Một nghiên cứu năm 2000 cho thấy, có 6,6% học sinh tiểu học mắc chứng tăng động giảm chú ý, học sinh trung học cơ sở là 4,29%, phổ thông trung học là 2,63%. Bệnh xuất hiện trong mọi tầng lớp xã hội và thường được phát hiện trước 7 tuổi. 70% trẻ vẫn tiếp tục biểu hiện hội chứng này cho đến tuổi trưởng thành.
Nguyên nhân gây ra Hội chứng tăng động giảm chú ý
Đến nay, hầu như chưa có nghiên cứu nào tìm thấy nguyên nhân rõ ràng dẫn đến rối loạn tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên, vài nghiên cứu cho rằng bệnh này có tính di truyền:
- Trên các cặp sinh đôi cùng trứng nếu một trẻ bị thì nguy cơ mắc rối loạn này của trẻ còn lại lên đến khoảng 80 – 90%.
- Nếu một người cha hoặc mẹ bị mắc thì nguy cơ con của họ, mắc rối loạn này là khoảng 50%. Nếu trẻ có anh chị mắc rối loạn này thì nguy cơ bị mắc là 15 – 25%.
Các nghiên cứu cũng nhận thấy tỷ lệ rối loạn giảm chú ý, tăng động tăng cao ở những trẻ bị viêm não màng não, chấn thương não bộ trong quá trình sinh nở, ngạt sau sinh, những trẻ sinh thiếu tháng v.v…
Ngoài ra, trong quá trình mang thai, nếu mẹ bị ngộ độc chì, thuốc diệt côn trùng, hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng ma túy… có khả năng khoảng 10 – 15% bé sinh ra mắc rối loạn tăng động giảm chú ý.
Làm sao để phát hiện bé bị ADHD
Quan sát khả năng tập trung chú ý của bé, bệnh ADHD có ít nhất 6 biểu hiện trong số những triệu chứng:
- Thường xuyên không thể chú ý tới các chi tiết hoặc mắc những lỗi dại dột khi làm bài ở trường, trong công việc hoặc trong các hoạt động khác.
- Thường xuyên gặp khó khăn duy trì tập trung chú ý vào những trò chơi.
- Thường xuyên tỏ ra lơ đãng khi người khác nói chuyện với mình.
- Thường xuyên không tuân thủ các quy định, không hoàn tất bài tập ở trường, công việc và nhiệm vụ được giao ở nhà hay ở trường (không phải do chống đối hay không hiểu công việc được giao).
- Thường xuyên gặp khó khăn trong việc tổ chức, sắp xếp công việc hay các hoạt động khác trong sinh hoạt.
- Thường xuyên né tránh hoặc thực hiện một cách miễn cưỡng những công việc cần sự tập trung (bài tập về nhà hay học ở trường).
- Thường xuyên đánh mất các vật dụng cần thiết cho công việc, học tập như sách vở, bút, thước…
- Thường xuyên bị chi phối dễ dàng bởi các kích thích xung quanh.
- Thường xuyên quên trong hoạt động, sinh hoạt thường ngày.
Với những biểu hiện tăng động, bé có ít nhất 3 triệu chứng trong số những triệu chứng sau:
- Luôn ngọ nguậy chân tay hay uốn éo, vặn vẹo mình trên ghế.
- Luôn nhấp nhỏm đứng lên trong lớp học hoặc ở những nơi cần phải ngồi yên trên ghế.
- Chạy nhảy, leo trèo khắp nơi ở những nơi không cho phép.
- Thường xuyên gặp khó khăn trong việc tuân thủ luật lệ của các trò chơi hoặc các hoạt động giải trí.
- Vận động liên tục không biết mệt mỏi.
Cách điều trị và chăm sóc bé bị hội chứng ADHD
Việc nuôi nấng, dạy dỗ bé tăng động giảm chú ý rất vất vả. Thông thường, các bác sĩ đưa ra biện pháp điều trị bằng chế độ ăn uống, bằng thuốc và trị liệu thần kinh.
Về dinh dưỡng:
- Các bác sĩ nhận thấy những thực phẩm tốt cho trí não đều giúp hạn chế ADHD. Đó là sữa và các chế phẩm từ sữa, đậu nành, lúa mì, chocolate và trứng. Bên cạnh đó, tránh cho bé ăn những thức ăn dễ gây dị ứng hay có phụ gia, hóa chất và phẩm màu.
Về sinh hoạt:
- Cần phối hợp can thiệp sinh hoạt của bé để tăng khả năng điều trị, thiết lập lịch sinh hoạt như ăn uống, chơi đùa, làm bài tập, việc nhà… để nhắc nhở trẻ cần làm việc gì trong thời gian bao lâu. Nên chia thành từng giai đoạn để bé dễ thực hiện. Hạn chế xem tivi và khuyến khích con tham gia các hoạt động trí não như xếp hình, đọc sách.
- Kiên nhẫn và nhẹ nhàng với bé, không bực tức, la hét hay đánh bé vì như thế chỉ khiến bé thêm hung hăng. Nếu bé làm gì sai, mẹ có thể phạt bằng cách yêu cầu bé vào phòng và đóng cửa lại.
- Cho bé nghe nhạc hòa tấu, Mozart hoặc hát cho bé nghe. Âm nhạc cũng là phương pháp điều trị hiệu quả giúp cải thiện khả năng tập trung của bé.