Bỗng dưng mà… khó tính!
Nhiều anh xã vò đầu bứt tóc với chuyện này. Mới đó, thấy vợ còn lạc quan, rạng rỡ, vui tươi, lúc nào cũng tràn trề sức sống và dễ dàng bỏ qua những chuyện giận hờn. Thế mà đùng một cái, từ ngày mang thai, vợ bỗng như trở thành một người khác hẳn. Tự dưng vợ dễ nổi nóng, dễ cáu gắt, chuyện có chút xíu cũng làm vợ thắc thỏm lo âu. Rồi thì vợ hay suy diễn lung tung, vợ cứ nghĩ đến những chuyện không đâu. Hơi một chút là vợ giận hờn, khóc lóc, đòi chia tay. Chồng… phát mệt! Mà đôi lúc chính vợ cũng cảm thấy… phát mệt chính mình. Nhưng hình như không khác được! Sao kì thế nhỉ?
Thật ra, cái chuyện bạn cho là “kì” này lại rất đỗi bình thường! Một mặt, mang thai được xem như sự biến đổi lớn lao nhất đối với cơ thể người phụ nữ. Hormone biến đổi, hình thể biến đổi, thói quen ăn uống biến đổi. Chừng đó đã đủ tác động mạnh đến tâm lí và cảm xúc của “bầu”.Chưa hết, thử nghĩ mà xem. Tự dưng đang là một người phụ nữ vô tư, giờ bạn mang trong mình một mầm sống. Mầm sống bé bỏng ấy phụ thuộc hoàn toàn vào bạn. Sức khỏe của bé ra sao, bé là trai hay gái, bạn có đủ sức chăm sóc tốt cho bé không, bạn sẽ làm gì nếu như kinh tế gia đình chưa đâu vào đâu, nhà cửa chưa có, công việc còn bấp bênh, có con rồi bạn có thể vừa đi làm vừa chăm sóc con được không…
Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra. Bạn cảm thấy mình như hoảng sợ trước quá nhiều trách nhiệm. Háo hức, hạnh phúc thì đúng là có đấy. Nhưng xen lẫn trong đó là rất nhiều những nỗi lo. Các anh xã hãy thật thông cảm với điều này. Và chính bạn nữa, bạn cũng hãy thông cảm cho… chính bản thân mình về điều này! Đừng tự trách móc bản thân sao mình lại đâm ra nhạy cảm quá mức, cư xử kì quặc thế kia! Không sao cả. Hãy nhìn lại đi, với chừng đó áp lực và nỗi lo, bạn có tâm lí như thế là hoàn toàn bình thường, chẳng có gì đáng trách móc hay tự cho mình là tệ hại.
Những cảm xúc thường gặp nhất ở “bầu” chính là sự sợ hãi và lo lắng. Bạn chưa quen với những thay đổi khác thường của cơ thể. Cái gì cũng khiến bạn lo. Rồi thì khi thấy mình “bất lực” với một trạng thái nào đó, ví dụ như bạn rất muốn uống sữa để tốt cho con nhưng cứ uống vào là nôn ói, bạn lại chuyển sang cáu kỉnh, bực tức. Thấy anh xã ít quan tâm, chú ý, bạn trở nên giận dữ, cãi cọ vì chuyện không đâu. Đơn giản thôi, bạn cần một sự an ủi, sự quan tâm, cần sự động viên và cần một vòng tay để thật sự tin tưởng rằng mình được chở che, mình sẽ vượt qua tất cả chuyện này một cách hoàn hảo nhất.
Làm gì cho “bầu” thoải mái?
Có một điều quan trọng “bầu” cần biết: Khi bạn biến đổi tâm lí liên tục, bạn giận dữ, cáu kỉnh khác thường… một số hormone cũng sẽ tăng lên rõ rệt. Những sự phân hóa phức tạp đó trong cơ thể có khả năng ảnh hưởng đến kết cấu của thai nhi, gây nên những bất thường nhất định cho thai nhi. Không phải vô cớ mà ngay từ kinh nghiệm dân gian xa xưa, người ta đã khuyên “bầu” không nên khóc suốt chín tháng thai kì, hạn chế cáu kỉnh, bực tức. Mẹ càng vui vẻ, thoải mái bao nhiêu thì bé chào đời càng có hi vọng khỏe mạnh về thể chất, phát triển hoàn thiện về sức khỏe tâm thần, vui tươi, lạc quan, sống tích cực bấy nhiêu.
Chính vì thế, lời khuyên đầu tiên của bác sĩ là hãy cố gắng hạn chế thấp nhất chuyện “vỡ kế hoạch”. Hãy có kế hoạch và chuẩn bị thật tốt cho sự mang thai của mình. Những việc như khám sức khỏe tổng quát, sắp xếp công việc (tìm kiếm và dự phòng người thay thế mình), chuẩn bị tài chính… thấy “nhỏ” vậy thôi mà có tác động rất lớn đến tâm lí của “bầu”. Cần làm sao để khi bạn đón nhận tin vui hai vạch, bạn sẽ giảm thiểu được thấp nhất nỗi lo, cảm thấy rằng mình đã có sự chuẩn bị đâu đó kỹ càng.
Phụ nữ mang thai, nếu buồn bã, giận dữ, khóc lóc, tổn thương, hoảng sợ, căng thẳng… trong một khoảng thời gian dài (hơn 1 tháng) sẽ dễ dẫn đến việc sinh non, thậm chí là sảy thai.
Kế đến hãy trao đổi với người bạn đời của mình, để anh ấy có thể hiểu và chia sẻ, đồng cảm với những lo toan của bạn. Nếu cần thiết, nên “kéo” anh ấy đến những lớp học tiền sản. Ở đây, các bác sĩ chắc chắn sẽ tư vấn được cho các anh xã nhiều điều hữu ích, để có thể trấn an vợ như thế nào, an ủi, động viên, “nhường nhịn” vợ ra sao. Nếu thai nhi được nuôi dưỡng và lớn lên trong trạng thái cả mẹ lẫn bố đều hòa thuận, vui vẻ, đứa trẻ sinh ra sẽ khỏe mạnh và thông minh.
Về phần “bầu”, nên biết rằng nói gì thì nói, cuối cùng bạn vẫn là người đóng vai trò quan trọng quyết định trong việc quản lí cảm xúc này! Hãy học cách khống chế những suy nghĩ tiêu cực bên trong mình. Nên có tối thiểu một người bạn hoặc người thân đủ kiên nhẫn để có thể lắng nghe, chia sẻ, động viên bạn, để bạn có thể “tâm sự” khi cần thiết. Ngoài ra, bạn cần học cách chăm sóc bản thân, giảm tối đa công việc, nghỉ ngơi hợp lí. Khi ít việc, ít stress, bạn sẽ “dễ thở” hơn nhiều so với vừa mang bầu vừa xoay xở đủ đường với cả núi việc ở công ty. Bạn tiếc việc ư? Hãy cho mình chút sự “ưu tiên” đi, đây là thời gian bạn cần tạm hoãn mọi chuyện khác, để chăm sóc bản thân mình và bé yêu đã chứ!
Bạn cũng cần chú trọng chuyện ăn uống, nghỉ ngơi và thư giãn. Hãy chia nhỏ những bữa ăn ra, dành cho mình nhiều khoảng lặng để đọc sách, nghe nhạc, ngắm cảnh thiên nhiên, đi bộ nhẹ nhàng. Những hoạt động này giúp tâm trạng của bạn tốt hơn, giảm thiểu những suy nghĩ vẩn vơ, tiêu cực. Cũng nên cố gắng giữ nụ cười trên môi, chuyện nào có thể bỏ qua thì hãy tự nhủ mình nên bỏ qua cho… khỏe. Nên biết, bé yêu tuy không thể thấy bạn cười nhưng lại cảm nhận được hết những mạch đập, huyết áp, trạng thái tâm lí nhẹ nhàng hay “bức xúc” của mẹ đấy nhé.
Đấy bạn thấy không, chế ngự những lo âu đâu có khó. Mọi thứ rồi sẽ ổn, câu “thần chú” này thấy vậy mà rất tốt cho bạn đấy, mẹ “bầu”!
“Phụ nữ trong giai đoạn mang thai thường có khá nhiều những biến đổi trên cơ thể về cả tâm và sinh lí. Trạng thái tâm lí cũng trải qua từng giai đoạn khác nhau và mang tính thất thường. Trạng thái tâm lí không tốt, không ổn định cũng gây ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe thai nhi, thậm chí ảnh hưởng đến cả về tâm tính đứa trẻ sau khi ra đời. Chính vì vậy, việc tạo tâm lí thoải mái cho thai phụ trong suốt thai kì là việc rất quan trọng”.
Chuyên gia Tâm lí Trần Thị Hồng Hà