến thế?” (thơ Lưu Quang Vũ).
Hồi hôm, có người bạn bảo tôi: Tớ thấy kinh kinh là mỗi khi ai đó cứ nói: “Con gái là người tình kiếp trước của cha“. Cha con là cha con chứ sao lại là người tình với lị kiếp trước. Chẳng trách mà nhiều vụ xâm hại tình dục cứ xảy ra suốt giữa cha dượng – con vợ hay thậm chí cha đẻ – con ruột.
Tôi chẳng biết trả lời bạn sao vì những điều bạn nói chạm đúng chỗ đớn đau của xã hội. Khi mà những ngày mở báo ra không hiếm những vụ án cha dượng xâm hại con riêng của vợ, thậm chí cả cha đẻ.
Đến nỗi cả bản thân tôi, có lúc cũng khựng lại khi các con sà vào lòng mình. Mà nhiều khi, đang cơn yêu con, có khi tôi vẫn hay ngấu nghiến hôn hít chúng. Đặc biệt cái cô út ít rất thích bố dụi mặt vào bụng cho cười khanh khách.
Chuyện chúng nó leo trèo biến bố thành ghế, thành giường là chuyện thường ngày. Thế rồi, chuyện xâm hại tình dục ầm ĩ khiến tôi trở nên ngại ngần khi chạm vào những đứa con của mình.
Tôi nghĩ nhiều người cha cũng vậy, nhiều ông bà cũng vậy khi cả xã hội cứ rùng rùng lên chuyện xâm hại tình dục rồi “xét lại” những hành động của các cha, các ông.
Tôi biết nhiều nhà, ông nội với ông ngoại không còn được bồng cháu nữa vì bố mẹ các cháu đem chuyện xâm hại ra để nhắc nhở hành vi.
Nhà văn Hoàng Anh Tú hạnh phúc bên vợ, con trai và hai cô con gái.
Hay như chuyện dạy trẻ tự lập cũng vậy. Vì muốn trẻ tự lập mà nhiều cha mẹ quán triệt đến mức để con tự làm mọi việc. Những đứa trẻ đang quen thấy bạn bè có bố mẹ chơi cùng bỗng thành hụt hẫng chỉ vì bố mẹ chúng muốn chúng tự lập ngay cả trong việc chơi đùa một mình.
Những cái ôm hôn con cũng bị hạn chế theo “sách dạy chống xâm hại tình dục”.
Trở lại với câu: “Con gái là người tình kiếp trước của cha“, bạn tôi không phải là người duy nhất lên án câu đó.
Tôi, cái ông bố tẹp nhẹp bánh bèo sến súa, lúc nào cũng hít hà con, cũng sến súa gọi con là người tình kiếp trước của mình và kiếp này trả nợ con, thật chỉ biết thở dài não nuột.
Nghĩ về thứ tình cảm giữa cha với con gái mà không biết dùng từ ngữ nào thay thế. Là bởi cái duyên, cái nợ, cái tình ấy vốn không thể chỉ là cha con mà thành vậy được. Nó lớn hơn nhiều so với tình cha con đơn thuần.
Nó giống như mình đặt trọn sinh mạng của mình vào cái cô gái nhỏ bé bỏng đó vậy. Để có thể bỏ đi tất thảy cho con, vì con.
Nhưng nó cũng thiết tha, cũng nhớ đến thắt lòng, cũng đau cùng, buồn theo con. Ừ thì nhiều người bảo: Cứ nói là yêu con cũng vậy thôi mà! Đâu cần phải nói con gái là người tình kiếp trước của cha? Mà mẹ cũng yêu con gái vậy chứ đâu chỉ có cha?
Nếu cuộc đời này tất thảy đều chẻ hoe được với nhau thế thì còn đâu những câu văn, lời thơ chạm đến tận cùng trái tim người đọc? Khi nói: Con gái là người tình kiếp trước của cha vốn là ý văn học vậy. Chỉ là nhiều người biến nó thành đời. Mà đời thì sù sì.
Như khi nói “Thép đã tôi thế đấy” sẽ phải hiểu rằng đó là một cuốn sách về luyện kim vậy. Nói về Truyện Kiều là phải nói đúng nó là câu chuyện cuộc đời của một cô gái làng chơi tên Kiều.
Và cả câu: “Con gái là người tình kiếp trước của cha” cũng bị lên án kiểu rất Nhân Văn Giai Phẩm rằng “đó là lý do khiến trẻ em bị xâm hại tình dục”, rằng “gớm ghiếc thay những ông bố coi con gái là người tình dù là kiếp trước hay kiếp nào đi chăng nữa”.
Rồi thì những bà mẹ lúc nào cũng phải căng mình lên đề phòng chồng mình- người đàn ông đầu gối tay ấp với mình, nếu như anh ta lỡ thương con gái riêng của vợ như con gái ruột của mình. Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng, giờ đã thêm cả “mấy đời cha dượng mà thương con mình” nữa chăng?
Tôi không biết liệu có phải vì cuộc đời này gớm ghiếc quá đi khiến người ta dần mất đi khả năng cảm nhận mà thay vào đó là phân tích. Ở đâu cũng thấy những đề phòng. Tiểu thuyết lãng mạn thay bằng câu chuyện cảnh giác.
Người ta lý tính khi nhìn nhận mọi điều. Người tốt nào cũng có mục đích. Sống dè chừng cả với những thương yêu. Như chính câu chuyện của Phan Anh hôm rồi về việc cậu ấy phải đấu tranh tư tưởng mãi mới dám dừng xe giúp người.
Hiện thực cuộc đời nhiều khi tàn khốc đến độ người ta phải sống phòng thủ với chính những người thân trong gia đình. Như con đánh cha. Như vợ giúp tình địch giết chồng. Như anh chị em ruột đánh nhau bể đầu chỉ vì vài mét đất…
Trời ạ, trong vũng nước bẩn, có bầu trời nào xanh cho nổi nữa đây?
Tôi nhớ chiều nọ năm nao, thằng con trai 24 tuổi tôi hồi ấy, khủng hoảng trong công việc, đời sống, đứng trước cửa một lớp học mầm non để tự cứu rỗi mình bằng việc ngắm lũ trẻ con nô đùa. Thấy an yên nhờ việc đánh chìm mình trong đôi mắt xoe tròn của những đứa trẻ.
Mơ một ngày mình lập gia đình và có những đứa con đáng yêu như thế. Nếu cho về bây giờ, 16 năm sau, hẳn là tôi sẽ thành kẻ lạ nguy hiểm rình rập trước cổng mất.
Trời ạ, chúng ta đang sống trong một xã hội đáng sợ đến thế sao?
Có ai, ngoài Lưu Quang Vũ, nói cho tôi hay bác thợ mộc đã nói sai rồi không?