Trước đây khi chưa lập gia đình, tôi hay ác cảm với chuyện mẹ chồng – nàng dâu. Qua lời thêu dệt, mẹ chồng trong trí tưởng tượng của tôi là người đàn bà cay nghiệt, nanh nọc và ích kỷ, chỉ chăm chăm dành tình yêu cho riêng con trai mà thôi.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà tôi có suy nghĩ như vậy. Bởi lẽ ngoài những câu chuyện nhan nhản trên internet tôi được đọc mỗi ngày, trong khu phố nơi tôi ở từng xảy ra một trận đụng độ nảy lửa giữa mẹ chồng và nàng dâu. Đỉnh điểm là cảnh anh chồng tát vợ một cái rồi lái xe bỏ đi mất, cô con dâu khổ sở bế con ra khỏi nhà chồng ngay trong đêm mưa gió.
Chính “ấn tượng” quá sâu đậm ấy khiến tôi ngần ngại, mãi tới tận năm 30 tuổi mới dám lấy chồng. Ngay từ khi biết tin sẽ sống cùng nhà với mẹ anh, tôi đã xác định tư tưởng “một mất một còn” với “người phụ nữ ấy”. Tôi chấp nhận mang tiếng bất hiếu, nhất quyết không chịu nhịn nhục, ngậm đắng nuốt cay sống qua ngày. Dù sao tôi cũng có công việc ổn định, mẹ chồng có “trả về nơi sản xuất” cũng không lo chết đói.
Ngay trong đêm tân hôn, tôi thẳng thắn với chồng: “Em không phải mẫu người khéo léo tề gia nội trợ. Ngày đầu về làm dâu nếu có sai sót, mong anh nói với mẹ góp ý thẳng thắn để em sửa đổi. Đừng để trong lòng rồi những khi không nhịn được lại mang ra soi mói, xét nét”. Chồng tôi cười phì, thề sống thề chết: “Mẹ anh hiền lắm. Ngay cả người ngoài mẹ cũng chưa bao giờ ăn hiếp ai, huống hồ con cái trong nhà”. Khi đó, tôi chỉ nghĩ anh cố cho qua chuyện, chứ chắc gì đấy là sự thật.
Ngày đầu tiên ở nhà chồng, khi tôi thức giấc, hộc tốc chạy xuống nhà cũng là lúc thức ăn sáng được mẹ chồng chuẩn bị tinh tươm cả rồi. Biết tôi ngại ngùng, bà mỉm cười ý nhị: “Mẹ mua gần nhà đấy, không phải làm đâu con. À mà sao con không ngủ thêm tí nữa cho lại sức?”. Tôi không tin vào tai mình, mẹ chồng của tôi đây sao?
Những ngày sau đó, dù tôi có cố ý bật báo thức để chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, nhưng cũng không sao tranh được “chức vô địch” với mẹ. Lúc nào mẹ cũng dậy trước tôi và như một bà tiên, mẹ hô biến ra đủ món ngon theo đúng khẩu vị của cả nhà. Mẹ bảo với tôi rằng người già thường khó ngủ, nên khi cả nhà chưa thức giấc mẹ đã lọ mọ mua đồ ăn sáng và tiện thể đi chợ luôn cho thong thả.
Cảm ơn mẹ, mẹ chồng của con – Ảnh minh họa
Thấy mẹ nói vậy, tôi cũng miễn cưỡng để mẹ lo bữa sáng, nhưng “tranh” phần rửa chén và nấu các bữa ăn khác. Có vậy mà mẹ cũng không cho tôi “toại nguyện”. Hễ mỗi khi tôi giành rửa chén thì mẹ lại giục lên phòng thay đồ hay chuẩn bị đi làm sớm cho kịp…
Chiều tối hai vợ chồng đi làm về, mẹ cũng đã sẵn sàng bên mâm cơm canh nóng hổi. Ngày nào cũng như ngày nấy, đến nỗi thay vì ham đi chơi lung tung như ngày độc thân, tôi chỉ ước mau mau chóng chóng hết giờ làm việc để còn về nhà phụ giúp mẹ, ăn cơm mẹ nấu.
Cuối tuần, tôi ngỏ lời muốn cùng mẹ đi chợ nấu ăn, bà cứ gạt đi. Mẹ bảo cả tuần làm việc mệt nhọc rồi, được ngày cuối tuần hai đứa cứ ngủ cho đẫy giấc. Nhiều hôm thấy vợ chồng tôi ru rú ở nhà, mẹ lại khuyến khích đi chơi, xem phim cho thoải mái đầu óc. Chúng tôi rủ mẹ đi cùng cho biết đó biết đây, mẹ chồng nhất quyết không chịu.
Cuối tháng, hai đứa biếu bà ít tiền tiêu vặt, bà cũng không lấy. Tôi nghĩ ra một cách mua quà để mẹ không từ chối được. Nhiều khi để ý tôi thấy ánh mắt bà vui lắm, nhưng miệng luôn tỏ ra không thích để tôi không phải tốn tiền.
Bạn bè tôi có người khen ngợi, cũng không ít người độc mồm bảo rằng chưa biết mẹ cư xử như thế được mấy ngày. Thế nhưng, từ ngày về làm dâu bà tới nay tình thương của mẹ dành cho tôi vẫn chưa hề thay đổi.
Cuối tháng, bà thường bắt con trai đưa vợ về ngoại. Mỗi lần chúng tôi chuẩn bị về quê, mẹ lại đóng gói trà lá, bánh ngọt, trái cây ngon gửi biếu ông bà thông gia. Bà dặn chồng tôi rằng, khi vợ chưa có em bé nên thường xuyên đưa vợ về thăm bố mẹ. Sau này sinh con, muốn đi lại cũng khó khăn. Nghe mẹ nói vậy, tôi vừa thương mẹ, vừa tự cảm thấy xấu hổ vô cùng vì trước đây mang trong đầu tư tưởng chống đối bà.
Thỉnh thoảng hai vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt”, mẹ chẳng những không bênh con trai mà còn đứng về phe con dâu. Bà giải thích rằng, đời bà từng làm dâu, bà biết con gái phải rời bỏ cha mẹ, đến sinh sống ở một nơi xa lạ là đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Nếu không nhận được sự tử tế từ chồng, họ sẽ chẳng khác gì đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa.
Rồi đến khi tôi sinh con gái đầu lòng, mẹ chính là người hết mực yêu thương, chiều chuộng. Bà chăm chút cho tôi từng miếng ăn giấc ngủ, hao mòn vì thức đêm giúp chăm con bé quấy khóc. Có lần, tôi nửa đùa nửa thật hỏi bà:
– Mẹ có thích cháu trai không? Đợi bé Mai cứng cáp thêm chút xíu con, sẽ sinh cho mẹ đứa cháu đích tôn ẵm bồng nhé!
– Trai hay gái gì cũng là cháu mẹ. Con đừng bận lòng. Con còn yếu lắm, sinh ngay như vậy không tốt đâu.
Từng câu, từng chữ mẹ nói tôi vẫn luôn ghi khắc trong tim mình. Bố mẹ đẻ tôi thường nói đùa rằng, kiếp trước tôi chắc làm được nhiều việc phúc, nên kiếp này mới có được bà mẹ chồng tuyệt vời đến như vậy.
Chưa hết, vào ngày con gái tròn một tuổi, không chỉ con bé có quà mà ngay cả tôi cũng bất ngờ vì mẹ. Bà mang ra một sợi dây chuyền, trìu mến bảo tôi: “Cám ơn con đã sinh cho mẹ đứa cháu nội xinh xắn, ngoan ngoãn. 30 năm trước bà nội thằng Tuấn (tên chồng tôi) tặng món quà này cho mẹ, giờ mẹ tặng lại cho con”.
Mẹ chồng tôi là như vậy đấy. 8 năm làm con dâu bà, tôi đã xóa bỏ hoàn toàn định kiến “mẹ chồng ăn thịt nàng dâu” và nhận ra mình là người hạnh phúc vì có đến hai người mẹ. Mẹ chồng tuy không đẻ, không nuôi, nhưng tôi mang ơn bà suốt cuộc đời này. Từ tận đáy lòng, tôi muốn được nói với bà rằng: Mẹ ơi, con yêu mẹ!